Bộ Quốc phòng Israel hôm 13/12 thông báo 10 quân nhân nước này đã thiệt mạng trong vòng 24 giờ ở Dải Gaza, trong đó có một đại tá chỉ huy căn cứ tiền phương và một trung tá trung đoàn trưởng. Phần lớn thương vong xảy ra tại quận Shejaiya ở Gaza City, khi các thành viên của Lữ đoàn Golani, đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Israel (IDF), bị Hamas phục kích trong đô thị.
Đây là lần đầu tiên một đại tá Israel tử trận ở Gaza, cũng là thương vong trong một ngày lớn thứ hai được ghi nhận từ hôm 31/10, thời điểm 15 binh sĩ thiệt mạng khi giao tranh với Hamas. Thông tin này gây ra cú sốc cho dư luận Israel, trong bối cảnh nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc tập kích hôm 7/10 của Hamas khiến gần 1.200 dân thường thiệt mạng.
"Thương vong lớn của Lữ đoàn Golani, trong đó có các sĩ quan cấp cao, khiến chúng tôi cảm thấy rất đau xót", Miri Eisin, đại tá về hưu của IDF và hiện là chuyên gia an ninh Israel, nói.
Theo Elsin, tổn thất này cho thấy tính chất khó lường của loại hình chiến tranh đô thị mà quân đội Israel đang đối mặt ở Dải Gaza, dù họ có lực lượng đông đảo và trang bị vượt trội so với đối phương.
"Trong giai đoạn đầu xung đột, IDF chủ yếu tiến hành không kích, pháo kích vào Dải Gaza. Điều này gây ra thương vong lớn về dân thường ở dải đất, song giúp bộ binh Israel được an toàn. Tình hình thay đổi khi chiến dịch trên bộ bắt đầu, nơi binh sĩ đối mặt với hiểm nguy thường trực", Elsin cho biết.
IDF cho biết tổng cộng 119 binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ khi lực lượng này điều bộ binh vào Dải Gaza cách đây hơn hai tháng. Con số này cao gần gấp đôi thương vong trong chiến dịch trên bộ năm 2014 của IDF ở Gaza, trong đó 67 binh sĩ Israel thiệt mạng sau 51 ngày giao tranh.
Giới chuyên gia trước đó cảnh báo quân đội Israel sẽ khó phát huy hết ưu thế về công nghệ trong môi trường chiến tranh đô thị ở Dải Gaza, khu vực có địa hình chật hẹp, nhiều tòa nhà cao tầng, cùng hệ thống đường hầm chằng chịt dưới lòng đất.
Mạng lưới đường hầm giúp các tổ diệt tăng Hamas di chuyển khắp nơi, thoắt ẩn thoắt hiện qua các cửa hầm bí mật. Họ có thể luồn ra sau đội hình tăng thiết giáp Israel, khai hỏa vài quả đạn, rồi nhanh chóng rút về vị trí an toàn.
"Trong chiến tranh đô thị, phe phòng thủ luôn là bên chiếm lợi thế. Đó là lý do Hamas đã củng cố căn cứ ở các khu vực đô thị tại Dải Gaza và xây dựng mạng lưới địa đạo chằng chịt dưới lòng đất", chuyên gia Elsin nhận định.
Để đối phó, quân đội Israel cần phải tự tạo ra các "lợi thế cục bộ", như tận dụng địa hình để ẩn nấp hay sử dụng công nghệ cao nhằm nhanh chóng phát hiện vị trí của đối phương. "Tuy nhiên, họ đã không làm được điều này trong cuộc giao tranh hôm 13/12", Elsin cho biết.
Israel Ziv, tướng Israel đã nghỉ hưu, cho biết Lữ đoàn Golani bị phục kích tại khu vực nhiều nhà cửa ở quận Shejaiya, nơi Hamas bố trí các tổ hỏa lực bên trong các tòa nhà và đào đường hầm để bí mật cơ động từ nhiều hướng.
Lối vào các đường hầm đều được gài mìn để đối phương không thể xâm nhập. "Chiến đấu ở khu vực này là điều vô cùng rủi ro", tướng Ziv nhận định.
Ông cho hay sau khi nhóm bộ binh đầu tiên trúng bẫy mìn và hỏa lực của Hamas trong đường hầm, các đội khác đã lập tức chạy tới ứng cứu và rơi vào trận địa phục kích. "Hành động vội vàng này là nguyên nhân khiến Lữ đoàn Golani hứng chịu thương vong lớn", Ziv nói.
Quận Shejaiya cũng là nơi mà Lữ đoàn Golani từng mất 13 binh sĩ trong chiến dịch trên bộ năm 2014, khi đơn vị của họ lọt vào ổ phục kích gồm mìn chống tăng và hỏa lực súng máy của Hamas. Các tay súng Hamas khi đó đã ẩn nấp rất kỹ trong đường hầm, chờ đến thời điểm thuận lợi nhất mới công kích đội hình của Lữ đoàn Golani, khiến họ hoàn toàn bất ngờ.
Israel sau đó đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội để chuẩn bị cho kịch bản tiến hành chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza trong tương lai, bao gồm việc trang bị Hệ thống Phòng thủ Chủ động (APS) cho thiết giáp chở quân và xe ủi đất, công nghệ từng giúp IDF không mất xe tăng Merkava nào hồi năm 2014.
Công nghệ này vẫn tiếp tục chứng minh được hiệu quả trong chiến dịch đang diễn ra. Video do Hamas đăng ngày 14/12 cho thấy khoảnh khắc hệ thống Trophy đánh chặn đòn tấn công của nhóm vũ trang, bảo vệ xe tăng Israel khỏi đòn tấn công ở cự ly rất gần.
IDF cũng áp dụng thêm nhiều công nghệ, chiến thuật để có thể săn tìm các ổ phục kích và căn cứ của Hamas tại đô thị, hạn chế nguy cơ bị đối phương tấn công bất ngờ. Lực lượng này gần đây đăng video tổ săn tăng Hamas bị tập kích ngay sau khi khai hỏa, cho thấy năng lực trinh sát hiệu quả của quân đội Israel.
Triệt phá mạng lưới địa đạo của Hamas cũng được IDF đặc biệt chú trọng. Lực lượng này ngày 3/12 thông báo đã phát hiện 800 lối dẫn xuống hệ thống đường hầm của Hamas, vô hiệu hóa 500 cửa hầm bằng cách kích nổ hoặc bịt kín, đồng thời phá hủy nhiều km tuyến địa đạo chính của nhóm vũ trang.
"Chiến tranh đô thị đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều với Hamas", Ashraf Abouelhoul, chuyên gia về Palestine, nhận định.
Tuy nhiên, Hamas những năm qua cũng không ngồi yên. Con số 800 đường hầm mà IDF phát hiện chỉ là phần nhỏ của hệ thống địa đạo ở Dải Gaza, trong bối cảnh nhóm vũ trang đã tích cực xây dựng và mở rộng mạng lưới địa đạo từ sau cuộc xung đột năm 2014. Tổng chiều dài hiện nay của hệ thống địa đạo là khoảng 500 km, với hàng chục nghìn lối ra vào.
"IDF chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để đối phó với mạng lưới địa đạo ở Dải Gaza", Yaacov Amidror, thiếu tướng nghỉ hưu của Israel, cho biết.
Theo Eyal Pinko, cựu quan chức tình báo cấp cao Israel, ngoài các đường hầm phức tạp, Hamas còn sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, như tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Kornet được cho là do Iran chuyển giao. Nhóm vũ trang cũng có thể tự sản xuất một số loại vũ khí như súng chống tăng RPG-7 và có kho dự trữ đạn dược lớn.
"Hamas đã đạt được các bước tiến đáng kể trong việc xây dựng lực lượng sau năm 2014", Pinko nêu quan điểm.
Nhóm này cũng cho thấy khả năng sử dụng hiệu quả máy bay không người lái (UAV) tự chế, công nghệ nổi lên gần đây nhờ chiến sự tại Ukraine. Trong cuộc tập kích lãnh thổ Israel hôm 7/10, nhóm vũ trang đã phá hủy ít nhất một xe tăng Merkava Mark 4M bằng cách dùng UAV thả đầu đạn PG-7VR vào mặt trên mũi xe, đánh trúng điểm yếu của hệ thống Trophy vốn không có năng lực phòng vệ trước đòn tấn công đột nóc.
Theo các thống kê nguồn mở, ít nhất 24 xe tăng Merkava đã bị phá hủy hoặc hư hại trong chiến sự hiện nay, cho thấy Hamas đã tìm ra một số cách khắc chế dòng xe tăng từng được coi là "bất khả xâm phạm" trong cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza.
Quy mô và mục đích của chiến dịch trên bộ lần này cũng là nguyên nhân khiến tính khó lường và tổn thất tăng lên với quân đội Israel. Mục tiêu chính trong chiến dịch năm 2014 của Israel là tìm kiếm và phá hủy các đường hầm ở Dải Gaza, trong khi Tel Aviv lần này tuyên bố sẽ không ngừng chiến dịch cho đến khi "loại bỏ tận gốc rễ" lực lượng Hamas.
"Không thể so sánh quy mô của cuộc chiến lần này với năm 2014. Lực lượng Israel khi đó phần lớn không tiến vào sâu quá một km ở Dải Gaza", thiếu tướng nghỉ hưu Amidror cho biết.
Sau nhiều tuần tập trung tấn công miền bắc Dải Gaza, quân đội Israel hôm 4/12 tiếp tục điều bộ binh tiến vào miền nam. Giao tranh hiện diễn ra ác liệt ở thành phố Khan Younis, thành trì của Hamas của khu vực. Một số nhân chứng cho biết quân đội Israel đã được đưa xe tăng vào trung tâm thành phố hôm 10/12.
Bất chấp tổn thất lớn về binh sĩ, sự ủng hộ của dư luận Israel với chiến dịch tại Dải Gaza sẽ không suy giảm, theo chuyên gia Elsin, người có chồng và ba con đang phục vụ trong quân ngũ.
"Người dân Israel coi mối đe dọa từ Hamas lớn đến mức họ sẵn sàng chấp nhận thương vong để có thể xóa bỏ nhóm vũ trang", Elsin nói. "Điều đó không đồng nghĩa tôi muốn chồng con mình tử trận, nhưng tôi biết sẽ không thể tiếp tục cuộc sống bình thường cho đến khi Hamas bị loại bỏ".
Phạm Giang (Theo CNN, Reuters)