Chỉ trong vài ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh cách chức hàng loạt cố vấn, thứ trưởng, công tố viên và lãnh đạo khu vực. Truyền thông nước này cho biết ít nhất ba quan chức bị sa thải có liên quan đến bê bối tham nhũng. Lực lượng chống tham nhũng Ukraine đã bắt một quan chức với cáo buộc nhận hối lộ.
"Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại như trước đây, với lối sống mà các quan chức đã quen, với cách chạy theo quyền lực cũ", ông Zelensky nói trong video hôm 22/1, khi tuyên bố bắt đầu quá trình cải tổ bộ máy.
Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1991, tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush tới thăm Kiev và khuyến khích nước này áp dụng mô hình thị trường tự do. Tuy nhiên, điều này đã dẫn tới tình trạng chủ nghĩa thân hữu lũng đoạn chính trị, với những giao dịch "cửa sau" thao túng quyền lực ở nước này, theo các cơ quan giám sát chống tham nhũng quốc tế và của Ukraine.
"Mọi thứ khi đó giống như thời Trung cổ", Vasyl Zadvornyy, cựu giám đốc điều hành Prozorro, cơ quan mua sắm công của Ukraine, cho hay. Nhiều nhóm giám sát quốc tế đã gọi Ukraine là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất thế giới.
Năm 2014, khi tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych từ chối một thỏa thuận lớn với Liên minh châu Âu (EU), hàng triệu người dân đã xuống đường yêu cầu chính phủ cải cách. Phong trào sau đó trở thành một cuộc biểu tình lật đổ chính phủ, khiến Yanukovych bị phế truất và phải chạy sang Nga.
"Mức độ thiệt hại mà nạn tham nhũng gây ra cho đất nước khi ấy đã vô cùng rõ ràng", Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev, nói về những cuộc biểu tình bạo lực trong "phong trào Maidan".
Ngay sau đó, phong trào ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine nổ ra. Giao tranh giữa lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội chính phủ kéo dài suốt 8 năm, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Mylovanov, phong trào Maidan cho thấy nạn tham nhũng đã làm suy yếu khả năng tự vệ của Ukraine đến mức nào.
"Các cơ quan an ninh đã không làm gì để đối phó. Đơn giản là họ không có khả năng", ông nhận xét. Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 mà gần như không phải nổ phát súng nào. Năng lực quân sự của Ukraine khi đó gần như kiệt quệ, sau nhiều năm hứng chịu tình trạng tham ô và những hợp đồng mua sắm vũ khí tồi tệ.
Năm 2015, Zadvornyy đã làm việc với các nhà hoạt động, lập trình viên phần mềm và chính phủ Ukraine để thành lập một hệ thống mua sắm công hoàn toàn mới mang tên Prozorro, có nghĩa là "minh bạch" trong tiếng Ukraine. Tất cả quan chức được bầu và bổ nhiệm đều phải kê khai toàn bộ tài sản, nếu không sẽ bị phạt nặng.
"Quyền tiếp cận các cơ quan đăng ký của chúng tôi còn lớn hơn nhiều so với Mỹ", Vitaliy Shabunin, người đứng đầu Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng Ukraine, một tổ chức phi chính phủ ở Kiev, nói.
Đến năm 2016, quốc hội Ukraine đã buộc các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ sử dụng Prozorro và công bố hàng nghìn thông tin chi tiết từ mỗi giao dịch. Thậm chí một học khu ở vùng nông thôn khi mua bút chì đã phải kê khai mục đích sử dụng, mức giá cạnh tranh và thông tin liên hệ của bên mua cũng như bên bán.
Hệ thống này trở nên rất phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp, bởi lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine, những nguyên tắc thị trường công bằng được đảm bảo, Zadvornyy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn kêu gọi Ukraine hành động nhiều hơn.
"Việc thông qua luật để tăng tính minh bạch liên quan đến các nguồn thu nhập chính thức là chưa đủ", ông Joe Biden, lúc bấy giờ là phó tổng thống Mỹ, nói trước một phiên họp quốc hội Ukraine vào năm 2015, khi ông hứa cung cấp gói viện trợ trị giá 190 triệu USD nhằm giúp Ukraine chống tham nhũng.
Dù vậy, những cải cách bổ sung mà ông Biden và EU muốn thấy ở Ukraine, như thực thi tốt hơn các chính sách chống tham nhũng công khai, không bao giờ thành hiện thực.
Khi tờ New York Times năm 2016 chỉ trích Ukraine chống tham nhũng không triệt để, tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko đã cáo buộc tờ báo đứng về phía Moskva nhằm chống lại Kiev. Sau đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2019, ông liên tục lặp lại tuyên bố rằng những cáo buộc tham nhũng đã khiến chính phủ xao lãng khỏi các vấn đề quốc phòng. Cuối cùng, Poroshenko đã thất bại trước đối thủ Volodymyr Zelensky.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái 2022, Kiev đã đình chỉ các yêu cầu liên quan đến tính minh bạch do lo ngại về an ninh quốc gia.
Trong những tháng tiếp theo, các khoản chi tiêu dân sự bắt đầu được cập nhật trở lại cơ sở dữ liệu của Prozorro, nhưng việc mua sắm quân sự vẫn là bí mật. Điều này khiến một số cơ quan giám sát, trong đó có một nhóm nghị sĩ Mỹ, yêu cầu chính phủ Ukraine phải đảm bảo minh bạch ngay cả trong thời chiến.
"Cách duy nhất để khôi phục lòng tin là càng cứng rắn càng tốt", Shabunin thuộc Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng nói về những động thái gần đây của chính phủ khi sa thải các quan chức cấp cao. "Chúng ta có nhiều vấn đề, nhưng chúng ta đang đi đúng hướng và biết nên làm thế nào. Đó là lý do tôi vẫn lạc quan".
Hiện tại, dường như đây cũng là đánh giá chung của EU về những nỗ lực chống tham nhũng ở Ukraine.
Khi khối 27 quốc gia chấp nhận tư cách ứng viên của Ukraine hồi tháng 6/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ca ngợi những cải cách gần đây mà Kiev đã thực hiện.
Ukraine "đã đạt được nhiều điều, nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều việc quan trọng cần làm", bà von der Leyen nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo NPR)