Khi thông báo điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai của Mỹ tới đông Địa Trung Hải hôm 14/10, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẵn sàng ủng hộ Israel, song lưu ý nếu Tel Aviv đưa quân chiếm đóng Gaza, đây sẽ là "một sai lầm lớn", đồng thời kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu quay lại đàm phán với chính quyền Palestine.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh Israel đã tập kết hàng chục nghìn quân, hàng trăm xe tăng, thiết giáp dọc Dải Gaza, sẵn sàng tiến vào vùng đất này để "nghiền nát" Hamas.
Khi dấu hiệu về chiến dịch tấn công của Israel ngày càng rõ ràng, chính quyền Tổng thống Biden trong tuần qua đã hối hả tìm cách sơ tán khoảng 5.000 công dân ra khỏi Dải Gaza, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho hơn hai triệu dân thường mắc kẹt trong vòng phong tỏa của Israel.
Chuyến công tác ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Đông tuần trước cho thấy Mỹ vẫn có ảnh hưởng nhất định tới Israel cũng như các quốc gia chủ chốt trong thế giới Arab vào những thời điểm nhạy cảm và sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình.
Hôm 15/10, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ cũng đang cố gắng hết sức để giúp nỗ lực tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi không bị đe dọa bởi chiến dịch tấn công của Hamas.
Theo giới quan sát, thách thức với Mỹ là rất lớn, bởi họ không thể dung hòa tất cả mục tiêu trong nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng đang có xu hướng lan rộng nhanh chóng ở Trung Đông.
Mỹ ủng hộ quyết tâm của Israel trong việc xử lý mối đe dọa từ Hamas "một lần và mãi mãi", nhưng chiến dịch tấn công của Tel Aviv vào Dải Gaza để thực hiện mục tiêu đó có thể gây ra tổn thất về vật chất và nhân mạng lớn đến mức khiến Israel bị cô lập với các đồng minh Arab khác của Mỹ.
"Chúng tôi đang thảo luận với Israel về mọi câu hỏi, đánh giá các kịch bản tương lai để đảm bảo rằng Israel được an toàn cũng như những người Palestine vô tội sống ở Gaza có thể sống một cuộc sống an toàn và hòa bình", Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay.
Tuy nhiên, ông thừa nhận cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể chỉ là khởi đầu cho sự bùng nổ của "thùng thuốc súng" Trung Đông. "Cuộc xung đột này có nguy cơ leo thang với việc mặt trận thứ hai được mở ra với lực lượng Hezbollah ở phía bắc và tất nhiên có Iran tham gia", ông nói.
Các bình luận được đưa ra khi quy mô của thảm kịch nhân đạo ở Dải Gaza dần trở nên rõ ràng hơn. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về nguy cơ tình trạng nhân đạo ở Dải Gaza sụp đổ sau 10 ngày Israel không ngừng không kích và phong tỏa. Chiến sự cũng đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, chủ yếu là dân thường, ở cả hai phía.
Trong nỗ lực kiềm chế xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát, Ngoại trưởng Blinken tuần qua đã tới Israel, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan, Ai Cập và Bahrain. Ông nói tại Cairo hôm 15/10 rằng toàn khu vực đều quyết tâm ngăn chặn xung đột Hamas - Israel biến thành một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn.
Israel cũng mời Tổng thống Biden tới nước này để hội đàm với Thủ tướng Netanyahu và ông chủ Nhà Trắng đã lên kế hoạch cho chuyến thăm vào ngày 18/10, theo Ngoại trưởng Blinken.
Washington được cho là đang "đi trên dây" khi vừa phải thể hiện tinh thần ủng hộ không lay chuyển với Israel trong cuộc chiến với Hamas, vừa phải giảm thiểu hậu quả từ chiến dịch tấn công Tel Aviv sắp tiến hành, nhằm ngăn một tình huống có thể khiến họ bị kéo trở lại Trung Đông.
Ngoại trưởng Blinken đã thể hiện rõ mục tiêu này của Mỹ. Ông nói rằng Mỹ luôn ủng hộ Israel trong vấn đề an ninh, nhưng cũng cảnh báo cách Israel xử lý cuộc khủng hoảng rất quan trọng.
"Họ cần khẳng định những giá trị chung đối với mạng sống và phẩm giá con người, thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa trong khả năng để tránh gây tổn hại cho dân thường", ông nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đồng thời đưa ra một thông điệp răn đe cứng rắn hơn, khẳng định "không ai được làm điều gì có thể đổ thêm dầu vào lửa ở bất kỳ nơi nào khác".
Nỗ lực của Mỹ đã gặt hái một số thành công ban đầu, khi Israel dường như đã trì hoãn chiến dịch tấn công vào cuối tuần qua, mở ra quãng thời gian "cửa sổ" để các bên tăng cường đàm phán về cuộc khủng hoảng nhân đạo và con tin ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Blinken hôm 15/10 thông báo đã đạt được thỏa thuận với Israel và Ai Cập về việc mở cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập với Dải Gaza. Cửa khẩu này nhiều khả năng được mở trong hôm nay để các xe tải chở đồ cứu trợ quốc tế có thể đến được với người dân Gaza.
Israel đã đồng ý cung cấp nước trở lại cho Gaza, một nhượng bộ từ Tel Aviv sau hơn một tuần phong tỏa gắt gao. Ngoại trưởng Blinken cũng thông báo bổ nhiệm David Satterfield, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, để giúp điều phối các nỗ lực viện trợ.
Dù vậy, giới phân tích cảnh báo các nỗ lực này sẽ không thể ngăn được chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza. Một khi tiếng súng nổ ra, nỗ lực ngoại giao của Mỹ sẽ bị hạn chế đáng kể.
Các chuyên gia lo ngại cảnh thường dân bị kẹt trong làn đạn có thể kích động bạo lực trong cộng đồng những người Palestine ở Bờ Tây. Họ cũng có thể thúc đẩy Hezbollah, nhóm chiến binh Hồi giáo ở Lebanon ủng hộ Hamas, phóng hàng nghìn rocket vào các thành phố Israel, mở ra mặt trận thứ hai trong cuộc chiến.
Hezbollah mạnh hơn Hamas rất nhiều và Israel đã cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc phản công hủy diệt vào Lebanon nếu nhóm này gia tăng các cuộc giao tranh ở biên giới. Một cuộc tấn công kép vào Israel của Hezbollah và Hamas, hai nhóm được Iran hậu thuẫn, có thể dẫn đến những hành động trả đũa của Tel Aviv nhằm vào Tehran. Khi xung đột giữa Israel và Iran nổ ra, Mỹ nhiều khả năng phải can thiệp để bảo vệ đồng minh ở Trung Đông.
Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc hôm 14/10 cảnh báo trên mạng xã hội rằng nếu các cuộc tấn công của Israel vào Gaza không dừng lại, "tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra những hậu quả sâu rộng".
Với Mỹ, nguy cơ xung đột lan rộng có thể dẫn tới hành động trả thù từ các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng đồn trú của Washington ở Iraq và Syria, nơi họ đang tham gia nhiệm vụ chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sự ủng hộ kiên định của Tổng thống Biden được cho là khiến Israel tự tin hơn vào chiến dịch tấn công ở Dải Gaza, nhưng nó cũng có thể tạo được sự tin cậy chính trị nhất định để Mỹ để tìm cách hạn chế tác động tồi tệ nhất của chiến dịch, đồng thời duy trì các nỗ lực hòa bình lâu dài trong khu vực.
Khi tuần mới bắt đầu, tình hình được dự báo có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhà đàm phán hòa bình Trung Đông kỳ cựu của Mỹ Aaron David Miller nói rằng cuộc tấn công trên bộ từ phía Israel có thể diễn ra trong vài ngày tới và hệ lụy sẽ rất khủng khiếp. Tuy nhiên, Miller bày tỏ hy vọng nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Blinken có thể tạo ra những kết quả hữu ích.
"Dù chiến dịch tấn công sẽ diễn ra trong 24 giờ, 48 giờ hay vào tuần tới, thực tế không tránh khỏi là nó đang đến", ông nói. "Nó sẽ gây ra vô số thảm kịch cho dân thường, như nhiều cuộc khủng hoảng khác ở khu vực, nhưng ít nhất chúng ta cũng có một số triển vọng để làm vơi bớt nỗi đau".
Vũ Hoàng (Theo CNN)