Ngành chăn nuôi bò sữa manh nha tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, vào khoảng năm 1920. Đến năm 2001, tổng đàn đạt xấp xỉ 41.000 con. 95% chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Nguyên liệu sữa phải nhập khẩu tới 70%. Sữa tươi sản xuất trong nước đáp ứng chỉ 20% tiêu dùng. Đó là bức tranh tổng quan về ngành chăn nuôi bò sữa những năm đầu hình thành. "Đâu là hạt nhân để ngành tạo được sự đột phá?". Thời điểm đó, đây vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Vấn đề khí hậu nhiệt đới nóng ẩm không thích hợp từng được xem là bài toán lớn của ngành bò sữa tại Việt Nam, do bò sữa chỉ sinh trưởng và có năng suất tốt tại các nước ôn đới. Xác định đây là sự sống còn của ngành, các doanh nghiệp sản xuất đã tiên phong nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống để đưa ra lời giải. Khi đã giải quyết xong bài toán này, ngành sữa Việt tiếp cận thách thức lớn hơn là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư và đặc biệt là công nghệ.

"Cuộc cách mạng trắng" những năm 1990 được xem là cột mốc đem đến bước ngoặt cho ngành do các doanh nghiệp tiên phong thực hiện, trong đó có Vinamilk. Máy móc, cơ giới hóa được ứng dụng vào các công đoạn sản xuất sữa. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đảm bảo việc thu mua từ nông dân, hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi, thiết bị bảo quản và chấp nhận giảm lợi nhuận để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.

"Công nghệ và tri thức là chìa khóa để phát triển ngành một cách có hệ thống và đạt đến quy mô đại công nghiệp" – Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ tại một sự kiện khánh thành trang trại - "Resort" Bò sữa Tây Ninh, quy mô 8.000 con mới diễn ra gần đây.

Điều này đã được Ban lãnh đạo Doanh nghiệp Sữa tỷ đô nhận định từ cách đây gần 15 năm trước, khi họ bắt đầu đầu tư xây dựng trang trại đầu tiên từ năm 2006, đặt nền móng cho ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Việt Nam. Từ đó đến nay, riêng Vinamilk có 12 trang trại bò sữa, tất cả đều áp dụng tự động hóa trong chăn nuôi và quản lý.

"Trong quá trình vận hành trang trại, chúng tôi đều liên kết với các địa phương khu vực xung quanh, hỗ trợ, hợp tác cùng người dân trồng cỏ, ngô, thức ăn thô xanh cung cấp cho trang trại. Hơn nữa, chúng tôi xúc tiến lấy trang trại làm hạt nhân, từng bước phát triển đàn bò sữa ra cho bà con nông dân chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi và lập các trung tâm thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra để người chăn nuôi có việc làm và thu nhập ổn định, bền vững" - Giám đốc điều hành về phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk cho biết.

Với hệ thống trang trại chuẩn Global G.A.P lớn nhất Châu Á ở hơn 10 tỉnh trên cả nước, Vinamilk đã tạo ra các hạt nhân để kích thích sự phát triển của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Việc liên kết này đã giúp nâng tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty từ 3.000 con (năm 1991) lên 130.000 con trên cả nước (năm 2019). Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt xấp xỉ một triệu lít mỗi ngày.

Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, về bản chất, không xóa bỏ tính truyền thống, mà nâng cao trình độ sản xuất các nông hộ, làm cho họ trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bền vững.

Vinamilk cũng giúp giải quyết vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, mất mùa được giá" trong suốt nhiều năm qua. Theo đó, với các nhà máy sản xuất chạy liên tục và hơn 80 trạm thu mua, Vinamilk hiện đảm bảo thu mua sữa tươi cho các hộ chăn nuôi quanh năm, bất kể mùa nắng, mưa, nóng lạnh hay nghỉ Tết..., với giá cả luôn ổn định, hợp lý.

Sữa tươi nguyên liệu được vận chuyển đến nhà máy trên các xe chuyên dụng

Không chỉ người nông dân, mà hộ dân trồng ngô, cỏ, cung cấp thức ăn thô xanh cho trang trại cũng không nằm ngoài chuỗi giá trị. Hàng nghìn hecta đất nông nghiệp đưa vào trồng ngô, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình.

Đơn cử, một trang trại tại Tây Ninh của Vinamilk mỗi năm tiêu thụ cho bà con hơn 100 tỷ đồng nông sản, tạo ra hơn 300 việc làm trong trang trại, chủ yếu là người dân địa phương, cùng hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực trồng trọt. Mỗi năm, trang trại Tây Ninh ký hợp đồng với người dân trồng khoảng 1.500 ha đất trồng ngô. Trang trại có hệ thống chế biến ngô ủ chua tiên tiến, mỗi ngày trang trại tiêu thụ được khoảng 1.500 – 2.000 tấn nguyên liệu.

Khi được hỏi về cách mạng 4.0 đã giúp giải quyết vấn đề nuôi bò sữa tại vùng nhiệt đới như thế nào, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ: "Nếu cách đây 10 năm, với vấn đề này tôi sẽ trả lời khác. Nhưng với trình độ công nghệ hiện nay của các doanh nghiệp đầu tàu, tôi có thể khẳng định chúng ta có thể chăn nuôi bò sữa tại bất cứ nơi đâu."

Với hệ thống 12 trang trại hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0, được các tổ chức trên thế giới chứng nhận theo các tiêu chuẩn toàn cầu, Vinamilk đang góp phần hình thành và hoàn thiện công nghệ chăn nuôi ở các nước nhiệt đới. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đầu tư phát triển trang trại ra các nước khác trong khu vực.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa tại Việt Nam ước đạt gần 500.000 con, tổng sản lượng sữa đạt trên một triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 11% mỗi năm.

Để đạt tới mục tiêu này, ông Tống Xuân Chinh cũng nhận định: "Với nền nông nghiệp cơ cấu nông hộ vẫn còn nhiều, diện tích đất nông nghiệp có hạn, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa là định hướng tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này vẫn phải dựa vào khả năng đầu tư của người nông dân. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu như Vinamilk là rất quan trọng, là mấu chốt cho hệ thống sản xuất công nghiệp, trong đó có chăn nuôi".