Khi giao tranh bước sang tháng thứ 5, lực lượng Nga đã chọc thủng hầu hết phòng tuyến của Ukraine tại tỉnh Lugansk ở miền đông và kiểm soát hành lang trên bộ từ Donbass tới Crimea ở phía nam Ukraine. Quân đội Nga cũng cải thiện đáng kể năng lực hậu cần lẫn chỉ huy, đồng thời phát huy hệ thống tác chiến điện tử để vô hiệu hóa phần lớn các đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Lực lượng Nga những tuần qua pháo kích dữ dội vào những vị trí cuối cùng mà Ukraine kiểm soát ở tỉnh Lugansk. Chiến thuật này giúp Nga giành lợi thế khi lực lượng Ukraine buộc phải "rút lui chiến thuật" khỏi Severodonetsk và để mất khu vực phía nam thành phố Lysychansk lân cận.
Nga và phe ly khai chưa khép được vòng vây Lysychansk, song đã đặt lực lượng Ukraine phòng thủ tại đây vào tình thế "nghìn cân treo sợi tóc", theo Leonid Pasechnik, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Lực lượng Nga cũng tăng cường các đợt tấn công ở tỉnh Donetsk, tiến gần hơn vành đai các thị trấn công nghiệp chạy từ phía nam Sloviansk, qua Kramatorsk đến Kostiantynivka.
Theo các chuyên gia phương Tây, tại Lysychansk cùng nhiều thị trấn nằm dọc chiến tuyến vùng Donbass, Nga có thể tiếp tục thực hiện chiến thuật từng áp dụng ở Severodonetsk, khiến binh sĩ Ukraine có nguy cơ bị pháo kích đến mức phải tiếp tục rút lui.
Vấn đề nan giải với lực lượng Ukraine là liệu họ có quyết tâm phòng thủ Lysychansk hay không khi đối mặt nguy cơ tổn hại nhân lực và vũ khí trong kịch bản thành phố bị bao vây. Trong tình huống xấu nhất, các chỉ huy Ukraine nhiều khả năng sẽ phải ra lệnh cho binh sĩ tiếp tục rút lui về tuyến phòng thủ mới.
Cục diện chiến trường hiện nay hoàn toàn khác với giai đoạn đầu chiến dịch, khi quân đội Nga gặp nhiều lúng túng về hậu cần và hiệp đồng tác chiến, khiến họ không thể phát huy được lợi thế áp đảo về hỏa lực và hứng chịu tổn thất nặng nề ở miền bắc Ukraine.
Việc cải thiện hệ thống tiếp tế hậu cần nhờ mạng lưới đường sắt dày đặc ở vùng Donbass, kết hợp với những thay đổi trong chiến thuật tác chiến đã giúp lực lượng Nga "đảo chiều" tình hình chiến trường theo chiều hướng có lợi cho họ, theo Tim Lister, nhà phân tích của CNN.
Các tổ hợp phòng không, chủ yếu là S-300, được triển khai để bao phủ vùng trời rộng lớn ở Donbass, khiến các đợt tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trở nên kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quân đội Nga dường như chưa đạt được nhiều bước tiến trong mũi tấn công từ Izyum tới bắc Sloviansk, bất chấp nỗ lực đột kích liên tục nhằm phá vỡ phòng tuyến của Ukraine.
Các quan chức Ukraine hồi cuối tuần trước cho biết Nga và phe ly khai đang tập trung quân ở bắc Sloviansk. Nga cũng có thể nhanh chóng huy động một số nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) đang trực chiến ở bên kia biên giới tham gia trận tấn công đô thị này, nhằm tạo thêm gọng kìm vây chặt Lysychansk.
Nga có thể duy trì được đà tiến và cục diện chiến trường như hiện nay trong bao lâu vẫn là một câu hỏi lớn. Các hệ thống vũ khí hạng nặng mà phương Tây chuyển cho Ukraine với khả năng tập kích pháo binh, pháo phản lực và sở chỉ huy của Nga phía sau chiến tuyến được kỳ vọng sẽ Kiev thu hẹp đáng kể khoảng cách về hỏa lực.
Quân đội Ukraine hôm nay cũng tuyên bố sử dụng tên lửa và pháo binh tập kích lực lượng Nga đồn trú trên đảo Zmiinyi ở ngoài khơi Biển Đen, buộc binh sĩ Nga phải rút lui. Trong khi đó, Nga nói rằng đã chủ động rút lực lượng khỏi đảo tiền tiêu này để "thể hiện thiện chí" và tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu lương thực qua Biển Đen.
Tuy nhiên, Ukraine khó tạo được kết quả tương tự ở chiến trường miền đông. Các tổ hợp M142 HIMARS do Mỹ chuyển giao phải sử dụng đạn tăng tầm để bắn trúng mục tiêu cách 70 km và đòi hỏi binh sĩ vận hành được huấn luyện chuyên sâu trong nhiều tuần. Trong khi đó, vài tuần tại Donbass là thời gian quá dài với lực lượng phòng thủ Ukraine đang hứng chịu hỏa lực dữ dội từ pháo binh Nga.
Áp lực càng lớn hơn khi các đơn vị giàu kinh nghiệm nhất mà Ukraine triển khai đến vùng Donbass đang bị bào mòn đáng kể về quân số dưới hỏa lực pháo binh áp đảo của Nga và khó có thể nguồn lực thay thế.
Lực lượng Ukraine cũng chịu tổn thất về khí tài trên tiền tuyến ở miền đông. Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần thông báo phá hủy một số lựu pháo M777 do Mỹ chuyển cho Ukraine tại khu vực.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, câu hỏi lớn nhất hiện nay là sau khi phá vỡ phòng tuyến của Ukraine ở tỉnh Donetsk, Nga có nhân cơ hội mở rộng chiến dịch ra phạm vi ngoài vùng Donbass hay không.
ISW nhận định nếu mở rộng quy mô chiến dịch, Nga có thể tiến tới tận bờ đông sông Dnieper và về cơ bản chia Ukraine thành hai phần. Kịch bản này được nhận định là xấu nhất đối với Ukraine, song cũng rất khó xảy ra, khi nguồn lực của hai bên đang cạn kiệt nhanh chóng.
Bất chấp cục diện chiến sự nghiêng về hướng bất lợi cho Ukraine những tuần qua, giới chuyên gia phương Tây cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy Nga cũng hứng chịu thiệt hại cao về tăng thiết giáp. Các quan chức phương Tây cho hay Nga đã phải tái cơ cấu một số BTG do hứng chịu nhiều thiệt hại.
ISW nhận định Nga "có ý định triển khai chiến dịch quân sự kéo dài ở Ukraine, đồng thời đang tăng nỗ lực hỗ trợ các mục tiêu quân sự và chính trị lâu dài tại những khu vực mà họ kiểm soát ở nước láng giềng".
Nguyễn Tiến (Theo CNN)