Tuy nhiên, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel cũng cảnh báo đất nước không thể tự mãn vì một loạt các ca nhiễm mới xuất hiện từ ngày 28/5. "Đây là tuần ghi nhận số ca đang điều trị và ca hàng ngày tăng so với những tuần trước. Như đã thông báo, chúng ta đã ở giai đoạn cuối của dịch bệnh", Chủ tịch Cuba phát biểu hôm 6/6.
"Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào cách loại bỏ tàn dư, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến năng lực kém cỏi hoặc hoạt động kém hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào, những yếu tố có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại", ông nói thêm.
Quốc gia 11,2 triệu dân đã ghi nhận gần 2.200 ca nhiễm và 83 ca tử vong. Với 1.862 người đã hồi phục, Cuba hiện chỉ còn 244 ca nhiễm. Việc tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh sẽ mở đường cho tuyên bố tuần tới về chiến lược dần dỡ phong tỏa của Cuba.
Tuần tới "chúng tôi sẽ có thể thông báo cho mọi người cách chúng tôi tiếp cận giai đoạn này và khi nào chúng tôi có thể làm như vậy", theo ông Diaz-Canel.
Cuba vẫn đóng cửa các trường học và biên giới. Giao thông công cộng cũng bị đình chỉ và việc đeo khẩu trang nơi công cộng là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc du lịch, thương mại bị tê liệt bởi lệnh cấm vận kéo dài 6 thập kỷ của Mỹ, Cuba có khả năng không thể tiếp tục duy trì phong tỏa lâu hơn nữa.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 7 triệu người nhiễm và hơn 406.000 người tử vong. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, trong khi Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Mỹ Latin với gần 692.000 ca nhiễm và hơn 37.300 ca tử vong.
New Zealand cũng đã thông báo không còn ca nhiễm nào và dự kiến dỡ bỏ mọi hạn chế trong nước.
Huyền Lê (Theo AFP)