Ephraim Jackman, binh sĩ Israel 21 tuổi, đang tham chiến ở Dải Gaza khi anh nghe tin một người bạn từ thời thơ ấu đã thiệt mạng trong giao tranh ở dải đất này.
Jackman đã xin nghỉ phép, từ chiến trường về thẳng quê nhà để dự tang lễ bạn mình. Đó cũng là lần cuối cùng bố mẹ Jackman nhìn thấy anh. Jackman thiệt mạng vài ngày sau đó ở Gaza, khi cố gắng thu hồi thi thể một đồng đội đã bỏ mạng trong cuộc đọ súng với các thành viên Hamas.
Hesder Yerucham, chủng viện Do Thái mà Jackman và bạn anh theo học ở thị trấn sa mạc Yerucham, đã mất 9 học sinh và cựu sinh viên trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng qua.
Tại Israel, xung đột đang tạo ra cú sốc mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ, những người mới chỉ nửa năm trước còn rất mơ hồ về chiến sự. Hơn 300 binh sĩ Israel cùng với hàng trăm thường dân đã thiệt mạng trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023 của Hamas. Đến nay, chiến dịch của Israel tại Gaza đã khiến ít nhất 260 binh sĩ thiệt mạng. Đây là số thương vong cao nhất mà quân đội Israel hứng chịu kể từ cuộc chiến kéo dài ba năm với Lebanon vào những năm 1980.
Những người đã ngã xuống, phần lớn dưới 30 tuổi, trong đó có nhiều lính nghĩa vụ chỉ mới 18 tuổi, thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ sinh viên tôn giáo, nhân viên công nghệ hay thành viên từ các nhóm thiểu số phi Do Thái.
"Đây là một sự kiện thay đổi thế hệ. Nhiều người đang chết đi mỗi ngày", Uri Keidar, 39 tuổi, giám đốc điều hành tổ chức vận động xã hội Israel Hofsheet, nói.
Keidar, người mới phục vụ hơn 140 ngày trong lực lượng dự bị, cho biết hàng chục cựu học sinh từ trường trung học cũ của anh ở miền trung Israel đã chết vì cuộc chiến.
Tại Dải Gaza, thương vong còn cao hơn nhiều. Theo cơ quan y tế khu vực, khoảng 33.500 người đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công của Israel. Con số này không phân biệt giữa dân thường và thành viên Hamas.
Những mất mát ở Israel đang được cảm nhận trên nhiều khía cạnh xã hội vào thời điểm đất nước bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị.
"Những thanh niên này đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Một cái hố không đáy đã bị mở ra và không thể đóng lại được. Đó là nỗi đau vô tận", Kaid Abu Latif nói.
Em trai của anh là Ahmad Abu Latif, 26 tuổi, đã thiệt mạng khi được triển khai tới Gaza hồi đầu năm. Trung đội của Ahmad bị Hamas tập kích khi đang đóng quân tại một tòa nhà ở Gaza và không ai sống sót. Ahmad là một trong số ít người Hồi giáo phục vụ trong lực lượng vũ trang Israel với vai trò chiến đấu.
"Ahmad tự hào là người theo đạo Hồi, tự hào về nơi cậu ấy sống", Kaid nói, thêm rằng em trai anh ra đi để lại người vợ và cô con gái mới một tuổi.
Rất nhiều trường học của Israel hiện đều có học sinh hoặc sinh viên thiệt mạng vì chiến sự ở Dải Gaza. Trường trung học công lập Mor Metro-West ở thành phố Ra'anana, miền trung Israel, đã mất 7 cựu học sinh kể tháng 10 năm ngoái, trong đó có một quân nhân 20 tuổi vừa qua đời hôm 31/3. Một cựu nữ sinh của trường đang bị bắt làm con tin ở Gaza.
Amnon Bar Natan, cựu hiệu trưởng trường, đã tham dự cả 7 đám tang. "Mọi thứ rất, rất khó khăn đối với tôi", ông nói.
Nỗi đau mất đi những thanh niên trẻ tuổi trong cuộc chiến cũng được cảm nhận sâu sắc tại chủng viện Do Thái Hesder Yerucham, nơi có khoảng 300 sinh viên đang nghiên cứu nâng cao về kinh Talmud.
"Ngày nọ, sau khi có thêm hai sinh viên bỏ mạng ở Gaza, chúng tôi cùng tham dự buổi cầu nguyện buổi sáng mà không thể nói được gì. Các sinh viên mong đợi chúng tôi nói điều gì đó, nhưng chúng tôi không thể làm được", Chaiim Wolfson, một trong những giáo sĩ trưởng của trường, cho hay.
Nhiều sinh viên tại chủng viện Yerucham phục vụ trong các đơn vị chiến đấu. Họ có niềm tin mạnh mẽ với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, coi việc chiến đấu vì Israel là một phần thiết yếu của đức tin.
Vai trò ngày càng tăng của những người lính theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trong quân đội cho thấy bước thay đổi đáng chú ý so với trước đây, khi lực lượng vũ trang Israel chủ yếu dựa vào tầng lớp thế tục và thường thiên tả trong xã hội. Nó cũng khiến việc giải thích cho quy định miễn nghĩa vụ quân sự đối với những người Do Thái chính thống trở nên khó khăn hơn. Đây là một đặc quyền gây tranh cãi có từ thời lập quốc của Israel.
Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, vốn dựa vào ủng hộ của các chính trị gia Chính thống giáo, đã trình bày một dự luật sẽ mở rộng các tiêu chí tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng vẫn áp quy định miễn trừ những người theo Chính thống giáo. Những biệt đãi mà cộng đồng này được hưởng trong phục vụ quân đội đang thổi bùng làn sóng bất bình trong công chúng về cách phân bổ gánh nặng xung đột vào thời điểm mà quân đội đang rất cần nhân lực.
Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz, thành viên thế tục nổi tiếng trong chính quyền Thủ tướng Netanyahu, đang đe dọa sẽ từ chức nếu dự luật trên được thông qua.
"Ý tưởng về việc để một số người nào đó được quyền không phục vụ quân đội trong bối cảnh hiện nay thật sự gây phẫn nộ", Keidar, giám đốc điều hành tổ chức vận động xã hội Israel Hofsheet, nói.
Hàng chục sinh viên khác tại chủng viện Yerucham đang chờ nhập ngũ vào mùa xuân này. Yeehudah Corn, 20 tuổi, cho biết viễn cảnh nhập ngũ trong thời chiến vừa tạo động lực vừa khiến anh căng thẳng.
"Chúng tôi muốn học tập kinh Ngũ Thư, nhưng cũng muốn phục vụ đất nước của mình, trải qua những gì mọi người đang trải qua", anh nói.
Khi Hamas tấn công Israel, Jackman và các sinh viên năm thứ tư khác tại chủng viện Yerucham đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc và chuẩn bị tiếp tục việc học toàn thời gian. Khi quân đội Israel bắt đầu huy động lực lượng dự bị cho chiến dịch ở Gaza, Jackman đã gọi điện đăng ký.
"Nó rất quyết tâm", Liat Jackman, mẹ anh, nói. "Nó luôn quyết liệt trong mọi việc mình làm".
Sinh viên từ các chủng viện luôn cố gắng tuân thủ các quy tắc của người Do Thái Chính thống trong thời gian tham chiến ở Gaza, trong đó có việc cầu nguyện ba lần mỗi ngày và nghiên cứu các văn bản tôn giáo. Đôi khi, họ thấy môi trường thế tục của quân đội Israel, nơi nam nữ được tự do hòa nhập, là một cú sốc văn hóa. Nhưng việc cùng sát cánh chiến đấu trên chiến trường đôi khi cũng giúp họ thu hẹp mối chia rẽ.
Bạn của Jackman, Eitan Rosenzweig, người thiệt mạng hồi tháng 11 năm ngoái, là một sinh viên sùng đạo kiêm nghệ sĩ tài năng, người từng vẽ bức tranh dài hơn ba mét mô tả lịch sử của người Do Thái. Sau khi được điều động đến Gaza, Rosenzweig cảm thấy không thoải mái vì một nữ nhân viên y tế trong đội thường đi cùng anh trong chiếc xe bọc thép chật chội.
"Họ để phụ nữ đi cùng chúng con, điều đó không ổn lắm", Rosenzweig nói với cha mẹ trong một cuộc điện thoại.
Nhưng vào lần gọi sau, anh đã quen với thực tế mới và nói rằng nữ y tá tên là Maayan.
Sau cái chết của Rosenzweig, Maayan đã tham dự một nghi lễ để tưởng nhớ anh ở Yerucham. "Hai đứa đã trở thành bạn bè", mẹ anh, Hagit, nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)