OceanGate, công ty vận hành tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương, ngày 22/6 xác nhận 5 người trên tàu đã thiệt mạng. Tuần duyên Mỹ trước đó cho biết các mảnh vỡ mà họ phát hiện dưới đáy biển cho thấy tàu lặn Titan đã bị "ép nát thảm khốc", hiện tượng khiến những người bên trong tử vong gần như ngay lập tức.
Trước khi bước lên tàu lặn Titan thực hiện chuyến tham quan xác Titanic, các hành khách đều phải ký cam kết miễn trừ trách nhiệm với OceanGate, trong đó nguy cơ tử vong được đề cập ít nhất ba lần ngay trang đầu tiên. Theo đó, họ phải tự chịu trách nhiệm nếu thiệt mạng khi con tàu gặp sự cố dưới đáy biển.
Tuy nhiên, đối với gia đình các nạn nhân, mọi thứ có thể không kết thúc ở đây. Giới phân tích cho rằng thân nhân vẫn có thể kiện OceanGate, cũng như những người khác liên quan tới tàu lặn Titan, ngay cả khi nạn nhân đã ký cam kết miễn trừ.
5 người thiệt mạng trên tàu gồm Stockton Rush, 61 tuổi, người sáng lập và giám đốc điều hành OceanGate, tỷ phú Anh Hamish Harding, 58 tuổi, Shahzada Dawood, 48 tuổi, doanh nhân gốc Pakistan, cùng con trai 19 tuổi Suleman, đều là công dân Anh, và nhà hải dương học quốc tịch Pháp kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi.
Cam kết miễn trừ không phải lúc nào là lá chắn pháp lý vững chắc và không có gì lạ nếu các thẩm phán bác bỏ nó nếu có bằng chứng về sơ suất hoặc rủi ro nghiêm trọng không được tiết lộ đầy đủ với hành khách.
"Nếu có những thông tin về thiết kế hoặc cấu trúc tàu bị giữ bí mật với hành khách hoặc nó được cố tình vận hành dù được cảnh báo không đảm bảo an toàn, cam kết miễn trừ sẽ không còn hợp lệ", Matthew Shaffer, luật sư về tai nạn hàng hải ở Mỹ và từng là đại diện cho nạn nhân của một số thảm họa hàng lớn như vụ nổ Deepwater Horizon năm 2000, nói.
OceanGate có thể lập luận rằng đây không phải là sơ suất và cam kết miễn trừ hợp lệ vì đã nêu đầy đủ những nguy hiểm tiềm ẩn khi tham quan vùng biển sâu của đại dương bằng tàu lặn. Mức độ của bất kỳ sơ suất nào và ảnh hưởng của nó đối khả năng áp dụng miễn trừ như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân tai nạn, vốn sẽ là trọng tâm của cuộc điều tra tiếp theo.
"Có rất nhiều ví dụ về những gì các gia đình nạn nhân có thể yêu cầu bất chấp cam kết miễn trừ, nhưng cho đến khi biết rõ nguyên nhân tai nạn, chúng ta không thể xác định liệu trường hợp này cam kết miễn trừ có được áp dụng hay không", Joseph Low, luật sư về thương tích cá nhân ở California, nói.
Các đội tìm kiếm dự kiến sớm rời hiện trường sau khi tàu Titan được xác nhận đã bị phá hủy, song các thiết bị tự hành tiếp tục thu thập bằng chứng dưới đáy biển. Hiện không rõ liệu có thể trục vớt thi thể các nạn nhân lên hay không, do tính chất của vụ tai nạn và điều kiện khắc nghiệt ở độ sâu đó.
"Việc trục vớt thi thể nạn nhân sẽ được cân nhắc dựa trên những rủi ro đối với tính mạng con người và tài sản. Nếu nó nguy hiểm tới mức khiến nhiều người và thiết bị gặp nguy hiểm, họ có lẽ sẽ không làm điều đó", luật sư Shaffer cho hay.
OceanGate là công ty nhỏ có trụ sở ở Everett, Washington và không rõ liệu họ có tài sản để bồi thường các tổn thất lớn hay không. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân có thể tận dụng chính sách bảo hiểm của công ty nếu có. Họ cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các bên tham gia thiết kế, xây dựng hoặc chế tạo bộ phận cho tàu Titan, nếu chúng bị phát hiện có sai sót và là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Công ty OceanGate có thể tìm cách tự bảo vệ bằng cách đệ trình cái gọi là giới hạn trách nhiệm theo luật hàng hải, trong đó cho phép chủ sở hữu tàu liên quan tới tai nạn yêu cầu tòa án liên bang hạn chế bất kỳ thiệt hại nào đối với giá trị hiện tại của tàu.
Tuy nhiên, để làm điều này, OceanGate sẽ phải chứng minh họ không biết gì về các sai sót tiềm ẩn với tàu lặn Titan. Các chuyên gia cho rằng việc tìm bằng chứng cho điều đó là nhiệm vụ không dễ dàng.
Nếu OceanGate thất bại, gia đình các nạn nhân sẽ được quyền nộp đơn kiện về việc người thân bị thiệt mạng vì lý do không chính đáng.
Đạo luật Tử vong ở biển sâu, được đưa ra vào năm 1920, cho phép những người phụ thuộc tài chính vào người đã chết trong tai nạn hàng hải có thể yêu cầu phần thu nhập mà họ đáng lẽ sẽ được nhận trong tương lai.
"Các gia đình có thể yêu cầu phần giá trị hỗ trợ mà người thân quá cố của họ có thể tạo ra trong phần đời còn lại của họ. Nếu chồng bạn ở trong con tàu đó và anh ấy kiếm được một triệu USD mỗi năm, cũng như có thể làm việc thêm 30-40 năm nữa, đó sẽ là một con số bồi thường rất lớn. Người được phép yêu cầu bồi thường có thể là vợ/chồng của người quá cố hoặc con chưa thành niên", ông Shaffer nói.
Những gì OceanGate biết về vấn đề an toàn của tàu Titan và những gì hành khách từng nói về nó sẽ là tâm điểm cho những câu hỏi xoay quanh vụ tai nạn và cuộc điều tra. Nguyên đơn có khả năng trích dẫn những cáo buộc sai sót về an toàn của OceanGate từng được một cựu giám đốc nêu ra trong vụ kiện năm 2018.
Hãng OceanGate đầu năm 2018 sa thải giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải David Lochridge sau khi ông nêu lo ngại về độ an toàn của tàu lặn Titan và từ chối phê chuẩn các chuyến đi thử nghiệm chở người. Trong vụ kiện tại bang Washington cách đây 5 năm, OceanGate cáo buộc Lochridge vi phạm thỏa thuận bảo mật khi tiết lộ các thông tin bí mật và độc quyền của công ty.
Cựu giám đốc đã bày tỏ lo ngại khi OceanGate từ chối thực hiện bài kiểm tra không phá hủy đối với thiết kế thân tàu, phương pháp nhằm tìm lỗi bên trong hoặc ngoài thân vỏ mà không gây tổn hại đến Titan. Trong đơn phản tố, Lochridge cho biết thiết kế cửa sổ quan sát của tàu lặn chỉ chịu được áp suất cho phép ở độ sâu 1.300 mét, song Ocean đã lên kế hoạch đưa khách xuống độ sâu 4.000 mét.
Lochridge cũng từng đề nghị OceanGate đánh giá độ an toàn của tàu Titan thông qua cơ quan chuyên môn của Mỹ.
Cũng giống như vụ nổ Deepwater Horizon, ông Sahffer cho rằng rõ ràng đã có rất nhiều cảnh báo rằng con tàu không có khả năng thực hiện hành trình một cách an toàn. Họ cũng đã có những chuyến đi phải bỏ dở vì sự cố.
"Nếu họ không nóng vội, thảm họa sẽ không xảy ra", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters, Vox)