"Chúng tôi đã giải quyết ổn thỏa nguồn cung. Nga đã ngừng cung cấp cho Ba Lan, song chúng tôi có chuẩn bị trước cho kịch bản này. Dầu thô từ Nga chỉ chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu và chúng tôi đã có nguồn thay thế", tổng giám đốc tập đoàn hóa dầu Ba Lan PKN Orlen Daniel Obajtek ngày 25/2 thông báo.
PKN Orlen không nêu lý do Nga ngừng nguồn cung. Công ty khẳng định họ đủ khả năng duy trì công suất bình thường của các nhà máy lọc dầu thông qua nhập khẩu đường biển. Động thái của Nga sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ giao xăng và diesel từ PKN Orlen đến khách hàng.
Tập đoàn Ba Lan đã hết hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí Nga Rosneft vào tháng 2, song vẫn còn hợp đồng nhập dầu với công ty Nga Tatneft.
Các công ty và giới chức Nga chưa bình luận về thông tin này.
Đường ống Druzhba cung cấp dầu thô không chỉ cho Ba Lan, mà còn chuyển dầu đến các nước Đức, Hungary, Czech và Slovakia. Đường ống không nằm trong diện trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
EU đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga qua tàu biển. PKN Orlen đã mở rộng thêm nguồn cung từ Tây Phi, Địa Trung Hải, vùng Vịnh và Vịnh Mexico. Họ vừa ký thêm hợp đồng với tập đoàn dầu khí Aramco của Arab Saudi vào năm 2022.
Thông tin Nga ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba xuất hiện một ngày sau khi Ba Lan thông báo đã chuyển 4 xe tăng chủ lực Leopard 2 đầu tiên tới Ukraine.
EU hôm 24/2 thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, nhắm vào hàng hóa lưỡng dụng xuất khẩu tới nước này, đúng dịp một năm chiến sự bùng phát. Gói trừng phạt cũng được thiết kế để cắt giảm thương mại Nga - EU thêm hơn 10 tỷ euro, đồng thời loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong đó có ngân hàng tư nhân Alfa Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff.
Thanh Danh (Theo Reuters, Guardian)