Anh Nguyễn Minh Thái là công chức của một tổ chức chính trị ở thành phố. Năm 2009, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, làm việc trong môi trường nhà nước. Năm 2013, anh đỗ kỳ thi công chức, được chuyển về một đơn vị mới thành lập và gắn bó đến nay. Anh đảm nhận nhiều đầu việc liên quan đến lương, pháp luật lao động, hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, đơn vị của anh sẽ bị giải thể.
Gần chục ngày trước, cấp trên mời tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị lên gặp mặt nói về chủ trương tinh gọn bộ máy. Lãnh đạo thông tin về số tiền dự kiến từng người được nhận theo Nghị định 178 và theo chính sách riêng của TP HCM, riêng anh được gần một tỷ đồng.
"Cảm xúc của tôi khá lẫn lộn", anh Thái nói. Số tiền một tỷ đồng với vợ chồng công chức là khá lớn bởi "có làm chục năm nữa cũng không để dành được". Tuy nhiên, với anh quan trọng nhất là thu nhập hàng tháng để nuôi hai con 8 và 12 tuổi trong khi tiền lương của vợ chỉ nuôi được một đứa.
Anh Thái tính toán một tỷ đồng "thấy rất nhiều" nhưng nếu lấy ra tiêu cũng nhanh hết, mua đất không đủ, gửi tiết kiệm nhận lãi thì mỗi tháng được 5 triệu đồng. Anh cũng chưa biết đầu tư vào đâu bởi không có kinh nghiệm, sợ mất vốn. Sau nhiều suy tính, anh Thái dự định khi nhận được tiền sẽ gửi ngân hàng rồi tính đường tìm việc mới.
"Tôi tự tin về trình độ của mình nhưng sợ tuổi 40 khó được thị trường tiếp nhận", anh Thái lo lắng. Nhiều năm qua, công việc của anh tiếp xúc nhiều doanh nghiệp nên tạo được một số mối quan hệ. Gần tuần qua, anh dò hỏi một vài nơi và bày tỏ sẵn sàng làm nhân viên thời vụ hoặc thử việc nhiều tháng để học việc và chứng minh năng lực. Bên cạnh đó, anh cũng tìm hiểu một số lớp nghiệp vụ giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm TP HCM. Với kinh nghiệm lâu năm, anh tin mình có thể đứng lớp bổ túc kiến thức về quản lý lao động, tư vấn pháp luật ở doanh nghiệp.
"Tôi đặt mục tiêu sau khi rời nhà nước sẽ làm quen với thị trường lao động, thu nhập chỉ cần đủ để nuôi con. Bản thân sống gói ghém lại", anh Thái nói.
Cũng nghỉ việc do đơn vị bị giải thể, bà Thư Đan, 53 tuổi, công chức ở TP HCM, được hưởng chế độ hưu trí ngay "nên không lo lắng quá nhiều". Nữ công chức có hơn 31 năm đóng bảo hiểm xã hội nên mức hưởng lương hưu tối đa đến 75%.
Hơn tuần trước, bà được lãnh đạo mời lên thông tin về Nghị quyết 18 và số tiền hỗ trợ dự kiến theo Nghị định 178 và chính sách riêng của TP HCM khoảng ba tỷ đồng. Sau khi được tư vấn, bà quyết định nộp đơn nghỉ việc. Bà dự định sẽ mua một căn chung cư cho thuê lấy tiền hàng tháng. Do được nhận lương hưu ngay nên bà không áp lực về thu nhập, tuy nhiên bà Đan dự định vẫn tìm một công việc phù hợp để "bản thân không bị ù lì".
"Tôi sẽ tìm các công việc thời vụ như tư vấn chính sách, quy định pháp luật lao động cho doanh nghiệp. Không áp lực về tiền nhưng tôi sợ ngồi không, hơn 30 năm quen đi làm giờ ở nhà sẽ rất nhàm chán", bà Đan nói.
![Công chức làm việc tại UBND TP Thủ Đức, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/CG2A5907-4857-1739439899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YzqGIe3_RAC9vzlHTh0EaA)
Công chức làm việc tại UBND TP Thủ Đức, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Đan, anh Thái là hai trong khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy, theo thông tin được Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói tại hội nghị của Bộ Nội vụ hồi cuối năm ngoái. Để hỗ trợ cho người nghỉ việc, Chính phủ ban hành Nghị định 178 với 8 chính sách hỗ trợ tài chính vượt trội. Trong số này, một số người vừa nhận được trợ cấp vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải tìm việc mới.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Manpower, ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng nhiều ngành nghề ngoài thị trường đang rất thiếu lao động. Do đó, đặt tình huống 100.000 công chức, viên chức đều có mong muốn tìm việc sẽ là nguồn bổ sung nhân lực cho các doanh nghiệp.
"Thị trường sẵn sàng đón nhận. Với lao động có trình độ thì tuổi tác không phải là vấn đề lớn", bà Trang đánh giá. Phân tích ưu điểm của cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho rằng đa số đều là lao động có trình độ từ đại học trở lên, vốn là nhóm thị trường đang rất "khát". Đặc biệt, cán bộ công chức là những người làm lâu năm trong môi trường nhà nước nên am hiểu các quy định, chính sách, thủ tục khi làm việc với các đơn vị hành chính. Đây là kỹ năng mà nhiều doanh nghiệp cần. Ngoài ra, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc và được đào tạo bài bản là nền tảng để cán bộ, công chức đổi mới, sáng tạo khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng nhóm này sẽ gặp những thách thức khi tham gia vào thị trường lao động như chưa am hiểu quy trình tuyển dụng, đàm phán lương, cách thức giao việc ở doanh nghiệp. Cán bộ, công chức có thể sẽ gặp những cú sốc về văn hóa, cách giải quyết các vướng mắc theo các quy trình không giống nhà nước.
"Thị trường cần nhóm lao động này, quan trọng là làm sao hai bên gặp được nhau", bà Trang nói. Là tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp các giải pháp nhân sự, hoạt động ở nhiều nước, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho rằng việc các chính phủ tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự không phải chuyện hiếm. Kinh nghiệm của các nước là ngoài hỗ trợ tiền mặt, chính phủ còn xây dựng các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ lao động tìm việc làm mới.
Theo bà Trang, dựa trên dữ liệu về trình độ, độ tuổi, mong muốn của cán bộ, công chức nghỉ việc, chương trình chuyển đổi nghề nghiệp sẽ có các chuyên gia với chuyên môn sâu tham vấn các ngành nghề, cập nhật, nâng cao các kỹ năng thị trường cần. Thời gian này có thể kéo dài 3-6 tháng, khi công chức sẵn sàng sẽ được giới thiệu công việc phù hợp.
"Cần một chương trình chuyển tiếp và giảm sốc để cán bộ, công chức khi rời nhà nước vẫn tiếp tục làm việc tốt ở thị trường lao động", bà Trang đề xuất.
![Người lao động tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm ở TP HCM. Ảnh: Lê Tuyết](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/z4973045534702-dd9273d39bc38e9-2104-7891-1739509231.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TlO6eD_d9Gmz-ZlFSklUFg)
Người lao động tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm ở TP HCM. Ảnh: Lê Tuyết
Trong khi đó TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng quá trình tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ nên dự báo sẽ có nhiều hơn 100.000 cán bộ, công chức, viên chức rời nhà nước. Nhóm nghỉ việc có thể được chia ra nhiều thành phần gồm: Tới tuổi hưu và không còn nhu cầu làm việc; còn trẻ tiếp tục làm thuê cho doanh nghiệp và khởi nghiệp làm chủ. Tùy vào nhu cầu của mỗi thành phần mà nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ khác nhau.
Theo chuyên gia, đặc điểm chung là hầu hết cán bộ, công chức nghỉ việc được nhận một khoản hỗ trợ khá lớn. Với hàng trăm nghìn người và số tiền hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng mỗi người thì sẽ có hàng tỷ USD đi vào thị trường. Với người tiếp tục làm thuê, hỗ trợ nâng cao kỹ năng, kết nối việc làm là cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần có các chương trình giúp họ quản lý tài chính cá nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy họ khởi nghiệp.
TS Lê Duy Bình cho rằng nếu không có kênh đầu tư tin cậy, hàng tỷ USD này có thể sẽ vào đất đai, vàng góp phần làm tăng nhiệt thị trường này. "Điều này hoàn toàn không tốt cho nền kinh tế", chuyên gia nói. Do đó, nhà nước cần sớm có các chính sách đủ hấp dẫn để huy động hàng tỷ USD này đầu tư vào sản xuất kinh doanh hoặc mua trái phiếu các dự án trọng điểm quốc gia nhưng đồng thời giúp cán bộ, công chức nghỉ việc có nguồn thu sinh lời từ các kênh đầu tư.
Lê Tuyết
* Tên nhân vật thay đổi theo yêu cầu