Tôi bị ung thư giáp và chuẩn bị mổ cắt hai bên tuyến giáp. Tôi chưa có con và rất mong sẽ có con, không biết mổ cắt tuyến giáp xong có mang thai được không. Mổ tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến mang thai và sinh con? (Lê Lăng Hà)
Trả lời:
Khi bị ung thư tuyến giáp, thông thường bệnh nhân phải mổ cắt tuyến giáp. Trường hợp các nhân giáp lớn có nguy cơ di căn khu vực lân cận hoặc cả hai thùy thì sẽ phải cắt toàn bộ tuyến giáp. Khi cắt toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ được điều trị hormone thay thế, có nghĩa là tìm một lượng hormone tương đương hoặc nhiều hơn một chút so với lượng hormone mà tuyến giáp hàng ngày tiết ra. Điều này khiến tế bào ác tính nếu còn sót lại sẽ bị ức chế, không phát triển được.
Chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ trẻ bị ung thư tuyến giáp, sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và điều trị hormone giáp thì hoàn toàn bình thường. Ban đầu bệnh nhân được mổ cắt toàn bộ tuyến giáp, đồng thời kiểm tra nếu có hạch ở vùng lân cận thì nạo vét các hạch. Sau khi nạo vét hạch, bác sĩ nội tiết sẽ cho điều trị hormone giáp.
Sau 6 tuần, bác sĩ đánh giá lại chức năng tuyến giáp, lượng hormone giáp bổ sung đã phù hợp chưa và xác định nguy cơ ung thư với nồng độ Tg và anti Tg. Nếu nồng độ Tg và anti Tg ở ngưỡng an toàn (nồng độ Tg dưới 0,2 nanogam/dl là an toàn), người bệnh tiếp tục được điều trị bổ sung, không cần phải xạ trị thêm. Nếu nồng độ Tg vượt ngưỡng này, thậm chí cao trên 5 nanogam/dl, khả năng tế bào ác tính còn sót lại nhiều. Lúc đó, bệnh nhân sẽ chuyển sang điều trị bằng iốt phóng xạ, sau khi chụp xạ hình tuyến giáp, kiểm tra đám tế bào ác tính có di căn ở đâu không.
Gần đây, các bác sĩ thường kết hợp ngay điều trị trị xạ để diệt các phần tế bào tuyến giáp còn sót lại trong quá trình mổ hoặc các tế bào di căn. Điều trị iốt phóng xạ xong, người bệnh được theo dõi siêu âm tuyến giáp, xem khu vực tuyến giáp đã mổ rồi còn sót lại tế bào ác tính hoặc những hạch lân cận không. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải xạ trị lần thứ hai hoặc thứ ba tùy theo quá trình theo dõi.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Kim Ước
Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội