Trong cuốn sách xuất bản năm 2021, tác giả "Chuẩn tướng Y.S" đã đề cập việc thiết kế một cỗ máy đặc biệt có thể nhanh chóng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ để lựa chọn hàng nghìn mục tiêu cho quân đội trong thời chiến. Công nghệ này có thể giải quyết được vấn đề mà tác giả mô tả là "nút thắt cổ chai của con người trong việc xác định và quyết định hạ mục tiêu".
Tạp chí trực tuyến +972 của Israel xác nhận "Chuẩn tướng Y.S" là một chỉ huy của đơn vị tình báo tinh nhuệ Israel 8200, có thể so sánh với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hoặc Cục Tình báo Mật (GCHQ) ở Anh. Cỗ máy được nhắc đến trong sách cũng thực sự tồn tại. Cuộc điều tra do +972 và trang tin Do Thái Local Call thực hiện cho thấy quân đội Israel đã phát triển chương trình dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Lavender để thực hiện quá trình "tìm và diệt" này.
Theo 6 sĩ quan tình báo Israel, Lavender có vai trò then chốt trong chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Dải Gaza, đặc biệt là giai đoạn đầu. 6 sĩ quan này đều tại ngũ khi xung đột bùng phát và tham gia quá trình sử dụng AI để nhận diện mục tiêu cần hạ. Lavender ảnh hưởng đến hoạt động tác chiến của IDF đến mức họ coi kết quả đầu ra của cỗ máy này "như quyết định của con người".
Việc sử dụng AI trong cuộc chiến với Hamas làm dấy lên câu hỏi về mặt pháp lý và đạo đức, thay đổi mối quan hệ giữa người và máy. Một câu hỏi nữa là vai trò của con người trong quá trình chọn lựa mục tiêu liệu có còn ý nghĩa nữa hay không.
"Trong trí nhớ của tôi, điều này là chưa từng có", một sĩ quan tình báo nói, thêm rằng họ đặt nhiều niềm tin vào "cỗ máy thống kê" hơn là một người lính có thể bị chi phối bởi cảm xúc. "Mọi người ở đó, kể cả tôi, đều mất người thân, người quen trong vụ đột kích ngày 7/10 của Hamas. Cỗ máy thực hiện nhiệm vụ một cách lạnh lùng, và giúp mọi chuyện dễ dàng hơn".
Một nguồn tin nhấn mạnh sự hiện diện của con người khi đó chỉ mang tính chất là "con dấu" duyệt quyết định hạ mục tiêu của máy.
"Thông thường, họ sẽ chỉ dành 20 giây cho mỗi lần, chỉ để đảm bảo mục tiêu mà Lavender đánh dấu là đàn ông, để phê duyệt quyết định ném bom", Yuval Abraham, phóng viên tạp chí +972 viết. "Điều này được thực hiện bất chấp việc thông tin mà Lavender đưa ra có sai số 10%, và đôi khi nó đánh dấu cả những người có liên hệ rất ít, thậm chí là không liên quan gì tới các nhóm vũ trang".
6 sĩ quan tình báo Israel đều cho biết Lavender có vai trò quan trọng trong cuộc chiến, xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để nhanh chóng chọn ra các mục tiêu cấp cao tiềm năng. 4 nguồn tin nói trong giai đoạn đầu chiến sự, Lavender liệt kê lên tới 37.000 đàn ông Palestine có liên hệ với Hamas hoặc tổ chức Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ) đồng minh.
Quan chức quân đội Israel được cho là còn cho phép chấp nhận thương vong lớn với dân thường Palestine để diệt mục tiêu do Lavender chỉ điểm. Hai nguồn tin nói trong những tuần đầu chiến sự, họ được phép hạ 15-20 dân thường khi duyệt quyết định không kích một tay súng cấp thấp. Với tay súng Hamas cấp cao, thương vong chấp nhận được có thể là hơn 100 dân thường.
Các chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế bày tỏ lo ngại với Guardian về thông tin tỷ lệ thương vong có thể lên tới 20 dân thường cho một tay súng Hamas cấp thấp. Một chuyên gia luật quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ chưa bao giờ thấy tỷ lệ như vậy là có thể chấp nhận được, đặc biệt là với tay súng cấp thấp.
"Việc đánh giá mục tiêu có thể mất thời gian, nhưng với tôi, những đòn tập kích như vậy là thái quá", chuyên gia này nói.
Những cuộc không kích vào mục tiêu như vậy thường được tiến hành bằng bom không dẫn đường, có thể phá hủy toàn bộ tòa nhà, giết hết những người bên trong.
"Bạn không muốn lãng phí bom đắt tiền vào mục tiêu không quan trọng, bởi như vậy rất tốn kém cho đất nước, và loại bom đó cũng không nhiều", một sĩ quan tình báo Israel nói. Một câu hỏi nữa họ phải đối mặt là liệu thiệt hại gây ra cho dân thường có đáng để thực hiện đòn tấn công không.
"Nhưng ngay cả khi một quyết định tấn công bị hủy bỏ thì bạn cũng không cần quan tâm. Bạn sẽ lập tức chuyển sang mục tiêu tiếp theo. Nhờ có Lavender, số lượng mục tiêu dường như bất tận. Bạn còn có hơn 36.000 mục tiêu khác đang chờ", theo nguồn tin.
Theo giới chuyên gia về xung đột, nếu Israel sử dụng bom không dẫn đường để san phẳng nhà của hàng nghìn người Palestine, được AI xác định liên quan đến các nhóm vũ trang ở Gaza, điều đó phần nào giúp lý giải số thương vong cao gây sốc trong cuộc chiến.
Sau nửa năm, chiến sự đã khiến khoảng 33.000 người thiệt mạng, hơn 75.500 người bị thương, theo thống kê của cơ quan y tế Gaza. Số liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy chỉ riêng trong tháng đầu tiên xảy ra xung đột, 1.340 gia đình đã hứng chịu thương vong, trong đó có 312 gia đình mất hơn 10 thành viên.
Phản hồi về thông tin, IDF cho biết chiến dịch của họ được thực hiện đúng quy tắc về thiệt hại không mong muốn trong luật pháp quốc tế. Bom không dẫn đường là "vũ khí tiêu chuẩn" được các phi công IDF sử dụng theo phương thức đảm bảo "độ chính xác cao".
IDF xác nhận sự tồn tại của Lavender, nhưng mô tả nó là cơ sở dữ liệu dùng "để tham khảo chéo các nguồn tin tình báo, nhằm đưa ra những lớp thông tin cập nhật nhất về hoạt động của các nhóm vũ trang", thêm rằng đây là "công cụ để phân tích trong quá trình nhận diện mục tiêu".
Trong giai đoạn đầu chiến sự, thiết lập mục tiêu con người là quá trình đòi hỏi nhiều nhân lực. Các nguồn tin mô tả trong những cuộc chiến trước đây, việc xác định ai là mục tiêu hợp pháp luôn cần các chỉ huy thảo luận và có cố vấn pháp lý ký duyệt.
Trong những tuần đầu sau ngày 7/10/2023, mô hình phê duyệt tấn công mục tiêu đã được thúc đẩy đáng kể. Khi IDF tăng cường oanh tạc Dải Gaza, giới chỉ huy quân sự Israel đã yêu cầu cung cấp mục tiêu liên tục.
"Chúng tôi thường xuyên bị thúc giục 'Hãy đưa thêm mục tiêu'. Họ thực sự la hét với chúng tôi", một sĩ quan tình báo kể lại. "Chúng tôi được bảo 'giờ đây chúng ta phải trừng phạt Hamas, bất kể cái giá phải trả. Bất cứ thứ gì có thể, hãy oanh tạc'".
Để đáp ứng yêu cầu này, IDF đã dựa vào Lavender để tạo cơ sở dữ liệu các cá nhân được cho là có đặc điểm của chiến binh PIJ hoặc Hamas. Thông tin cụ thể về loại dữ liệu dùng để thiết lập thuật toán của Lavender, hay cách chương trình này đưa ra kết luận, không được tiết lộ.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói trong vài tuần đầu tiên, đơn vị 8200 đã tinh chỉnh thuật toán của Lavender và điều chỉnh phạm vi tìm kiếm. Sau khi chọn ngẫu nhiên đối tượng và kiểm tra chéo các dự đoán, đơn vị kết luận Lavender có độ chính xác 90%. Kết quả này khiến IDF chấp thuận sử dụng Lavender làm công cụ chỉ thị mục tiêu.
Lavender sau đó thiết lập cơ sở dữ liệu hàng chục nghìn cá nhân, được đánh dấu là thành viên cấp thấp trong nhánh quân sự của Hamas. IDF sử dụng Lavender song song với một hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa trên AI có tên Gospel, chuyên khuyến nghị mục tiêu là cơ sở hạ tầng.
"Đỉnh điểm, hệ thống cho ra kết quả 37.000 mục tiêu con người tiềm năng", một nguồn tin nói. "Tuy nhiên, con số này thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào tiêu chí thiết lập để xác định ai đó là tay súng Hamas. Khi các tiêu chí có phạm vi rộng, hệ thống trả kết quả là mọi thành viên lực lượng phòng vệ dân sự, sĩ quan cảnh sát ở Gaza, những mục tiêu không đáng để lãng phí bom. Họ hỗ trợ chính quyền Hamas, nhưng họ không thực sự gây nguy hiểm cho binh sĩ Israel".
Trước chiến sự, Mỹ và Israel ước tính số lượng thành viên cánh quân sự của Hamas khoảng 25.000-30.000 người.
Ngay sau cuộc đột kích chưa từng có của Hamas, giới chức Israel quyết định coi mọi đàn ông Palestine có liên quan tới cánh quân sự Hamas là mục tiêu tiềm năng, bất kể tầm quan trọng hay cấp bậc của họ. Quy trình xử lý mục tiêu trong giai đoạn Israel oanh tạc Gaza dữ dội nhất cũng được nới lỏng.
"Chính sách của họ hoàn toàn dễ dãi với thương vong trong các chiến dịch ném bom", theo một nguồn tin. "Dễ dãi đến mức theo quan điểm của tôi, nó mang yếu tố trả thù".
Một nguồn tin khác bảo vệ việc sử dụng Lavender để xác định mục tiêu cấp thấp.
"Khi nhắc đến một tay súng cấp thấp, bạn sẽ không muốn lãng phí thời gian và nhân lực vào đó", người này nói, thêm rằng trong thời chiến, không có đủ thời gian để xem xét cẩn thận từng mục tiêu. "Do đó, bạn sẵn sàng chấp nhận sai số từ việc sử dụng AI, nguy cơ gây thiệt hại ngoài ý muốn và dân thường thiệt mạng, nguy cơ tấn công sai lầm và phải chấp nhận nó".
Trong khi đó, IDF tuyên bố quy trình của họ "đòi hỏi cần tiến hành đánh giá về lợi ích quân sự và thiệt hại ngoài ý muốn dự kiến". "IDF không thực hiện tấn công khi thiệt hại ngoài ý muốn được dự báo cao hơn lợi ích quân sự", IDF cho biết trong một thông báo, thêm rằng "kiên quyết bác bỏ cáo buộc về chính sách cho phép sát hại hàng chục nghìn người trong chính nhà của họ".
Bất kể cách giải thích của IDF là gì, các sĩ quan tình báo Israel đang hoài nghi về chiến lược của các chỉ huy quân đội. "Không ai nghĩ đến việc làm gì tiếp theo, khi chiến sự kết thúc, hay liệu việc sinh sống ở Gaza sau này có còn khả thi hay không", một sĩ quan tình báo nói.
"Chúng tôi cảm nhận được cảm xúc trái ngược ở đây. Một mặt, người dân Israel phẫn nộ vì chúng tôi chưa tấn công đủ ác liệt. Mặt khác, điều bạn thấy sau mỗi ngày là thêm hàng nghìn người Gaza thiệt mạng, hầu hết là dân thường", một sĩ quan khác nói.
Như Tâm (Theo Guardian, +972 Magazine)