"Với tư cách là một cộng đồng tình báo, chúng tôi nhận định thời điểm này không có bằng chứng thực tế cho thấy Nga lên kế hoạch triển khai hoặc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 7/5 cho biết.
"Tuy nhiên, trước những tuyên bố hay động thái đe dọa công khai mà chúng ta thường nghe từ lãnh đạo Nga, chúng tôi không thể xem nhẹ mọi nguy cơ", Burns nói. "Vì vậy, với tư cách là một cơ quan tình báo, chúng tôi luôn theo dõi kỹ mọi khả năng, khi Nga phải đối mặt với rủi ro rất lớn nếu thất bại".
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga sở hữu khoảng 2.000 loại vũ khí như vậy, có thể chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Tổng thống Putin từ tháng 2 đã yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Tuy nhiên, giới chức Anh và Mỹ nói rằng họ không phát hiện thay đổi đáng kể nào trong lực lượng hạt nhân Nga sau lệnh báo động của ông Putin.
Giám đốc CIA là cựu đại sứ Mỹ tại Nga và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về ông Putin. Ông nhận định Tổng thống Nga "không tin mình có thể thất bại" dù quân đội Nga không kiểm soát được những chiến trường then chốt ở Ukraine.
Tổng thống Putin không nhụt chí trước sự kháng cự của Ukraine "bởi ông ấy đặt cược rất nhiều vào những quyết định mà ông ấy đã đưa ra" khi phát động chiến dịch này, Burns nói. "Tôi đánh giá ông ấy tin rằng đẩy mạnh giao tranh sẽ giúp quân Nga có bước tiến".
Chiến sự ở Ukraine đã bước sang giai đoạn mới từ đầu tháng tư, sau khi Nga rút quân khỏi khu vực xung quanh Kiev và bắc Ukraine, để dồn lực thực hiện mục tiêu "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine. Giới chuyên gia đánh giá thay đổi này có thể khiến giao tranh tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.
Hồng Hạnh (Theo AFP)