Taylor bỏ khẩu trang, mỉm cười với nhân viên hải quan đang giơ ngón tay cái với cậu ở sân bay quốc tế Los Angeles, bang California sáng 2/2. Với Taylor, cử chỉ của nhân viên đó còn ý nghĩa hơn cả chuyến bay 12 tiếng rời Thượng Hải.
Taylor nằm trong số nhóm người Mỹ cuối cùng được sơ tán khỏi Trung Quốc sau khi dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát ở nước này. Việc được qua cửa an ninh một cách dễ dàng khiến cậu ngạc nhiên.
"Hơi kỳ lạ khi nhân viên sân bay không hỏi tôi bất kỳ điều gì. Tôi thấy thật may mắn vì trước đó đã nghĩ mình chắc chắn bị đưa đi cách ly", Taylor vui mừng chia sẻ.
Cựu học sinh trường cấp ba ở Portland, bang Oregon này là một trong hàng nghìn học sinh, sinh viên quốc tế theo học chương trình trao đổi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi dịch viêm phổi bùng phát, nhiều du học sinh như Taylor phải chật vật tìm cách rời Trung Quốc.
Chàng trai 17 tuổi là du học sinh Mỹ duy nhất ở tỉnh An Huy, nằm giáp Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch viêm phổi. Cảm thấy buồn chán với chương trình học phổ thông ở Portland, Taylor từng ấp ủ kế hoạch học tiếng Trung và dành một năm ở Trung Quốc trước khi vào đại học.
"Tôi từng nghĩ đó là chuyến phiêu lưu thú vị khi được tới nơi hoàn toàn xa lạ với mình. Tôi không biết điều gì chờ đón phía trước", Taylor, sinh viên trao đổi thuộc chương trình của American Field Service (AFS - tổ chức phi lợi nhuận về trao đổi học sinh, sinh viên quốc tế), chia sẻ.
Nam sinh 17 tuổi lên đường tới Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái và sống cùng một gia đình bản xứ ở thành phố Vu Hồ. Cậu dự định trở về Mỹ vào tháng 6 năm nay sau khi kết thúc chương trình học.
Cậu đã quen vài người bạn Trung Quốc và thử món ăn mới như thịt rùa và dạ dày bò. Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Taylor thậm chí không thể bắt được taxi vì là người Mỹ.
Taylor lần đầu biết thông tin về virus corona là vào đầu tháng 1, khi giáo viên Trung Quốc gửi email thông báo về dịch bệnh lây lan ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc lân cận. Tới ngày 15/1, điều phối viên của tổ chức AFS và chủ nhà của Taylor yêu cầu cậu không được ra ngoài. "Tôi được yêu cầu ở yên trong nhà cả ngày", cậu nói.
Ngày 20/1, virus corona lan sang quốc gia khác, trong khi Trung Quốc báo cáo hàng trăm người nhiễm bệnh và số người chết tăng từ ba lên 17 chỉ trong vài ngày. Hai ngày sau, Christine Berardo, bà của Taylor, gửi tin nhắn WhatsApp rằng đã biết thông tin về dịch viêm phổi và lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán của cháu. "Virus này đã xuất hiện trong thành phố của cháu nên mọi người đều đeo khẩu trang", cậu trả lời tin nhắn của bà.
Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán được đặt dưới lệnh phong tỏa và bị đóng cửa hoàn toàn. "Tôi đã thấy hình ảnh thành phố bị đóng cửa và mọi người không thể rời Vũ Hán", Taylor nhớ lại và cho biết cậu bắt đầu thấy lo lắng.
Karin Berardo, mẹ của Taylor, cũng không khỏi cảm thấy lo lắng nhưng không muốn để lộ điều đó trước con. Trong cuộc nói chuyện trên WhatsApp, bà nói với cậu con trai thích phiêu lưu rằng "hãy xem đó như thử thách và can đảm lên". "Thằng bé luôn khao khát chinh phục thế giới", Karin nói.
Vu Hồ, nằm cách Vũ Hán hơn 480 km về phía đông bắc, không bị phong tỏa nhưng vẫn bị ảnh hưởng của dịch. Thay vì đón Tết Nguyên đán với pháo hoa và lễ hội, người dân tự nhốt mình trong nhà. Trừ vài người cố gắng tìm mua thực phẩm dự trữ và khẩu trang, đường phố ở đây vắng tanh và các kệ hàng gần như sạch trơn. Taylor cho hay mọi người cảnh giác với bất kỳ tiếng ho nào. Hình ảnh thành phố chìm trong nỗi sợ bắt đầu ám ảnh mỗi đêm và khiến cậu khó ngủ. "Tôi lo lắng và luôn tưởng tượng linh tinh", cậu nhớ lại.
Bạn của Taylor đồng loạt liên hệ qua Snapchat và WhatsApp vì lo lắng rằng việc ở lại Trung Quốc thời điểm này quá nhiều rủi ro.
Không biết làm gì, Taylor chỉ biết xem tin tức trên Reddit và chờ đợi mail từ Bộ Ngoại giao. Những người bạn Trung Quốc của cậu chia sẻ nhiều thông tin họ lấy được từ truyền thông trong nước. Tin tức về dịch bệnh dường như xấu hơn mỗi ngày.
Trong khi đó ở Washington, mẹ của Taylor đã liên hệ với tổ chức AFS để nắm tình hình. "Họ nói rằng đã phối hợp chặt chẽ cùng AFS ở Bắc Kinh và khuyên học sinh tại đó ở yên trong nhà", Karin kể lại.
Ngày 26/1, sau khi biết rằng 56 triệu người bị phong tỏa ở Trung Quốc, Karin lập tức liên hệ với đại diện của AFS ở New York để yêu cầu đưa con trai bà trở về Mỹ sớm nhất có thể. Ngày hôm sau, họ lên kế hoạch "giải cứu" Taylor bằng chuyến bay cất cánh ở Thượng Hải, cách Vu Hồ gần 350 km, nhưng không có ai đưa Taylor tới đó. "Họ nói rằng có thể giúp thằng bé lên tàu nhưng nó phải tự tìm cách tới sân bay Thượng Hải", Karin nói.
Bà sợ rằng Taylor có thể bị mắc kẹt ở một trong những thành phố lớn nhất thế giới, nơi nhiều ca nhiễm virus được ghi nhận. Nhưng sau khi thảo luận, hai mẹ con đồng ý thử cách này. AFS sẽ tìm người đưa Taylor đến Nam Kinh, cách Vu Hồ gần 100 km, để cậu tìm cách lên máy bay từ đây đến Thượng Hải.
Taylor đặt chuyến bay của American Airline dự định cất cánh vào 2/2, nhưng đến chiều 31/1, hãng thông báo hủy chuyến vì tạm ngừng dịch vụ ở Trung Quốc. Taylor phải đặt lại chuyến bay của China Eastern Airlines cất cánh cùng ngày.
Trước khi đi, Taylor đã lẻn ra khỏi căn hộ để chào tạm biệt bạn bè Trung Quốc và chụp vài bức ảnh về thành phố Vu Hồ vắng vẻ. Theo kế hoạch, Taylor được đón đi lúc 3h sáng nhưng 11 giờ đêm hôm đó, con trai chủ nhà đã gõ cửa phòng cậu và chiếc ô tô đã đợi sẵn bên ngoài.
Người đón Taylor sợ rằng họ sẽ bị chậm trễ nếu có thêm tuyến đường bị đóng cửa. Không ngoài dự đoán, một vài đoạn đường bị đóng và tài xế đã phải chuyển hướng sang đường nhánh.
"Tôi đã rất căng thẳng và lo lắng", Taylor viết trong cuốn nhật ký mà cậu muốn dùng để ghi lại những giờ cuối cùng ở Trung Quốc. Lúc đó khoảng 11h30 đêm ngày 1/2. "Khắp nơi tối đen và chỉ có duy nhất chiếc xe của chúng tôi trên đường. Tôi vừa bỏ khẩu trang được 5 giây thì tài xế quay lại quát lớn", cậu viết. Tại các trạm kiểm tra, cảnh sát yêu cầu dừng xe để xem họ có đeo khẩu trang hay không và Taylor liên tục bị soi nhiệt độ cơ thể.
Gần 0h30 sáng ngày 2/2, khi họ vừa tới sân bay Nam Kinh, cảnh sát yêu cầu dừng xe. Những người mặc đồ bảo hộ y tế đề nghị Taylor ra ngoài. Họ kiểm tra thân nhiệt một lần, hai lần rồi ba lần. Mỗi lần họ đều nói nhiệt độ cơ thể cậu quá cao.
Taylor không chắc chuyện gì đang xảy ra nhưng cậu thấy mình vẫn khỏe. "Tôi không biết phải làm gì nếu họ không cho tôi tới sân bay", cậu nói. Cuối cùng, một nhân viên y tế đổi nhiệt kế khác và lần này nhiệt độ cơ thể Taylor ở mức an toàn.
Bốn tiếng sau kể từ khi xuất phát, họ đã hoàn thành hành trình dài gần 100 km và đến được sân bay vắng bóng người lúc 2h sáng. Khi làm thủ tục lên máy bay tới Thượng Hải 3 tiếng sau đó, nhân viên sân bay nói với cậu rằng cô không thể kiểm tra hành lý cho cậu toàn bộ hành trình tới Los Angeles bởi chuyến bay có thể bị hủy.
Nhân viên này muốn biết cậu còn muốn tới Thượng Hải nữa không, nhưng Taylor hiểu mình không thể quay đầu. Khi lên máy bay tới Los Angeles, cậu cố gắng ngủ nhưng không được. Taylor nghĩ tới 5 tháng học còn lại bị cắt khiến cậu mất đi nhiều cơ hội.
Tại sân bay Los Angeles, Taylor đứng ở nơi kiểm tra dành cho khách nhập cảnh vào Mỹ, bỏ khẩu trang và chờ đợi đến lượt. Taylor còn mang theo cuốn Hiến pháp Mỹ trong túi để tìm hiểu về quyền của mình trong trường hợp bị nhân viên an ninh đuổi ra khỏi hàng. Nhưng trái với suy đoán của Taylor, nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu rồi trả lại mà không có bất kỳ câu hỏi nào.
"Ở những cửa kiểm tra khác, bất kỳ ai đeo khẩu trang hoặc đến từ Trung Quốc đều bị hỏi về nơi từng đi và lý do đi, nhưng không có tôi", Taylor kể lại. Mẹ của Taylor đã chờ sẵn và ôm chặt con trai trong tay khi cậu qua cửa kiểm tra. "Mẹ ơi! Con mệt quá", cậu nói.
Cậu nhanh chóng đeo lại khẩu trang khi rời sân bay, nhưng sau đó nhận ra mình không còn ở giữa vùng dịch. Cậu bỏ khẩu trang và vội tiến tới cửa hàng Chipotle kiếm hai chiếc bánh burrito vị đậu và phô mai. "Đây là thiên đường", Taylor nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)