"Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào do nhiễm nCoV, khi cuộc chiến chống Covid-19 đã bước sang tháng thứ 4. Đó là điều rất ấn tượng", Tiến sĩ Ravina Kullar, chuyên về các bệnh truyền nhiễm, Đại học California, Mỹ, nói với VnExpress.
Ngày 17/4, tổng số ca nhiễm nCoV ở Việt Nam là 268, không có người thiệt mạng do dịch, 177 người đã hồi phục.
Kullar khẳng định Việt Nam có nhiều điểm chung với các nước được coi là thành công trong kiểm soát Covid-19 ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore (ở giai đoạn đầu). Các nước này đều cách ly triệt để người nhiễm và nghi nhiễm, truy dấu và xét nghiệm tất cả những người liên quan. Chính phủ truyền đi thông điệp trung thực, thẳng thắn tới công chúng.
So sánh tình hình ở Việt Nam với Pháp, hai nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên cùng thời điểm (lần lượt là 23/1 và 24/1), Tiến sĩ Kullar nói có sự khác biệt rất lớn, khi Pháp hiện ghi nhận gần 148.000 người nhiễm và hơn 17.000 người thiệt mạng.
"Sự chênh lệch lớn về các con số của Việt Nam và Pháp cho thấy kết quả khác nhau của một nước chủ động chặn dịch sớm, nhanh và nghiêm ngặt, còn nước kia thiếu sự chuẩn bị từ đầu", Kullar nói.
Kullar cho biết Việt Nam đã thiết lập các biện pháp ngăn Covid-19 ngay từ khi dịch bùng phát chủ yếu trong Trung Quốc, chưa lan ra bên ngoài. Không lâu sau khi thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện nCoV, phong toả vào ngày 23/1,Việt Nam ráo riết công bố các kế hoạch chặn dịch trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 28/1, Việt Nam thông báo lập đội phản ứng nhanh chống Covid-19, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Các địa phương được đề nghị phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi người nghi nhiễm. Hệ thống bệnh viện trung ương, địa phương, quân đội, công an sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi cần thiết và khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu. Sau đó, Việt Nam dừng các chuyến bay từ Trung Quốc, cấm đi lại qua lối mòn, lối mở ở biên giới, tăng cường đo thân nhiệt ở các sân bay lớn. Lãnh đạo Việt Nam cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng nCoV, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo dùng, lập nhiều khu cách ly tập trung, hạn chế từng phần nhập cảnh với người nước ngoài.
Việt Nam đóng cửa các trường học từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngưng các hoạt động kinh doanh không thuộc danh mục thiết yếu, cấm tập trung đông người, dừng các lễ hội, công chức, người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà. Theo Kullar, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức công bố cách ly toàn xã hội từ đầu tháng 4, Việt Nam thực tế đã ngưng nhiều hoạt động từ hai tháng trước đó. Việt Nam đã huy động các nguồn lực có sẵn để tránh tình trạng quá tải với hệ thống y tế, có thể gây phí tổn lớn về tài chính. Hà Nội phản ứng với Covid-19 đúng như cách đã thực hiện để ngăn chặn dịch SARS năm 2002 và cúm H1N1 năm 2009.
"Có rất ít quốc gia thực hiện chính sách ngăn Covid-19 từ sớm như Việt Nam", Kullar nói.
Tại Mỹ, Kullar cho biết người dân đã chờ đợi phản ứng của chính phủ khi dịch lan rộng ra ngoài Trung Quốc, ca nhiễm tăng cao và tăng nhanh ở châu Âu. Đến đầu tháng 4, chính quyền mới khuyến khích người dân mang khẩu trang để phòng bệnh. Hiện Mỹ trở thành vùng chết chóc nhất thế giới khi số người tử vong do nCoV vượt 34.000, trong số gần 700.000 ca nhiễm. Kullar miêu tả chính phủ Mỹ đã chần chừ hành động cho đến khi tình hình trở nên "quá muộn". Bà cho rằng dân số Mỹ cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng cách Hà Nội kiềm chế dịch từ sớm thực sự là chính sách đúng đắn.
Nhắc đến nguy cơ có thêm ca nhiễm liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, sau khi Việt Nam phát hiện bệnh nhân 243 (ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh) là ca thứ 45 từ đây, Kullar cho rằng thông báo của Bộ Y tế yêu cầu người dân báo cáo và tự cách ly là phù hợp. Bà thừa nhận việc truy dấu người nghi nhiễm không để lại thông tin cá nhân (thẻ tín dụng, điện thoại di động) khi đến bệnh viện rất khó khăn.
"Với Covid-19, mỗi ngày đều là trạng thái chờ đợi. Chính phủ cần chuẩn bị cho tình huống các ca nhiễm tăng vọt và cách ứng phó với nó", Kullar nói.
Khi số lượng người nhiễm ở Đông Nam Á tăng cao, vượt 22.000 ca, Kullar đánh giá đây có thể là "đợt sóng Covid-19 thứ ba" mà Việt Nam phải đối diện, sau hai đợt sóng trước đó từ Trung Quốc và châu Âu. Kullar tin rằng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nếu duy trì lệnh cấm đi lại với các nước ở khu vực. Bà nhận định Việt Nam đang ở gần thời điểm "làm phẳng đường cong" và nên duy trì các biện pháp chặn dịch hiện nay.
Kullar cho rằng các nước nên dần dần dỡ bỏ lệnh hạn chế do Covid-19. Một số ngành kinh doanh mặt hàng không thiết yếu có thể mở trở lại, đồng thời vẫn duy trì cách biệt cộng đồng. Nhiều quốc gia đang sốt ruột muốn khôi phục các hoạt động do nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng theo bà, thế giới sẽ không trở lại trạng thái bình thường trong vài tháng tới. Việt Nam có thể cần thời gian hạn chế giống như Vũ Hán, 76 ngày hoặc hơn.
"Nếu các hoạt động được mở lại cùng lúc, nguy cơ sẽ có một đợt bùng phát mới", Kullar nói.