Khoảng 10-20 giây trước khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pokhara, miền trung Nepal hôm 15/1, chiếc ATR-72 hai động cơ của Yeti Airlines đang "ở độ cao 3.800 mét và hạ độ cao bình thường", phát ngôn viên sân bay cho biết. Nhưng máy bay ngay sau đó đột ngột nghiêng 90 độ sang trái, lao xuống hẻm núi cạnh sông Seti, khiến ít nhất 69 người thiệt mạng.
Diwas Bohora đang ngồi trên sân thượng tại nhà riêng ở thành phố Pokhara thì nhận thấy một máy bay đang tiếp cận sân bay ở độ cao thấp, nên dùng điện quay video.
"Máy bay bất ngờ nghiêng sang một bên, giống như tiêm kích nghiêng cánh để tránh tên lửa", Bohora cho hay. "Nhìn thấy điều đó, tôi bị sốc khi nhận ra nó dường như sắp lao về phía nhà mình".
Khum Bahadur Chhetri, một nhân chứng khác, cho biết từ trên mái nhà, anh nhìn thấy chiếc máy bay tròng trành, "nghiêng sang trái và phải, rồi đột nhiên lao thẳng xuống hẻm núi".
Neil Hansford, nhà tư vấn hàng không của tổ chức Strategy Aviation Solutions có trụ sở tại Australia và cũng là chuyên gia kỳ cựu với hơn 40 năm làm việc trong ngành hàng không, cho biết dựa trên video, chiếc máy bay ATR-72 dường như đang thực hiện thao tác hạ cánh bình thường, nhưng mọi thứ thay đổi chỉ trong vài giây.
"Mọi việc xảy ra quá nhanh chóng với cả hành khách và phi công", Hansford nhận định, thêm rằng máy bay gặp nạn trong thời gian ngắn như vậy là do hiện tượng "thất tốc" khi phi công tiếp cận đường băng ở tốc độ quá thấp.
Thuật ngữ "thất tốc" được dùng để chỉ tình trạng vận tốc ngang của máy bay giảm mạnh, khiến cánh phi cơ không đạt được tốc độ cần thiết để tạo ra đủ lực nâng. Khi lâm vào tình trạng này, máy bay rất dễ rơi tự do mất kiểm soát, dẫn tới thảm họa.
"Ngay khi nghiêng sang trái, máy bay mất hết sức nâng của gió và rơi xuống như hòn đá. Một khi máy bay bị thất tốc ở tầm thấp và tốc độ thấp thường sẽ dẫn đến tai nạn", ông nói.
Hansford tin rằng trong những giây cuối cùng, máy bay đã phát cảnh báo thất tốc, nhưng phi công lúc đó không kịp làm bất cứ điều gì để cứu phi cơ hay thông báo tình hình cho kiểm soát viên không lưu.
"Không nên thực hiện những cú ngoặt gấp khi đang ở tầm thấp", ông nói. "Phi công vào tình cảnh đó không thể làm được gì hơn".
James Nixon, cơ trưởng máy bay A380 đã nghỉ hưu, cho biết hộp đen ghi dữ liệu hành trình bay và thiết bị ghi âm buồng lái sẽ cung cấp thông tin rõ ràng hơn về những gì xảy ra với máy bay và phi công vào giây phút định mệnh. Theo ông, các nhà điều tra sẽ sử dụng thiết bị này để "tìm hiểu lý do cơ trưởng giảm tốc độ khi tiếp cận sân bay và nguyên nhân máy bay bị thất tốc".
"Bởi khi phi cơ gặp sự cố thất tốc, nó không còn là máy bay nữa, mà giống như một chiếc đại dương cầm bị thả xuống từ tòa nhà cao tầng", Nixon nói.
Chuyên gia Hansford tin rằng sự cố này là lỗi do con người gây ra, bởi từ các video mà ông đã xem, bầu trời dường như quang đãng vào thời điểm xảy ra tai nạn nên phi công không bị cản trở tầm nhìn. Dựa trên quy mô đám cháy sau tai nạn, ông cũng tin rằng máy bay không phải rơi do hết nhiên liệu.
"Loại máy bay ATR-72 này khá tin cậy", Hansford nói. "Chúng được sử dụng phổ biến trong ngành hàng không, chuyên thực hiện những chặng bay ngắn".
Phi cơ cất cánh từ sân bay quốc tế Tribhuvan, Kathmandu và bị rơi trên bờ sông Seti trước khi đáp xuống đường băng sân bay quốc tế Pokhara vừa được khánh thành cách đây hai tuần.
Tuy nhiên, Hansford nhấn mạnh chỉ có giải mã dữ liệu hộp đen mới hiểu hết lý do khiến máy bay gặp nạn, mọi giả thuyết được đưa ra vào thời điểm này chỉ là phỏng đoán dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết của các chuyên gia.
Ngoài lỗi con người, yếu tố địa hình đồi núi phức tạp và thời tiết thay đổi đột ngột cũng khiến Nepal trở thành nơi nguy hiểm cho hoạt động bay. Thời tiết ở các dãy núi cao tại quốc gia này thay đổi rất nhanh, nên phi công có thể bị mất tầm nhìn. "Chính quyền Nepal thường không cung cấp dự báo thời tiết tốt cho ngành hàng không", Hansford cho hay.
Theo ông Nixon, một số sân bay của Nepal rất khó hạ cánh. "Có những sân bay mà bạn phải đủ điều kiện đặc biệt để hoạt động", ông nói. "Tôi đã lái máy bay 31 năm nhưng vẫn chưa đủ trình độ để bay ở đó. Bạn phải trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt để cất hạ cánh ở những sân bay này, do luồng gió luôn thay đổi", cựu phi công nhấn mạnh.
Vụ rơi máy bay của Yeti Airlines là tai nạn hàng không thảm khốc nhất ở Nepal kể từ năm 1992. Khi đó, một chiếc Airbus A300 của hãng hàng không quốc tế Pakistan đâm vào sườn đồi khi hạ cánh ở thủ đô Kathmandu, khiến toàn bộ 167 người trên máy bay thiệt mạng.
Huyền Lê (Theo ABC)