Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ như S&P 500, DJIA và Nasdaq Composite đều tăng mạnh. Trong đó, Nasdaq tăng đến hơn 12%. Đây là mức tăng trong một phiên lớn thứ nhì lịch sử chứng khoán Mỹ. Trước đó, chỉ số này từng gia tăng trên 14% hồi tháng 1/2001.

Chỉ số Nasdaq Composite hôm 9/4 tăng trên 12% - mức mạnh nhất kể từ đầu năm 2001. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 tăng 9,52%. Theo FactSet, đây là mức tăng trưởng lớn thứ ba từ tháng 3/2020 đến nay với chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tương tự, chỉ số DJIA cũng tăng 7,87% - mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Các cổ phiếu tại Mỹ đồng loạt tăng vọt sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các nước trừ Trung Quốc. Thông báo này đã giải tỏa áp lực đè nặng lên thị trường trong suốt một tuần qua.
Trong đó, cổ phiếu Apple tăng hơn 15% - mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 1/1998. Táo Khuyết vừa trải qua chuỗi 4 phiên giao dịch tệ nhất kể từ năm 2000. Điều này khiến họ mất ngôi doanh nghiệp giá trị nhất thế giới vào tay Microsoft khi vốn hóa bốc hơi 774 tỷ USD. Tuy nhiên, sau phiên 9/4, Apple đã giành lại vị trí này.
Nhiều cổ phiếu công nghệ cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số như Nvidia 22%, Meta gần 15%, Amazon 12%, Microsoft và công ty mẹ Google - Alphabet đều tăng khoảng 10%.

Nhân viên giao dịch tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York hôm 9/4. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu bán dẫn, nhóm từng giảm mạnh do lo ngại thuế quan làm giảm nhu cầu về thiết bị điện tử và tăng trưởng kinh tế chậm lại, cũng phục hồi. Mã AMD tăng 24%, trong khi cổ phiếu Intel đi lên 19%, Broadcom và các nhà cung cấp của Apple như Qorvo, Skyworks Solutions ghi nhận mức tăng hơn 18%.
Theo Gina Bolvin, Chủ tịch của Bolvin Wealth Management Group, đây là thời điểm then chốt mà nhà đầu tư đã mong đợi. "Phản ứng ngay lập tức từ thị trường là tích cực vì giới đầu tư coi đây là một bước tiến hướng tới sự rõ ràng", Bolvin nói.
Tương tự, nhà sáng lập Vital Knowledge - Adam Crisafulli cũng cho rằng việc hoãn áp thuế đã gỡ bỏ sức ép khổng lồ khỏi thị trường, kích hoạt sự phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chiến lược gia trưởng thị trường Mỹ tại Morningstar cảnh báo còn quá sớm để nghĩ rằng mọi rủi ro đã qua. "Các cuộc đàm phán thương mại vẫn chưa bắt đầu. Khi bắt đầu, chắc chắn sẽ có tiêu cực và tích cực đan xen vì mỗi bên đều muốn cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình", Dave Sekera nói.
Trong 4 phiên trước đó, chỉ số S&P 500 mất trên 12% - mức sụt giảm mạnh nhất từ đại dịch. Còn Nasdaq giảm hơn 13%, DJIA cũng mất hơn 4.500 điểm.
Anh Tú (theo CNBC)