Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa chiều 8/4 cũng đảo chiều đi lên sau 4 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số Stoxx 600 theo dõi cổ phiếu toàn khu vực tăng 1% ngay đầu phiên. Gần như mọi nhóm ngành trong chỉ số này đều đi lên. FTSE 100 (Anh), CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) cùng tăng hơn 1%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng tăng 6% khi chốt phiên. Topix đi lên 6,75%.
Còn chỉ số Kospi tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa tăng 0,2%. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 1,1%. Chỉ số S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,2% ngay khi mở cửa. Đà tăng sau đó mở rộng lên 2,2% chốt phiên.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đi lên, sau khi hàng loạt doanh nghiệp cam kết tăng mua cổ phiếu để ổn định thị trường. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa tăng 1,6%. Hang Seng Index (Hong Kong) hiện tăng 2%.
Hong Kong dẫn đầu đà giảm tại châu Á, với hơn 13% - thấp nhất kể từ năm 1997, theo hãng dữ liệu FactSet.
Tương tự, các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, như Indonesia, Singapore, Thái Lan lại mất điểm. Mức giảm tại các thị trường này là 2-9%. Tại Đài Loan, chỉ số Taiex hiện giảm 5%.
Thị trường Indonesia phải ngừng giao dịch trong 30 phút, khi mất 9% ngay đầu phiên, vượt ngưỡng 8% cần thiết để kích hoạt cơ chế ngắt mạch. Chứng khoán nước này giảm mạnh do hôm nay mới mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài.
Hôm qua, giới chức chứng khoán phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch giao dịch chỉ vài phút sau khi mở cửa, do thị trường ghi nhận mức giảm 9,7%, tiến sát ngưỡng 10% để ngắt mạch theo quy định. Thị trường đi xuống do các cổ phiếu hàng đầu là TSMC và Foxconn giảm gần 10%. Các mã này vẫn đang giảm, lần lượt 5% và 10%.

Diễn biến các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á sáng 8/4. Đồ thị: CNBC
Sự chú ý của thị trường sáng nay dồn vào chứng khoán Trung Quốc. Ngày 7/4, ông Trump dọa áp thuế thêm 50% với hàng Trung Quốc, nâng tổng mức thuế bổ sung lên 104%, nếu nước này không rút lại thuế trả đũa. Sáng 8/4, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá lời đe dọa của Tổng thống Mỹ là "sai lầm nối tiếp sai lầm". Cơ quan này tuyên bố sẽ "có biện pháp hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia".
Các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á đã mất điểm vài phiên liên tiếp, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại ngày 2/4. Phiên đầu tuần này, Nikkei 225 mất gần 8%, còn Kospi giảm gần 6%.
Wall Street chốt phiên 7/4 với mức tăng 0,1% của Nasdaq Composite. Trong khi đó, S&P 500 và DJIA giảm lần lượt 0,2% và 0,9%, thu hẹp đáng kể so với đầu phiên. Nhà đầu tư kỳ vọng việc đàm phán của Mỹ với các nước có tiến triển, trước khi thuế đối ứng ở mức cao có hiệu lực ngày 9/4.
Giá vàng thế giới sáng 8/4 cũng tăng trở lại. Hiện mỗi ounce tăng 21 USD lên 3.003 USD. Phiên 7/4, giá kim loại quý giảm tới 54 USD về 2.982 USD, do sức ép từ đồng đôla mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và giá dầu thô giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh không hoãn áp thuế, nhưng sẵn sàng đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết đến nay, gần 70 quốc gia đã bày tỏ ý định muốn cân bằng thương mại với nước này.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)