-
10h50
Sau gần 3 tiếng, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng 2023 đã mang tới nhiều giải pháp công nghệ, xu thế mới. Các ý kiến của cơ quan quan lý, doanh nghiệp, chuyên gia làm rõ được bức tranh tổng quan về chính sách, các chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Nhiều giải pháp công nghệ, mô hình sản xuất mới nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được các doanh nghiệp gợi mở.
"Mỗi bài trình bày của đại diện các doanh nghiệp cũng gửi gắm những tâm huyết, đóng góp vào mục tiêu chung là thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm", ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu bế mạc sự kiện.
Cũng theo ông Nguyễn Mai Dương, những chia sẻ từ các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Thông qua đó, chuyển giao, ứng dụng, phát triển các tiến bộ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa ngành năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.
-
10h35
Bốn vấn đề trong thực thi chính sách hỗ trợ
Cuối tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hoàng đưa ra câu hỏi "Cách thích nghi, tận dụng hiệu quả chính sách và đề xuất mới để phát triển công nghệ, năng lượng cho doanh nghiệp?" đến ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam.
Theo đó, ông Trọng đưa ra bốn vấn đề: cơ hội, thách thức, đề xuất với nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Đầu tiên, diễn giả nhận định Việt Nam có vị trí địa chính trị rất mạnh trên toàn cầu và đã thâm nhập vào sân chơi quốc tế, trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng có kết hoạch ứng dụng công nghệ vào đảm bảo an ninh năng lượng. Đây là những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp thích nghi, tận dụng và phát triển. "Chúng ta cần một thái độ đồng nhất từ người dân đến cơ quan chính quyền", ông nói thêm.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung công tác 5S và 7 lãng phí trong một nhà máy để thấy các đơn vị lãng phí rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp cần ý thức "khi có nhiều cơ hội như vậy thì chúng ta cần làm gì".
Song song với cơ hội là rất nhiều thách thức như đại dịch, suy thoái kinh tế... Tuy nhiên, ông Trọng khẳng định, công ty đã trải qua nhiều ký suy thoái nhưng chưa bây giờ ngừng đầu tư cho công nghệ.
Phía cơ quan nhà nước, Chủ tịch T-Tech đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Tại Việt Nam, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn về chính sách; hạn chế về đầu tư khả năng nghiên cứu, công nghiệp phụ trợ.
Ông Trọng nhấn mạnh về đầu tư "mạo hiểm" cho nghiên cứu khoa học. Đồng thời, ông kiến nghị nhà nước thành lập các đơn vị nhắm đến các doanh nghiệp, tham mưu chính sách, từ đó, tiếp nhận các công nghệ mới. "Riêng mảng khoa học công nghệ cần có những chính sách táo bạo để tạo nên cú hích mạnh hơn", ông nói.
Phía doanh nghiệp, diễn giả cho rằng, để tiếp cận chính sách hiệu quả, mỗi đơn vị cần chủ động và có hoạch định rõ ràng hơn. "Muốn đột phá trong nền công nghiệp phụ trợ, khoa học nghiên cứu còn hạn hẹp, chúng ta cần chịu khó hơn, nỗ lực hơn, kết nối hiệu quả với người dân, nhà nước...".
-
10h28
Loạt giải pháp phát triển năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Tiến Tài - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật chia sẻ về định hướng giải pháp góp phần phát triển năng lượng Việt Nam, nhất là công nghệ năng lượng mới, công nghệ tái tạo.
Theo ông Tài, Bộ Khoa học Công nghệ đã có chương trình, chính sách phát triển mảng công nghệ năng lượng, như phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu. Hay với lĩnh vực năng lượng nguyên tử, hiện Bộ cũng có quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử được Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, chương trình năng lượng quốc gia sẽ thực hiện từ 2023 đến 2030 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, gồm phát triển năng lượng điện gió, mặt trời, sinh khối, năng lượng mới, bên cạnh đó là phát triển lưới điện thông minh, chế tạo các sản phẩm về điện.
Ông lấy ví dụ về tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đang có một số nhà máy điện mà đến năm 2020 không được xây dựng mới, đến năm 2050 không được vận hành nhưng trong điều kiện nào đó có thể phát triển công nghệ hỗn hợp thì sẽ phần nào giảm thiểu việc xả thải carbon ra môi trường. Vấn đề này cũng là những định hướng nghiên cứu trong chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Vấn đề thứ hai để phát triển năng lượng tại Việt Nam đó là phải hạn chế nhập khẩu thiết bị lạc hậu. Trước đây chúng ta nhập khẩu một số dây chuyền hiệu suất thấp. Nhưng từ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định loại bỏ các thiết bị năng suất thấp.
Với định hướng cho các chính sách phát triển khoa học công nghệ, lĩnh vực năng lượng, ông Tiến Tài tóm lại thành hai ý chính, đó là phát triển các công nghệ mới, năng lượng tái tạo, có xả carbon thấp. Thứ hai là hạn chế công nghệ có hiệu suất thấp.
Chia sẻ thêm về các chính sách ưu đãi cho công nghệ cao, các công nghệ có dây chuyền thiết bị hiện đại, ông Tiến Tài cho biết hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có 2 đạo luật, đó là luật chuyển giao công nghệ và luật công nghệ cao. Riêng luật công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ ký 13 danh mục sản phẩm trên 99 danh mục sản phẩm được ưu đãi về thuế đất, thuế giá trị gia tăng...
-
10h20
Quảng Ninh chuyển đổi dần nhiệt điện sang điện gió
Ông Phạm Duy Thanh - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh chia sẻ những chương trình hành động, những định hướng phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đạt một số kết quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, địa phương còn đối mặt với một số thách thức: cung không đủ cầu, ví dụ than, dầu khí; trình độ công nghệ, năng suất lao động một số lĩnh vực còn thấp.
Về hiện trạng, tỉnh Quảng Ninh là một trung tâm năng lượng quốc gia (đang quản lý 42 giấy phép khai thác than, sản lượng 45 triệu tấn, chiếm 92% sản lượng toàn quốc; tập trung tiêu thụ chủ yếu phát triển nhiệt điện. Tỉnh có 7 nhà máy nhiệt điện, cung cấp 17% sản lượng điện toàn quốc. Quảng Ninh cũng là địa phương cung cấp lượng lớn dầu khí cho khu vực phía Bắc và quốc gia.
Theo quy hoạch, tỉnh đặt mục tiêu, giải pháp trong lĩnh vực năng lượng, đến 2030 phát triển bền vững, khai thác than dự kiến sản lượng 49 triệu tấn. Về điện phát triển công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường. Về than, quy hoạch đã được phê duyệt, một là thăm dò, cấp phép khai thác; hai là giải quyết vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Với điện, định hướng thay vì mở rộng nhà máy nhiệt điện sẽ chú trọng đầu tư nâng cao hiệu suất.
Tỉnh dự kiến tập trung phát triển điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển các nguồn điện khác phù hợp. Nhiệt điện than sẽ chuyển đổi dần, các nhà máy khấu hao đến 40 năm phải dừng hoạt động. Về dầu khí, tỉnh chủ trường xây dựng 6 kho mới, phục vụ phát điện của nhà máy điện Cẩm Phả.
-
10h15
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nhờ công nghệ
Trả lời câu hỏi "Đâu là động lực thúc đẩy bản thân đầu tư công nghệ năng lượng?", ông Nguyễn Văn An - chuyên gia cao cấp công ty CTTĐ An Hà Phương - AHP Group cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp trọng điểm của Việt Nam là hơn 3.000 doanh nghiệp. Đây là những cơ sở tiêu thụ lượng điện lớn, tiêu thụ bình quân là 80 tỷ kWh mỗi năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, bình quân mỗi năm, cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện.
Theo ông An, đây là động lực lớn nhất để tiết kiệm chi phí. Từ đó, mỗi người, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất. "Không thể thay đổi ngay lập tức nhưng phải bắt đầu từ những điều nhỏ, đầu tư thấp đến cao", ông nói thêm.
Thứ hai, so với các nước xung quanh, với cường độ sử dụng tại Việt Nam, để tạo ra 1.000 USD GDP, cả nước phải cần 400 lít dầu tương đương, cao hơn Thái Lan 30% và Malaysia 60%.
Thứ ba, theo ông, năng lượng là chi phí đầu vào. Vì vậy, để tiết kiệm và phát triển toàn diện, các doanh nghiệp cần tối ưu ngay từ đầu vào. Động lực cuối cùng là mục tiêu "Net zero" và chứng chỉ năng lượng của Chính phủ trong giai đoạn này.
Ông cho biết thêm, Việt Nam hiện có có rất nhiều quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu năng lượng. "Chỉ cần doanh nghiệp có kế hoạch, sẽ luôn có người đồng hành", ông nhấn mạnh.
-
10h01
Tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy công nghệ năng lượng
Phiên tọa đàm với sự điều phối của ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. Các diễn giả gồm: ông Nguyễn Tiến Tài - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, ông Phạm Duy Thanh - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, ông Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ hợp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, chuyên gia cao cấp công ty CTTĐ An Hà Phương - AHP Group.
Mở đầu phiên tọa đàm, ông Nguyễn Quang Mâu thông tin về lợi ích và mô hình sản xuất xanh đem lại cho doanh nghiệp. Ông Mâu cho biết, Gốm Đất Việt hơn 10 năm tuổi, hiện có 2 công ty sản xuất và kinh doanh được công nhận nhà máy xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.
Để đạt các tiêu chí xanh, theo ông Mâu cần ý chí, sự quyết tâm. Là công ty tư nhân, ngay những ngày đầu thành lập công ty có khát vọng "phải tự hào về đất sét nung Việt Nam", do đó, ông có chiến lược và quy hoạch hành động bản bản. Theo đó công ty dành 40% quỹ đất mặt bằng làm hồ điều hòa, đường nội bộ xanh, tiểu cảnh, vườn hoa trong lòng nhà máy. Có nền tảng hạ tầng, công ty phải tính mức đầu tư dù chi phí cao vẫn phải đáp ứng mục tiêu sản xuất xanh. Cuối cùng là phải bảo hộ lâu dài, sao cho doanh nghiệp luôn tươi mới.
Về nguồn nhân lực, doanh nghiệp tập trung đào tạo theo hướng chất lượng cao. "Chúng tôi tự đào tạo, học tập trao đổi lẫn nhau và đi đây đó để tìm ra công nghệ máy móc thiết bị cao. Vượt qua những khó khăn trên nên khi đi vào sản xuất khá thuận lợi vì ekip đồng bộ, thống nhất và hiện trở thành doanh nghiệp có nhà máy xanh, sản phẩm xanh. Ngoài ra, công ty hiện sở hữu công nghệ nghiền khô siêu mịn, tăng áp lực, tạo năng suất tăng hơn 2 lần", ông Mâu nói.
-
9h40
Ký kết loạt thỏa thuận hợp tác quốc tế
Trước giờ giải lao, đại diện các đơn vị địa phương và doanh nghiệp từ Anh, Hàn Quốc đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ sự kiện "Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023".
Đây cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của sự kiện, tạo môi trường kết nối, hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế.
Theo đó, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết với ông Jang Jeong Jik, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ô ô Hàn Quốc KATECH tại Gyeonggi (Hàn Quốc). Đôi bên ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ô tô giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Tiếp theo, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn BP Anh Quốc ký kết Biên bản ghi nhớ về lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ điện gió.
Cuối cùng, ông Nguyễn Mai Dương tiếp tục ký kết với ông Lee Jae Min - Viện phát triển và công nghệ Hàn Quốc tại ASEAN. Đôi bên hướng tới cùng xây dựng kế hoạch nhằm triển khai các phương án chuyên sâu, kết nối công nghệ cung cầu giữa hai quốc gia, chuyển giao công nghệ, hợp tác dự án sáng tạo của Việt Nam và Hàn Quốc.
Những biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ được ký kết này đánh dấu những bước tiến đầu tiên trong hành trình hợp tác, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp.
-
9h25
Phần tham luận của ông Nguyễn Văn An - Công ty CPTĐ An Hà Phương - AHP Group có chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp". Vị chuyên gia trình bày 13 giải pháp tiết kiệm nhiệt năng trong nhà máy sản xuất xi măng, trong đó, nhấn mạnh giải pháp thu hồi nhiệt thải để phát điện với tiềm năng tiết kiệm nhiệt 4,39%, với thời gian triển khai dài hạn 5 năm.
Đại diện AHP Group cũng chia sẻ 12 giải pháp tiết kiệm điện trong nhà máy sản xuất xi măng. Đáng chú ý là giải pháp sử dụng công nghệ nghiền đứng thay cho nghiền bi với tiềm năng tiết kiệm điện 5,26%.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tế triển khai, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp quản lý công nghệ và quản lý quy trình sản xuất. "Thực tế, giải pháp nhiều nhưng đôi khi hệ thống quản lý năng lượng chưa tốt. Hiệu quả sẽ bị mai một hoặc chỉ bị cóp nhặt. Do đó, tôi khuyến nghị giải pháp quản lý công nghệ và quy trình sản xuất", ông An nói.
-
9h20
'Điện gió giúp thu hút FDI'
Ông Alessandro Antonioli nhấn mạnh, điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam. Đầu tiên, với hệ thống tiên tiến này, Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ đó, tạo ra việc làm chất lượng cao, nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương. Đồng thời, với các công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều khóa đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực lực chất lượng cao.
Hệ thống này cũng giúp địa phương kéo nhiều chuyên gia nước ngoài tới làm việc. Địa phương có thể phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều phương diện, phát triển chuỗi cung ứng, đóng góp cho ngân sách; đáp ứng nhu cầu năng lượng và tạo hệ sinh thái kinh doanh đa dạng.
"Việt Nam đang có tiến độ xây dựng điện gió tốt nhưng cần có nhiều yếu tố cần thiết cần nâng cao. Trong đó, yếu tố tiên quyết là cải tiến chính sách. Những người phát triển năng lượng gió không chỉ cần tiền mà còn cần chính sách để phát triển", ông nói thêm.
Đại diện Tập đoàn mong muốn sự ủng hộ từ Chính phủ thông qua khung chính sách hoàn trình, quỳ trình cấp phép hợp lý PPA có thể vay vốn. Đồng thời, lưới điện có thể đảm bảo công suất, khả năng tự xây dựng đường dây truyền tải cho các nhà đầu tư; trang bị thêm công nghệ lưới điểm thông minh. Ông cũng kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, tài chính bền vững tham gia tích cực, bao gồm các công ty có kinh nghiệm thực hiện dự án ngoài khơi lớn và xếp hạng tín dụng cao.
Ngoài ra, ông Alessandro Antonioli đề xuất Việt Nam cho phép cung cấp điện cho khách hàng địa phương để giảm sự phụ thuộc của dự án vào sự hỗ trợ của nhà nước.
-
9h10
Tập đoàn BP muốn khai thác điện gió tại Quảng Ninh
Là giám đốc phụ trách điện gió ngoài khơi thị trường Việt Nam, Tập đoàn BP, ông Alessandro Antonioli cho biết, với năng lực dẫn đầu ngành về hiệu suất an toàn và hệ thống quản trị rủi ro, đồng thời sở hữu nguồn nhân lực hàng đầu thế giới trong quản lý dự án và chương trình, công ty cung cấp các sản phẩm tới hàng chục quốc gia với hàng trăm dự án hàng ngày hàng giờ.
Với Quảng Ninh, BP muốn tiếp cận thị trường điện gió tại đây. "Trước tiên chúng tôi muốn tiếp cận dữ liệu về tiêu thụ điện dân dụng hàng ngày tại đây để biết nhu cầu khách hàng, từ đó có thể chuyển gió thành năng lượng. Nói cách khác, chúng tôi muốn kết nối khả năng cung cấp của chúng tôi tới nhu cầu của các bạn", ông Alessandro Antonioli nói.
Cũng theo vị giám đốc này, với lịch sử thành lập 120 năm, từng thành công với rất nhiều dự án khác nhau với đa dạng nguồn ngân sách, địa hình, quốc gia, tập đoàn muốn tiếp cận nguồn dữ liệu của tỉnh để từ có có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể tính toán chính xác về năng suất, công suất... để "may đo" được chính xác nhu cầu, mong muốn của tỉnh.
Ông Alessandro Antonioli nhấn mạnh, Quảng Ninh là thị trường đặc thù, có nhiều tiềm năng cho điện gió. điện ngoài khơi nên có thể xây dựng nhiều nhà máy năng lượng tái tạo vì địa thế phù hợp, giúp giảm tác động về môi trường.
Ông lấy ví dụ, để xây dựng được một dự án cần trải qua các bước như lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng, chạy thử. Các nền tảng, sản phẩm ở đây có thể xây trên bờ và ngoài khơi, cũng có thể áp dụng trạm thu phát điện. "Chúng tôi sẽ áp dụng kinh nghiệm thực hiện những dự án tương tự trên thế giới để áp dụng vào Quảng Ninh, làm sao để dự án sẽ thành công ngay từ nền móng", vị giám đốc BQ nói, nhấn mạnh làm sao để các giải pháp năng lượng tích hợp không chỉ lợi cho người dùng cuối mà còn cho các nhà máy sản xuất.