Hơn 17h, ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đến sân bay Nội Bài sau khi cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân giao lưu với nhân sĩ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiễn ông Tập và phu nhân tại sân bay.
Khi đến chân cầu thang chuyên cơ, ông Tập dừng lại vài phút trò chuyện, bắt tay những người đến tiễn.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đến Hà Nội trưa 12/12. Đây là lần thứ ba ông Tập thăm Việt Nam trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau năm 2015 và 2017.
Lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra chiều cùng ngày tại Phủ Chủ tịch do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, với 21 phát đại bác chào mừng. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng xem 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được hai bên ký kết và tham dự tiệc trà.
Sáng 13/12, ông Tập Cận Bình vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Việt Nam - Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Trong chuyến thăm, bà Bành Lệ Viên, phu nhân ông Tập Cận Bình đã đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, nhập khẩu 117,87 tỷ USD. Lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.