"Cần điều chỉnh pháp luật để cấm mọi hoạt động của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) trên lãnh thổ Nga, cũng như đưa ra hình thức xử phạt đối với mọi hành vi phối hợp hay hỗ trợ ICC", Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện, ngày 25/3 cho biết.
Ông Volodin nói Mỹ năm 2000 thông qua đạo luật ngăn ICC xét xử công dân nước này, cũng như tạo cơ sở pháp lý để Washington điều quân tham gia chiến dịch giải cứu công dân, quan chức hoặc binh sĩ bị bắt ở nước ngoài. Do đó, Nga có thể vận dụng tiền lệ này để xây dựng quy định tương tự.
"Tổng thống Nga cũng cần có quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ công dân trước mọi phán quyết của những tổ chức nước ngoài đi ngược lại quy chuẩn pháp luật Nga", ông Volodin nhận định.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cũng đề xuất chính phủ đàm phán với những nước có lập trường thân thiện với Moskva và ký thỏa thuận song phương về hạn chế hợp tác hay hỗ trợ ICC.
ICC hôm 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.
ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát và ông Putin có trách nhiệm trực tiếp trong hoạt động "di chuyển bất hợp pháp trẻ em Ukraine".
Theo lý thuyết, nếu Tổng thống Putin đến lãnh thổ của 123 quốc gia thành viên ICC, họ sẽ phải bắt ông và giao cho ICC. Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia đều tuân thủ phán quyết của tòa. Tổng thống Putin cũng ít khả năng tới thăm các nước mà Nga cho là "không thân thiện".
Giới chức Nga bác bỏ mọi cáo buộc của ICC, đồng thời cảnh báo mọi âm mưu bắt Tổng thống Putin đồng nghĩa tuyên bố chiến tranh với Nga.
Ủy ban Điều tra Nga ngày 20/3 mở điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên ICC với cáo buộc "vi phạm luật pháp Nga, bao gồm vu khống, tìm cách tấn công đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, với mục đích gây phức tạp quan hệ quốc tế".
Thanh Danh (Theo TASS, Reuters)