Chịu đựng són tiểu suốt 20 năm
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh mới tiếp nhận cụ bà Chu Thanh Thủy (78 tuổi, TP HCM) bị sa cùng lúc bọng đái, trực tràng và sinh dục. Bà đã chịu đựng tình trạng này suốt 20 năm, nhưng hai năm nay, cả ba bộ phận này lòi ra ngoài, kéo theo cả hai niệu quản, va chạm gây loét, nhiễm trùng âm đạo, chảy máu...
Bà Thủy cho biết, mỗi lần đi tiểu rất khó khăn, phải rặn, dùng tay đẩy khối sa qua một bên mới đi được. Ban đêm, bà không ngủ được vì phải đi tiểu nhiều lần. Gần đây, tình trạng ngày càng nặng nhưng lại đúng lúc dịch bệnh nên ngần ngại chưa đi khám.
Qua thăm khám, các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phát hiện khối sa để lâu ngày khiến bà suy thận, hai thận ứ nước nặng độ ba mà các bệnh viện nơi bà chữa trị trước đó không phát hiện. Chỉ cần nhập viện trễ hơn, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê do chất độc trong máu tăng lên, không được thải ra ngoài vì thận yếu, thậm chí có khi phải chạy thận suốt đời.
Bà Thủy được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật và chức năng thận cải thiện rõ, hết ứ nước.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật nâng bàng quang và treo mỏm cắt trở lại vị trí cũ cho bệnh nhân Thủy (78 tuổi). Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bà Đoàn Nhật Ly (78 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) cũng nhập viện giữa tháng 9/2021 trong tình trạng toàn bộ mỏm cắt ở lần điều trị trước đây và bàng quang đều bị sa ra ngoài, máu chảy rỉ rả. Bệnh nhân lớn tuổi, lại bị bệnh tim và phải uống thuốc kháng đông định kỳ, nhưng dùng thuốc khiến tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài. Sau nhiều cuộc hội chẩn, các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM quyết định cho bệnh nhân đặt vòng nâng tử cung đang bị sa và giảm dần tình trạng chảy máu. Tuy nhiên, sau vài tuần, vùng kín của bà tiết dịch do không chấp nhận.
Để tránh viêm nhiễm âm đạo, các bác sĩ chuyên về tim mạch, tiết niệu, sản phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp thực hiện ca phẫu thuật nâng bàng quang và treo mỏm cắt trở lại vị trí cũ cho bà. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn cho bệnh nhân với chi phí hợp lý. Trong ca phẫu thuật, nếu có vấn đề về tim hay tình trạng đông máu, bệnh nhân được bác sĩ Trung tâm Tim mạch của bệnh viện hỗ trợ kịp thời. Nếu ca mổ diễn ra ở một bệnh viện chuyên khoa, vấn đề sẽ khó khăn hơn.
50% phụ nữ sa sàn chậu trên 40 tuổi
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, trong số những bệnh nhân đến khám bệnh sàn chậu có khối sa (sa bàng quang, trực tràng, sinh dục) ra khỏi vùng kín, có đến 70% trường hợp trên 60 tuổi. Nhiều người mắc bệnh trước 60 tuổi nhưng sợ phiền con cháu, chịu đựng lâu ngày khiến bệnh diễn tiến nặng, giảm chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ thêm, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh nở có một người són tiểu. Trong số hai phụ nữ trên 40 tuổi sẽ có một người bị sa sàn chậu nhưng mức độ nhẹ. Lúc này, người bệnh thường chỉ có cảm giác đau lưng do dây chằng bị khối sa kéo xuống nên cứ đi khám cơ xương khớp, chữa thoái hóa cột sống. Khi khối sa lòi hẳn ra ngoài, thậm chí đợi đến lúc khối sa vướng víu, cọ quẹt chảy máu, nhiễm trùng, bệnh nhân mới đến bệnh viện. Có trường hợp người bệnh để quá nặng, tìm đến các cơ sở không chuyên về bệnh sàn chậu nên bị cắt nhầm niệu quản.
Bệnh nhân được điều trị sớm khi khối sa còn nằm trong cửa mình có thể tập vật lý trị liệu sàn chậu vài lần sẽ khỏi hoặc tập phản hồi sinh học, kích thích điện cơ sàn chậu và kèm theo uống thuốc. Nếu người bệnh để khối sa ra ngoài, mức độ vừa phải (độ 2-3) thì được đặt vòng đẩy tử cung lên mà không cần mổ, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt vận động phù hợp. 20% trường hợp điều trị bị tái phát do bệnh nhân để tăng áp lực lên ổ bụng, nguyên nhân vì táo bón kéo dài hoặc chơi thể thao nặng như tập gym, chạy bộ...

Một bệnh nhân được sử dụng hệ thống máy tập sàn chậu và kích thích điện cơ chuyên dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Phong Lan.
Với những bệnh nhân bắt buộc phải mổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ điều trị cá thể hóa và chuyên sâu từng người bệnh với phác đồ phù hợp như may sửa khép nhỏ âm đạo giãn rộng, sẹo xấu gây co kéo, đau cứng âm đạo, các phẫu thuật treo nâng tử cung, bàng quang, trực tràng... Điều này giúp phục hồi cấu trúc nâng đỡ sàn chậu qua ngả âm đạo và ngả phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Bác sĩ Thanh Tâm khuyến cáo, ngoài việc khám hậu sản, sàn chậu vào khoảng tuần thứ 4-6 sau sinh thì chị em nên khám định kỳ một lần mỗi năm. Nếu thấy các biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu sau cần đến bệnh viện điều trị kịp thời:
- Đường tiểu: són tiểu, không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu, tăng hay giảm cảm giác đi tiểu, tiểu lắt nhắt (trên 8 lần/ngày), tiểu đêm (trên 1 lần/đêm), tiểu khó phải rặn, tia nước tiểu yếu, nhỏ, cảm giác tiểu không hết, bí tiểu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm xem phim chụp sàn chậu của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
- Tiêu hóa dưới: són phân, són hơi, không nín được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu, táo bón kéo dài hoặc khó đi tiêu hết phải dùng thuốc bơm hay thuốc uống.
- Cơ quan sinh dục: sa tử cung, sa thành trước âm đạo (sa bọng đái), sa thành sau âm đạo (sa ruột, trực tràng). Các dấu hiệu đau bụng, đau lưng, đau tại khối sa, loét, chảy máu.
- Rối loạn tình dục: đau khi giao hợp, giảm khoái cảm, âm đạo giãn, lỏng lẻo, cửa mình rộng.
- Đau vùng chậu mãn tính: đau bụng dưới, lưng dưới, khớp vệ, vùng cửa mình, dị cảm tê bì da vùng tầng sinh môn hoặc đau sâu trong âm đạo.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngọc An