Chính sách trị quốc ông Trump ấp ủ cho nhiệm kỳ hai

Ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng năm 2025 với cam kết tạo ra thay đổi lớn trong hàng loạt vấn đề như kinh tế, nhập cư hay đối ngoại.

Ứng viên Cộng hòa Donald Trump ngày 6/11 đắc cử tổng thống Mỹ với hàng loạt chiến thắng ở các bang chiến trường. Ông sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong một thế kỷ đảm nhận hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ mang lại thay đổi lớn cho Mỹ, đưa ra một số đề xuất chính sách như áp thuế với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu, trục xuất người nhập cư trái phép, "đóng băng" quy định về khí hậu, cải cách hệ thống y tế, nhắm đến một số đối thủ chính trị.

"Tôi sẽ lãnh đạo đất nước với một khẩu hiệu đơn giản: Nói lời phải giữ lấy lời", ông Trump phát biểu trước người ủng hộ ở West Palm Beach rạng sáng 6/11, sau khi được xác định là tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Ông Donald Trump tại New York hôm 18/9. Ảnh: AP

Các nguồn tin thân cận với ông Trump tin rằng Tổng thống đắc cử sẽ có những hành động nhanh hơn so với trong nhiệm kỳ đầu năm 2017-2021 để đạt mục tiêu trong chính sách trị quốc. Khi đó, ông thường xuyên phàn nàn về tình trạng quan liêu trong bộ máy đã cản trở các quyết sách của mình.

"Ông ấy kỳ vọng chính quyền nhiệm kỳ hai sẽ nắm rõ hơn cách điều hành các cơ quan và xử lý chính sách, giúp triển khai chương trình nghị sự nhanh hơn, tham vọng hơn", các cố vấn của Trump nói với Politico. Trump từng tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ "không điều hành như một kẻ độc tài, ngoại trừ trong ngày đầu tiên".

Những mục tiêu mà Trump muốn đạt được trong quá trình tranh cử đã cho thấy các chính sách ông sẽ triển khai trong 4 năm tới, cả về đối nội lẫn đối ngoại, để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" như khẩu hiệu đặc trưng của ông.

Đối nội

Hai vấn đề trọng tâm mà ông Trump sẽ chú trọng xử lý trong chính sách đối nội từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai là nhập cư và kinh tế.

Về nhập cư, ông Trump tuyên bố sẽ tái triển khai các chính sách trong nhiệm kỳ đầu nhắm đến người vượt biên trái phép vào Mỹ và áp thêm loạt hạn chế mới.

Ông dọa thực hiện đợt trục xuất người nhập cư lớn chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ, động thái có thể vấp phải sự phản đối cùng thách thức pháp lý từ phe Dân chủ tại quốc hội. Ông không loại trừ khả năng lập các trại giam người di cư quy mô lớn để giải quyết các trường hợp phải trục xuất.

Chính quyền Trump nhiệm kỳ hai sẽ tăng lượng người trục xuất gấp 10, lên hơn một triệu người mỗi năm, theo Stephen Miller, cố vấn hàng đầu về nhập cư của ông Trump.

Tổng thống đắc cử muốn triển khai Vệ binh Quốc gia, và nếu cần thiết là cả quân đội, bổ sung lực lượng biên phòng, chuyển chi tiêu quân sự cho an ninh biên giới và kích hoạt Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài năm 1978 để nhanh chóng trục xuất người bị nghi là thành viên băng đảng vượt biên vào Mỹ mà không cần tuân thủ quy trình thông thường.

Trump từ lâu đã phàn nàn về việc trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ được tự động cấp quốc tịch Mỹ, điều mà ông cho là khuyến khích người nhập cư vượt biên trái phép vào Mỹ để sinh con. Ông thậm chí còn cáo buộc người nhập cư "mang gene xấu" vào Mỹ.

Tổng thống thứ 47 nhiều khả năng sẽ tìm cách chấm dứt chính sách tự động cấp quốc tịch, điều sẽ buộc ông phải thúc đẩy thay đổi hiến pháp, bởi đây là quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ. Ông cũng ám chỉ thu hồi trạng thái bảo vệ pháp lý đối với một số cộng đồng như người Haiti hoặc Venezuela được ban hành trong chính quyền Joe Biden.

Trump muốn tái triển khai "lệnh cấm đi lại", trong đó hạn chế người dân từ một số nước nhất định nhập cảnh vào Mỹ, chủ yếu là các quốc gia Hồi giáo. Chính sách này đã dấy lên hàng loạt vụ kiện trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và bị người kế nhiệm Joe Biden thu hồi.

Ông Trump chưa trả lời câu hỏi về cách xác định người nhập cư trái phép tại Mỹ hay sẽ huy động nguồn lực tài chính từ đâu, dự kiến lên tới gần 400 tỷ USD, cho kế hoạch trục xuất quy mô lớn này. Tòa án có thể bác ý định chuyển một phần ngân sách quốc phòng để chi cho an ninh biên giới.

Giới quan sát cho rằng khi ông Trump lên nắm quyền, một số nội dung từ Dự án 2025 có thể thành hiện thực. Dự án 2025 là tài liệu do viện chính sách Heritage Foundation, trụ sở ở Washington, biên soạn, với sự tham gia của hàng chục tổ chức bảo thủ khác. Tài liệu được coi là "tiệc buffet chính sách" cho bất kỳ tổng thống nào thuộc đảng Cộng hòa.

Dự án 2025 kêu gọi xóa bỏ Bộ Giáo dục Mỹ, hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai, đóng cửa cơ quan dự báo bão, xây trại giam giữ trẻ em và gia đình nhập cư trái phép ở biên giới, cấm người chuyển giới nhập ngũ, có thể áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Website tranh cử của ông Trump cũng đề xuất xóa bỏ Bộ Giáo dục Mỹ, cơ quan được thiết lập năm 1979 dưới thời ông Jimmy Carter, đảng Dân chủ. Đây là mục tiêu của phe Cộng hòa, nhưng chưa thực hiện được. Trump nói ông muốn các trường học nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền bang, không phải liên bang. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đề xuất cắt giảm hàng tỷ USD ngân sách cho bộ này.

Năm 2015, Heritage Foundation cũng soạn đề xuất tương tự cho tổng thống Cộng hòa tiềm năng. Năm 2018, tổ chức này tuyên bố ông Trump đã tiếp nhận 64% khuyến nghị chính sách của họ, từ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến tăng chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy hoạt động khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi.

Ông Trump phát biểu ở West Palm Beach, Florida, ngày 6/11. Ảnh: AP

Về kinh tế, "thuế" là từ ưa thích của Trump và một trong những chính sách ông khả năng cao thực hiện trong nhiệm kỳ hai là áp thuế với hàng nhập khẩu, với lập luận rằng điều này sẽ bảo vệ việc làm tại các nhà máy Mỹ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài và mang lại nhiều lợi ích khác cho người dân Mỹ.

Trong nhiệm kỳ 2017-2021, Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ông đang ấp ủ kế hoạch lớn hơn, áp thuế 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và thuế suất chung 10-20% với những hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại vào Mỹ.

Cùng với các đề xuất khác như can thiệp vào hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Trump cho rằng kế hoạch kinh tế này của ông sẽ giúp "xóa sổ lạm phát", một trong những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo chính sách này sẽ khiến thương mại toàn rung chuyển, trong khi người dân Mỹ trở thành bên sau cùng phải chịu thuế. Các khoản thuế mà Trump muốn áp lên hàng nhập khẩu sẽ được tính vào giá bán trên thị trường Mỹ, khiến chi phí leo thang và lạm phát tăng trở lại.

Điều đó có thể thúc đẩy nhiều bên chống lại các chính sách thuế mà Trump đang ấp ủ. Nhưng nhiều chuyên gia thương mại cho rằng ông Trump có thể nhanh chóng triển khai kế hoạch thông qua Đạo luật Quyền lực Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (IEEPA), cho phép tổng thống toàn quyền kiểm soát vấn đề kinh tế sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Động thái có thể dẫn đến các thách thức pháp lý, nhưng báo cáo gần đây từ Viện Cato, viện chính sách về thị trường tự do trụ sở bang California, cho thấy tòa án Mỹ khó có thể chế ngự Trump, trong bối cảnh lưỡng viện quốc hội gần như đã nằm trong tay đảng Cộng hòa.

Khi bị áp thuế, các đối tác thương mại như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu có thể tung ra đòn đáp trả với hàng hóa Mỹ, khiến căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

Trump có thể chọn lập trường cứng rắn khi xem xét gia hạn Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) trong kỳ đánh giá năm 2026. Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2020, trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông, để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Áp thuế với Mexico cũng là một lựa chọn, như Trump từng thực hiện năm 2019 thông qua IEEPA để gây sức ép với nước láng giềng trong vấn đề nhập cư.

Trump tuyên bố ông sẽ "hồi sinh" nỗ lực giảm bớt quy định áp lên các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ, mở rộng phạm vi và cắt giảm thuế sâu hơn nữa cho các công ty, tập đoàn của nước này.

Ông JD Vance tại sự kiện vận động ở Aston Township, bang Pennsylvania ngày 3/11. Ảnh: AFP

Về y tế, Trump nói ông sẽ giao cho Robert F. Kennedy Jr., người có quan điểm bài vaccine, phụ trách chính sách y tế liên bang. Trump và các nghị sĩ Cộng hòa sẽ tìm cách cải tổ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) nếu phe này kiểm soát lưỡng viện quốc hội.

Những nhà phân tích chính sách y tế tin ông Trump sẽ tập trung vào nới lỏng các quy định về bảo hiểm, hướng đến một số yếu tố cụ thể trong ACA. Phó tổng thống đắc cử JD Vance muốn giảm chi phí bảo hiểm cho những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, cho phép họ mua bảo hiểm theo nguy cơ phải đối mặt. Điều này có thể khiến chi phí bảo hiểm mà những người già hoặc có bệnh nền, nhóm được ACA hướng đến bảo vệ, gia tăng đáng kể.

Về vấn đề quyền phá thai, ông Trump nhiều khả năng sẽ ủng hộ trao quyền quyết định cho chính quyền các bang.

Tòa án Tối cao Mỹ trong phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" năm 1973 đã tuyên bố phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022, với ba thẩm phán bảo thủ được Trump đề cử trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã đảo ngược phán quyết này, khiến nhiều bang Mỹ đưa ra quy định khắt khe chưa từng thấy với quyền phá thai của phụ nữ, thậm chí có nơi gần như cấm hoàn toàn việc phá thai trong mọi trường hợp.

Về hành pháp, Trump từng cảnh báo ông sẽ dùng cơ quan hành pháp liên bang để điều tra các đối thủ chính trị, như bổ nhiệm công tố viên đặc biệt nhắm đến ông Biden, dù không nêu lý do cụ thể. Ông dọa sẽ sa thải Bộ trưởng Tư pháp nếu trái lệnh, cân nhắc ân xá cho những người bị truy tố liên quan vụ bạo loạn quốc hội năm 2021.

Một vấn đề đáng quan tâm khác trong 4 năm tới của Mỹ là biến đổi khí hậu. Ông Trump coi đây chỉ là "trò lừa đảo" và vận động để chấm dứt những sáng kiến, quy định về khí hậu nhằm giảm phát thải của chính quyền Tổng thống Biden. Ông tuyên bố sẽ tăng cường khoan dầu khí tại Mỹ và nhiều khả năng sẽ đảo ngược chính sách của ông Biden trong vấn đề này.

Đối ngoại

Vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trump là xung đột Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài gần ba năm qua.

Trump từng tuyên bố nếu đắc cử, ông có thể chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong 24 giờ. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, ông từ chối nêu cụ thể về cách thức thực hiện điều này. "Nếu tôi đưa kế hoạch cho các bạn, tôi sẽ không thể sử dụng chúng được nữa. Chúng sẽ không thành công", Trump nói.

Do đó, sau khi Trump nhậm chức ngày 20/1/2025, dư luận thế giới sẽ rất chú ý đến những hành động ông sẽ làm để kết thúc cuộc xung đột ở ngay sườn đông NATO.

Phó tướng Vance gợi ý chính quyền mới đặt mục tiêu gây sức ép để buộc Moskva và Kiev dừng giao tranh tại tiền tuyến, củng cố các đường phân định để Nga không thể tiến công Ukraine lần nữa.

Theo Vance, kế hoạch "giải quyết chiến sự" sẽ có điều khoản đảm bảo cho Nga rằng Ukraine sẽ duy trì vị thế trung lập, không gia nhập NATO. Ukraine vẫn giữ được độc lập và Đức cùng các nước châu Âu khác sẽ đóng góp tài chính cho Kiev tái thiết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, các quan chức nước này lo ngại ông Zelensky sẽ không có nhiều lựa chọn, bởi Tổng thống thứ 47 của Mỹ hoàn toàn có thể ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, buộc Kiev phải chấp nhận điều khoản đàm phán.

Ông Zelensky đã gặp ông Trump tại New York cuối tháng 9 và vẫn tin rằng Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược đối ngoại trong chính quyền mới và các tuyên bố mà ứng viên Cộng hòa đưa ra chỉ nhằm mục đích tranh cử.

Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp nhau tại New York hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Về châu Âu, ông Trump kỳ vọng các thành viên NATO tại khu vực đạt mức chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Tại cuộc vận động hồi tháng 2, Trump kể rằng lãnh đạo một nước lớn đã đứng dậy và hỏi rằng "nếu chúng tôi không chi tiêu và bị Nga tấn công, ngài có bảo vệ chúng tôi không?".

"Tôi nói 'bạn không chi tiêu là bạn sai'", ông Trump cho biết. "'Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn, mà tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ điều gì họ muốn'".

Giới phân tích cho rằng những phát biểu như vậy cho thấy ông Trump sẽ xem xét lại hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu và xem xét mối quan hệ đồng minh với NATO trên phương diện thiên về kinh tế, "có đi có lại" hơn.

Victoria Coates, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Trump, hiện là thành viên Heritage Foundation, nói "chắc chắn 100%" nhiệm kỳ hai của ông Trump sẽ chấm dứt thời kỳ Mỹ được coi là "người bảo trợ an ninh" của phương Tây.

"Hay là các bạn thực hiện cam kết đã đưa ra từ 10 năm trước và chi 2% GDP cho quốc phòng? À thực ra tỷ lệ nên là 3%", bà Coates nói với Financial Times.

Về xung đột Trung Đông, ông Trump dự kiến thay đổi quan điểm so với chính quyền Biden trong cách tiếp cận cuộc chiến giữa Israel với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.

Các cựu trợ lý nói ông Trump sẽ ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn và không dùng viện trợ quân sự gây sức ép lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tổng thống đắc cử Trump từng nói với ông Netanyahu rằng ông muốn chiến sự nhanh chóng kết thúc nhưng lãnh đạo Israel cũng nên "làm điều cần phải làm" để "giành thắng lợi quyết định" trước Hamas và Hezbollah.

Ông Trump dự kiến tập trung đối phó Iran và bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab tại khu vực. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và theo đuổi chiến lược "gây sức ép tối đa", áp loạt lệnh trừng phạt nhằm buộc Tehran phải chấp nhận "một thỏa thuận toàn diện hơn".

Mark Dubowitz, giám đốc điều hành viện chính sách Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, trụ sở ở Washington, nói sự khó đoán của ông Trump đồng nghĩa nhiệm kỳ hai sẽ giống "một canh bạc về chính sách đối ngoại". Trump có thể chọn gây áp lực tối đa, nhưng cũng có thể đàm phán ngay từ đầu nhiệm kỳ để đạt thỏa thuận với Iran.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Trump được cho là vẫn sẽ duy trì áp lực cạnh tranh siêu cường và tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Ông từng gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn rất tốt của tôi", nhưng cũng đe dọa áp thuế cao để gây áp lực với Bắc Kinh. Trump từng nói ông sẽ thuyết phục Trung Quốc không có hành động vũ lực với Đài Loan bằng cảnh báo áp thuế suất lên tới 200% hoặc chấm dứt quan hệ thương mại song phương.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng mọi biện pháp để thống nhất hòn đảo. Lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để thu hồi hòn đảo, dù chủ trương chung vẫn là đối thoại và thống nhất trong hòa bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 29/9. Ảnh: AFP

Ông Tập hôm 7/11 gửi thông điệp chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống, bày tỏ rằng hai nước phải "hòa hợp và tăng cường đối thoại, giải quyết hợp lý những khác biệt, mở rộng hợp tác cùng có lợi và tìm ra cách đúng đắn để hòa hợp trong kỷ nguyên mới, mang lại lợi ích cho hai nước và thế giới".

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ "được hưởng lợi khi hợp tác và chịu tổn hại khi đối đầu", nhưng ông Trump tới nay chưa phản hồi về thông điệp này. Chính sách với Trung Quốc của ông Trump sẽ cứng rắn tới mức nào phụ thuộc rất lớn vào các vị trí nội các mà Tổng thống đắc cử lựa chọn trong những ngày tới đây.

Dù vậy, xu hướng chung hiện nay trên chính trường Mỹ vẫn là tăng cường sức ép với Trung Quốc trên các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho đến cạnh tranh về công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Sức ép cạnh tranh giữa hai siêu cường sẽ tiếp tục tăng lên, khiến nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới đối mặt tình thế phải "chọn phe" gay gắt hơn.

Sau cuộc bầu cử ngày 5/11, đảng Cộng hòa dự báo giành 53 ghế Thượng viện, giành lại quyền kiểm soát từ đảng Dân chủ. Kết quả tại Hạ viện chưa ngã ngũ, nhưng đang có xu thế nghiêng về đảng Cộng hòa.

Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội, ông Trump sẽ như "hổ mọc thêm cánh", có thể dễ dàng triển khai chính sách trị quốc của mình trong những năm tới mà không vấp nhiều trở ngại, giới quan sát đánh giá.

Như Tâm
Theo Politico, Reuters, AP