Ông Donald Trump đã đánh bại nhanh chóng ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 và chuẩn bị trở lại Nhà Trắng như ông từng tuyên bố.
Ngay cả khi các hãng thông tấn lớn chưa xướng tên ông Trump là người đắc cử, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã lên tiếng chúc mừng ứng viên đảng Cộng hòa, khi chứng kiến Trump liên tiếp thắng ở các bang chiến trường.
"Sự lãnh đạo của ông ấy một lần nữa là chìa khóa giữ cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ. Tôi trông đợi được làm việc với ông ấy để thúc đẩy hòa bình thông qua NATO", ông Rutte nói.
Lãnh đạo Pháp, thành viên chủ chốt của NATO ở châu Âu, cũng nhanh chóng chúc mừng "Tổng thống Donald Trump". "Tôi sẵn sàng làm việc với ông Trump bằng sự tôn trọng và hoài bão như chúng ta từng làm trong 4 năm đó", Tổng thống Pháp EmmanuelMacron ngày 6/1 viết trên X. "Mối quan hệ của chúng tôi dựa trên niềm tin đôi bên và hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng hơn nữa".
Thủ tướng Anh Keir Starmer thì gọi đây là "chiến thắng lịch sử" của ông Trump, đồng thời khẳng định tính bền chặt của mối quan hệ Anh - Mỹ.
Sự vồ vập trong những lời đón chào dành cho sự trở lại của Trump, được đưa ra trước khi ông tuyên bố chiến thắng và bà Harris nhận thua, dường như nhằm che đi nỗi lo lắng của các thành viên NATO về những gì chính quyền Trump có thể làm đối với an ninh châu Âu, đặc biệt khi xung đột Ukraine - Nga đang diễn biến phức tạp, theo giới quan sát.
Ông Trump từng khiến các đồng minh NATO chấn động khi tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng theo mức cam kết 2% GDP. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích đồng minh về vấn đề này, thậm chí đe dọa rút khỏi NATO nếu họ không đóng góp nhiều hơn.
Trong nỗ lực xoa dịu ông Trump, các lãnh đạo NATO nhiều lần ghi nhận công lao của tổng thống đắc cử Mỹ vì đã khiến đồng minh phải chú trọng nhiều hơn tới quốc phòng. Yêu cầu này trở nên cấp bách hơn khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát đầu năm 2023.
23 trong 32 thành viên đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, trong khi cách đây một thập kỷ, con số này chỉ là 3.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng châu Âu sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo có thể "tự đứng trên đôi chân của mình" cũng như làm hài lòng Trump.
"Tôi trông đợi sự thúc đẩy nghiêm túc để coi trọng an ninh và quốc phòng của châu Âu, cũng như đầu tư nhiều hơn để làm điều đó", một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của NATO nói.
Quan chức này đồng thời cảnh báo khi lên nắm quyền, ông Trump sẽ tiếp tục đưa ra nhiều bình luận gây hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, qua đó làm "suy yếu liên minh".
Đối với Ukraine, quốc gia đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến với Nga, bức tranh tương lai có thể ảm đạm hơn. Ông Trump đã phản đối việc Mỹ "hỗ trợ vô hạn" cho Ukraine và cam kết nhanh chóng đạt thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột.
"Nếu ông Trump quyết định đàm phán với Nga, thỏa thuận giữa họ có thể không được xây dựng dựa trên các giá trị và nguyên tắc, điều này có thể dẫn tới kết quả thảm khốc cho Ukraine và toàn bộ châu Âu", cựu nhà ngoại giao cảnh báo.
Camille Grand, nhà phân tích của tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói rằng có hai giả thuyết về ảnh hưởng của chính quyền Trump đối với NATO.
"Một là nó sẽ như lần đầu, khó khăn nhưng không tới mức thảm họa. Hai là chúng ta sẽ đối mặt với một thế giới khác của những người theo chủ nghĩa Trump hoài nghi về các liên minh và sự ủng hộ với Ukraine, đặc biệt khi nhiệm kỳ đầu không chứng kiến xung đột ở châu Âu", ông nói.
Nhiều quan chức châu Âu đồng tình là Ukraine đang trong tình thế nguy hiểm, nhưng cũng cho rằng ông Trump trở thành tổng thống có thể có lợi cho Kiev. Họ nói ông Trump, người dễ thay đổi và không dễ thỏa hiệp, có thể tăng cường ủng hộ cho Ukraine nếu Tổng thống Nga đòi hỏi quá nhiều và không nhượng bộ.
Giới phân tích chính trị cho rằng Tổng thư ký Rutte có thể là chìa khóa giúp NATO đứng vững trước những lo lắng và hoài nghi trong nhiệm kỳ của ông Trump, khi cựu thủ tướng Hà Lan được đánh giá là người thông minh và biết nắm bắt cơ hội chính trị. Ông Rutte được cho đã giữ quan hệ tốt với ông Trump trong các cuộc gặp trước đây và được tổng thống đắc cử Mỹ đánh giá cao.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018, khi ông Trump ám chỉ rằng có thể rút Mỹ khỏi NATO vì vấn đề đóng góp ngân sách, Rutte đã ca ngợi tổng thống Mỹ vì giúp thúc đẩy châu Âu đầu tư hơn cho quốc phòng, theo Dick Zandee, người đứng đầu chương trình an ninh và quốc phòng thuộc Viện Clingendael ở The Hague.
"Ông Rutte đã dành toàn bộ công lao đó cho ông Trump và tổng thống Mỹ khi đó cảm thấy được đánh giá cao. Kể từ đó, ông Rutte đã có được mối quan hệ tốt với Nhà Trắng dưới thời Trump", Zandee nói.
Đây là lý do một số quan chức cấp cao NATO tỏ ra lạc quan về nhiệm kỳ hai của ông Trump, cho rằng quan điểm "nước Mỹ trên hết" của Trump có thể thúc đẩy châu Âu nghiêm túc hơn về việc bảo vệ chính mình.
"Tại sao phải lo sợ về ông Trump? Mọi thứ sẽ khó khăn, nhưng ít nhất ông ấy sẽ tạo động lực cho vấn đề này", một nhà ngoại giao giấu tên nói.
Một số khác khẳng định liên minh không chỉ tồn tại mà còn trở nên mạnh mẽ hơn khi áp lực từ ông Trump buộc châu Âu phải chi tiền nhiều hơn.
"Trong nhiệm kỳ đầu của ông ấy, mối quan hệ của chúng tôi tập trung vào củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương và chuẩn bị cho tương lai. Trong thế giới ngày càng nhiều bất ổn, khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ vẫn là điều cần thiết", cựu lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg viết trên X.
Thùy Lâm (Theo AFP, Euronews)