Tại một xưởng của công ty Metinvest ở miền trung Ukraine, công nhân đang bận rộn chế tạo các bộ phận của lựu pháo, trạm radar và súng cối. Tuy nhiên, tất cả đều là hàng giả, được sản xuất từ xốp, ống nước và phế liệu, đóng vai trò như những vũ khí mồi nhử để thu hút hỏa lực Nga.
"Khi chúng tôi đặt những vũ khí mồi nhử này ở một số khu vực nhất định dọc tiền tuyến, chúng thu hút sự chú ý của đối phương", một công nhân của Metinvest nói.
Một chỉ huy trung đội Ukraine nói rằng đơn vị của anh đã sử dụng các tổ hợp vũ khí mồi nhử để dụ pháo binh Nga khai hỏa. Dựa vào tiếng nổ đầu nòng và hướng bắn, họ nhanh chóng xác định được vị trí của khẩu pháo Nga, từ đó tung đòn phản pháo chính xác.
Nghi binh là một chiến thuật quan trọng trong chiến tranh, song cuộc chiến ở Ukraine đã đặt ra những thách thức mới. Những tiến bộ trong công nghệ ảnh nhiệt có thể giúp bên tham chiến phát hiện những mục tiêu "vô hình" khi nhìn bằng mắt thường hoặc mục tiêu giả. Những máy bay không người lái giá rẻ giúp các lực lượng giám sát đối thủ theo thời gian thực, gây khó khăn cho việc lắp đặt, bố trí vũ khí mồi nhử.
"Nghi binh giờ quan trọng hơn rất nhiều so với các cuộc xung đột trước đây", Vojtech Fresser, giám đốc điều hành Inflatech, công ty chuyên sản xuất mồi nhử bơm hơi tại Cộng hòa Czech, cho hay.
Ông Fresser không cho biết liệu mồi nhử của công ty Inflatech có được triển khai trên chiến trường Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông nói một số thiết bị của công ty đang được sử dụng trong các cuộc tập trận của đồng minh phương Tây.
Mồi nhử có thể giúp đánh lạc hướng đối thủ về kế các hoạch tấn công hoặc gây ấn tượng rằng khu vực được bảo vệ tốt hơn thực tế nhằm ngăn nguy cơ tấn công, theo giới quan sát.
Hiện chưa rõ các vũ khí mồi nhử đang được quân đội Ukraine triển khai ở mức độ nào, bởi họ giữ kín thông tin vì lý do bảo mật. Dù vậy, các mồi nhử như vậy có thể chiếm một phần không nhỏ trong số vũ khí mà quân Nga tuyên bố phá hủy trên chiến trường, vốn đã vượt số vũ khí trong biên chế của Ukraine.
Quân đội Nga cũng triển khai vũ khí bơm hơi và mồi nhử trên chiến trường, song không rõ mức độ hiệu quả tác chiến của chúng.
Sau khi Nga phát động chiến sự vào cuối tháng 2/2022, quân đội Ukraine đã tìm tới Metinvest, nhà sản xuất thép lớn nhất đất nước, để thảo luận về chế tạo mồi nhử, theo giám đốc điều hành Oleksandr Myronenko. Đây là một trong loạt sáng kiến mà công ty thực hiện để hỗ trợ quân đội, như chế tạo áo giáp hay mua sắm máy bay không người lái.
Tại xưởng chế tạo, các công nhân tải hình ảnh vũ khí cần làm giả từ trên mạng, in ra và phân tích cách mô phỏng chúng từ các loại vật liệu nhẹ. Việc tạo ra các bản sao vũ khí này giúp quân đội có thể dễ dàng vận chuyển và lắp ráp nhanh chóng trên chiến trường.
Kết quả là họ có thể tạo ra những mô hình lựu pháo trông giống hệt những khẩu pháo thật được triển khai trên tiền tuyến, nhưng với chi phí và trọng lượng thấp hơn rất nhiều.
Công nhân của Metinvest cần 4 ngày để chế tạo một lựu pháo D-20 Ukraine và hai tuần để hoàn thành một lựu pháo M777 Mỹ. Các bản sao khiến họ tốn nhiều công sức nhất là hệ thống radar 35D6, khi cần một tháng để hoàn thành vì cấu tạo phức tạp với nhiều thành phần. Một khẩu súng cối có thể được chế tạo từ ống nước gắn trên chảo vệ tinh cũ.
Trong khi đó, công ty Inflatech có thể chế tạo mô hình bơm hơi của xe tăng Leopard hay hệ thống phòng không Patriot, pháo phản lực HIMARS gấp gọn như chiếc balo và chỉ mất 10 phút để bơm phồng. "Bạn có thể để vừa 4 chiếc xe tăng trong một chiếc xe dân sự", Fresser nói.
Tuy nhiên, riêng mô hình là không đủ. Để đánh lừa đối thủ, quân đội Ukraine phải bố trí mồi nhử trong điều kiện triển khai chiến đấu sát thực tế nhất, như phủ lưới ngụy trang và đào công sự bảo vệ xung quanh, bởi đối phương "không phải kẻ ngốc", quản lý Metinvest cho hay.
Metinvest thậm chí còn nhét bom khói vào trong nòng của khẩu pháo mồi nhử, để bắt chước tín hiệu nhiệt phát ra trên khẩu pháo thật khi khai hỏa. Tín hiệu nhiệt này sẽ hiển thị rõ ràng trên cảm biến của UAV trang bị camera ảnh nhiệt, khiến đối phương bị đánh lừa.
Trong số 250 vũ khí mồi nhử mà Metinvest đã cung cấp cho quân đội, khoảng một nửa đã bị Nga tấn công bằng đạn pháo hoặc UAV tự sát, theo người đứng đầu xưởng sản xuất.
Một video trong điện thoại của ông cho thấy UAV tự sát Nga lao thẳng về phía khẩu pháo mồi nhử của Ukraine và đâm xuống đất.
Trong xưởng của Metinvest trưng bày mảnh vỡ hai UAV Lancet và một UAV Shahed từng được Nga sử dụng để tấn công một trạm radar giả của Ukraine. "Chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất thêm xe tăng và các loại phương tiện chiến đấu khác", Myronenko nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)