Khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kéo dài 4 tháng, lực lượng Nga đang tăng cường áp dụng chiến thuật mới nhằm đè bẹp sức kháng cự của quân đội Ukraine tại các thành phố, đô thị ở miền đông. Với chiến thuật này, Nga dồn lực lượng lớn pháo binh, hỏa tiễn liên tục tập kích, bắn phá các vị trí phòng ngự của đối phương, khiến quân đội Ukraine hứng chịu thương vong nặng nề và mất dần phòng tuyến.
Mục tiêu đắt giá nhất đối với Moskva thời điểm này là Severodonetsk và Lysychansk, hai thành phố cuối cùng mà phía Ukraine còn kiểm soát ở tỉnh Lugansk, thuộc tỉnh Donbass ở miền đông. Một khi chiếm được hai thành phố, quân đội Nga sẽ kiểm soát toàn diện tỉnh Lugansk, tiến gần đến mục đích "giải phóng" toàn vùng Donbass được đặt ra từ đầu chiến dịch.
Bộ Quốc phòng Anh giữa tuần này cho biết lực lượng Nga đang gia tăng áp lực lên khu vực xung quanh Severodonetsk bằng cách đẩy nhanh mũi tiến công ở Lysychansk.
Giữa áp lực thiệt hại quân số, Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng Lugansk, ngày 24/6 thông báo các đơn vị cố thủ trong thành phố Severodonetsk đã nhận lệnh rút quân về vị trí mới, sang những tỉnh có lợi thế phòng thủ tốt hơn để phục vụ cho các chiến dịch mới. "Đây là thực tế đáng tiếc, nhưng rút quân là quyết định cần thiết", ông tuyên bố.
Quyết định rút quân được công bố sau hơn một tháng Severodonetsk cùng Lysychansk trở thành "rốn hỏa lực" của pháo binh Nga. Các chuyên gia quân sự từng dự đoán Severodonetsk sẽ trở thành "Mariupol thứ hai" nếu Nga hoàn tất khép vòng vây và quân Ukraine cố thủ bên trong thành phố không chịu đầu hàng.
Cục diện chiến trường ở Severodonetsk liên tục trong thế giằng co suốt nhiều tuần qua. Khi lực lượng Nga kiểm soát hầu hết khu vực trung tâm thành phố trong hai tuần đầu tháng 6, các đơn vị Ukraine rút về nhà máy hóa chất Azot ở ngoại ô để cố thủ và chống chọi với pháo kích dữ dội. Giới chức Ukraine từng ví Severodonetsk không khác gì "địa ngục" vì mức độ giao tranh khốc liệt giữa hai phe.
Trong trận chiến ở Severodonetsk, xe tăng, thiết giáp không còn đóng vai trò chủ lực. Lực lượng Nga huy động hàng trăm khẩu lựu pháo cỡ lớn cùng các giàn pháo phản lực, pháo nhiệt áp tạo thành màn hỏa lực chụp lên bất cứ khu vực nào có binh sĩ Ukraine chống cự tại Severodonetsk.
Severodonetsk thất thủ là kết quả đã được báo trước, khi Nga tận dụng triệt để ưu thế hỏa lực áp đảo của pháo binh và mạng lưới hậu cần đã được củng cố vững chắc tại Donbass trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Nga chủ trương đánh chậm mà chắc, tập kích phủ đầu bằng pháo binh mở đường cho bộ binh từng bước mở rộng kiểm soát, song song với nỗ lực đánh vào các tuyến hậu cần của đối phương để làm chậm tốc độ đưa vũ khí phương Tây viện trợ ra tiền tuyến.
Giới chức Ukraine nhận định pháo binh Nga áp đảo lực lượng nước này gấp 10 lần. Đạn pháo Nga khiến Ukraine mất trung bình 100 quân nhân mỗi ngày, nhuệ khí binh sĩ ở mức báo động do tổn thất lớn và tình thế liên tục chịu pháo kích, bị đối phương bao vây khắp mọi phía.
Tỉnh trưởng Gaidai cho biết khoảng 90% nhà cửa ở Severodonetsk đã bị phá hủy dưới hỏa lực pháo binh Nga, khiến binh sĩ Ukraine gần như không còn chỗ ẩn nấp và hứng chịu thương vong cao hơn vì phải phơi mình trước làn đạn đối phương.
Quân đội Nga đang kiểm soát hơn 90% lãnh thổ toàn tỉnh Lugansk, theo Financial Times. Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo đã chọc thủng phòng tuyến phía nam của Lysychansk. Với đà tiến này, lực lượng Nga nhiều khả năng kiểm soát được thành phố lớn cuối cùng ở Lugansk còn do quân đội Ukraine kiểm soát trong vài ngày tới.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nhận định Severodonetsk thất thủ có thể là bước tiến mới của Nga trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu "giải phóng Donbass", nhưng đây chưa thể là "chiến thắng quyết định" đối với quân đội Nga.
Ukraine có thể mất đáng kể vùng kiểm soát ở Donbass, nhưng đã làm tiêu hao lượng lớn binh lực lẫn khí tài của đối phương trong khu vực, qua đó làm giảm sức mạnh chiến đấu chung của quân đội Nga không chỉ ở chiến trường Donbass.
Ở mặt trận phía nam, lực lượng Ukraine bắt đầu tổ chức nhiều đợt phản công tái chiếm một số khu vực thuộc tỉnh Kherson trong vài tuần qua. Kherson giờ đây trở thành một điểm yếu của Nga, khi họ phải dồn lực cho chiến trường Donbass, khiến lực lượng phòng thủ khu vực này bị phân tán.
Quân đội Ukraine còn mở nhiều trận đánh với mức độ giao tranh ác liệt ở vùng duyên hải Biển Đen và một số đảo dọc theo tuyến vận tải hàng hải, đặt mục tiêu khai thông xuất khẩu ngũ cốc.
Lực lượng Nga cùng dân quân ly khai đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine. Để đạt được bước tiến như hiện nay, Nga đã hứng chịu những tổn thất đáng kể trong cuộc chiến tiêu hao sinh lực kéo dài 4 tháng qua.
Trang phân tích iStories nhận định quân đội Nga có khả năng đã thiệt hại 2-4% tổng quân số kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Ukraine. Trang này cũng ước tính quân đội Nga mất khoảng 23-42% số lượng xe tăng và 14% số xe thiết giáp.
Chuyên gia quân sự Pavel Luzin tại Nga nhận định thiệt hại nguồn lực của quân đội Nga là "không thể tái sản xuất và không thể thay thế".
Lần gần nhất Moskva công bố số liệu chính thức về thương vong chiến dịch ở Ukraine là hồi tháng 3, khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 1.135 quân nhân đã thiệt mạng trên chiến trường.
Nghị sĩ Andrey Kartapolov, thành viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Duna Quốc gia (Hạ viện Nga), giải thích rằng Moskva ngưng cập nhật số liệu thương vong do quân đội Nga "cơ bản không mất thêm người nào".
Tuy nhiên, tình báo Anh ước tính khoảng 20.000 quân nhân Nga thiệt mạng hoặc bị thương sau 4 tháng giao tranh tại Ukraine. "Dựa vào những thông tin còn hạn chế, số lính Nga tử trận tại Ukraine xê dịch từ 7.000 đến 15.000 người", Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại trung tâm tư vấn chính sách CNA của Mỹ, nhận định.
Sau đà tiến gần đây nhờ hỏa lực pháo binh, Nga có thể gặp khó khăn hơn trong các chiến dịch tiếp theo.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố quân đội nước này đã tiếp nhận các tổ hợp pháo phản lực HIMARS đầu tiên do Mỹ viện trợ. Hệ thống vũ khí hiện đại với tầm bắn 80 km này được kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực tác chiến cho pháo binh Ukraine trong cuộc đấu hỏa lực "không cân sức" thời gian qua với quân đội Nga.
Trong khi Kiev cảnh báo thời gian tới sẽ là "mùa hè đỏ lửa" đối với quân nhân Nga trên chiến trường Ukraine, Moskva vẫn chưa lung lay quyết tâm chiến dịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu hôm 17/6 nhấn mạnh ông không có ý định rút quân. Lãnh đạo Nga tự tin tuyên bố quân đội sẽ hoàn thành mọi mục tiêu mà Điện Kremlin đã đề ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhưng giới chức quốc phòng và chuyên gia phương Tây đánh giá rằng sau khi hoàn thành mục tiêu kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, Nga sẽ không đủ lực lượng để duy trì đà tiến công xa hơn nữa, đặc biệt khi Điện Kremlin kiên quyết không phát lệnh tổng động viên để bổ sung quân số. "Quyết định dừng tiến quân của Nga chỉ còn là vấn đề thời gian", Kofman nhận định.
Thanh Danh (Theo Financial Times, Moscow Times, AFP)