Một người bị tất cả khách sạn từ chối sau khi trình thẻ căn cước. Một người khác bị dân làng đuổi. Người thứ ba bị rò rỉ dữ liệu cá nhân nhạy cảm trên mạng khi đăng ký thông tin với chính quyền.
Một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona ở Vũ Hán được chuyển tới bệnh viện hồi tuần trước. Ảnh: AFP. |
Họ đều đến từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) ở Trung Quốc. Họ chỉ là ba trong số khoảng 5 triệu người Vũ Hán đang lâm vào cảnh không thể về nhà hay đến bất cứ đâu vì cơn hoảng loạn do virus corona gây ra.
Các bệnh nhân nhiễm nCoV được đưa tới bệnh viện ở Vũ Hán từ đầu tháng 12/2019, nhưng mãi 7 tuần sau đó, chính quyền thành phố mới ban hành lệnh phong tỏa từ ngày 23/1. Lúc này, khoảng 5 triệu trong tổng số 11 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố, tới khắp nơi để du lịch, thăm thân dịp Tết âm lịch.
Dịch đến nay khiến hơn 420 người thiệt mạng và gây hoang mang cho người dân nhiều nước trên thế giới, đồng thời đẩy những người Vũ Hán bên ngoài vòng phong tỏa vào tình cảnh trớ trêu.
Dù có mạng lưới giám sát rộng lớn với hệ thống nhận diện khuôn mặt hiện đại cùng hàng triệu camera theo dõi ở mọi nơi, chính quyền Trung Quốc vẫn chọn cách thức truyền thống trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, trong đó khuyến khích người dân các địa phương trình báo khi phát hiện người Vũ Hán xuất hiện.
Mất 5 ngày để chính quyền liên lạc với Harmo Tang, sinh viên đang học tại Vũ Hán, sau khi anh trở về quê nhà ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Tang cho biết anh đã tự cách ly khi quan chức địa phương tìm đến hỏi những thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ căn cước và ngày anh từ Vũ Hán trở về. Không lâu sau, thông tin cá nhân của Tang bắt đầu được lan truyền trên mạng cùng danh sách những người khác cũng vừa từ Vũ Hán trở về Lâm Hải.
Giới chức địa phương không đưa ra lời giải thích về việc rò rỉ thông tin này, nhưng vài ngày sau, họ dán một thông báo trên cửa nhà Tang, nói rằng trong nhà có người trở về từ Vũ Hán.
Thông báo còn ghi kèm số điện thoại đường dây nóng để hàng xóm có thể trình báo nếu nhìn thấy bất kỳ ai rời khỏi căn nhà. Tang cho hay anh nhận được khoảng 4 cuộc gọi mỗi ngày từ các cơ quan chính quyền địa phương khác nhau. "Tôi không cảm thấy thoải mái lắm", anh chia sẻ.
Trung Quốc có lý do chính đáng để theo dõi sát sao những người có nguy cơ nhiễm nCoV, đặc biệt là người đến từ Vũ Hán. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc cách ly một nhóm người vốn đã bị tổn thương khỏi xã hội có nguy cơ phản tác dụng, làm tổn hại thêm lòng tin của công chúng và khiến những người cần được giám sát và sàng lọc có xu hướng lẩn trốn kỹ hơn.
Cuộc "truy lùng" được tiến hành quyết liệt đến mức chính quyền một huyện ở Hồ Bắc đã treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho bất cứ cư dân nào trình báo về một người Vũ Hán tại địa phương. Hình ảnh trên mạng cho thấy nhiều thị trấn gần Vũ Hán chặn đường hoặc cử dân phòng canh gác, ngăn người từ bên ngoài vào làng.
Ở tỉnh Giang Tô, nhà chức trách thậm chí còn dựng hàng rào quanh một gia đình vừa trở về từ Vũ Hán. Để có thức ăn, họ phải nhờ hàng xóm chuyển hộ, theo truyền thông địa phương.
Lo sợ cho sự an toàn của các con khi tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện, Andy Li, kỹ sư công nghệ từ Vũ Hán đi du lịch cùng gia đình tới Bắc Kinh, đã thuê xe và bắt đầu hướng về phía nam, tới Quảng Đông, với hy vọng có thể tá túc nhờ nhà người thân ở đó. Tại Nam Kinh, họ bị nhiều khách sạn khước từ, nhưng cuối cùng cũng được một khách sạn hạng sang đồng ý cho thuê phòng.
Cả gia đình tự cách ly trong 4 ngày cho tới khi chính quyền địa phương yêu cầu tất cả người đến từ Vũ Hán chuyển tới một khách sạn gần nhà ga trung tâm thành phố. Li cho biết khách sạn được chỉ định đã không thực sự làm tốt việc cách ly. Nhân viên giao đồ ăn vẫn thoải mái đến và đi. Khe hở dưới cửa phòng tương đối rộng.
"Họ chỉ tập trung cách ly người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh", Li nói. "Họ không quan tâm việc người Vũ Hán lây bệnh cho nhau".
Để khắc phục, Li lấy giấy ăn và khăn tắm chèn chặt dưới cửa. "Tôi không phàn nàn về chính quyền", Li nói. "Luôn có lỗ hổng trong chính sách. Nhưng tôi thực sự lo lắng cho các con mình".
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tài xế ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chiến dịch cách ly người Vũ Hán của chính quyền đã làm xáo trộn cuộc sống theo cách không ngờ tới. Jia Yuting, sinh viên 21 tuổi tại Vũ Hán, trở về quê nhà ở miền trung Trung Quốc được 18 ngày, vượt quá thời gian cách ly 14 ngày, thì nghe tin ông cô bị ốm ở ngôi làng kế bên. Khi tới thăm ông, cô làm theo hướng dẫn trên loa truyền thanh địa phương và đăng ký thông tin cá nhân với đảng ủy địa phương.
Khi một giáo viên trung học bất ngờ liên lạc để hỏi han tình hình sức khỏe trên ứng dụng nhắn tin WeChat, Jia mới biết thông tin cá nhân của mình đã bị rò rỉ. Jia còn nhận được cuộc gọi đe dọa từ một người đàn ông không rõ danh tính.
Nhà chức trách không giải thích vì sao thông tin của Jia bị rò rỉ, nhưng khẳng định việc này không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của cô. Ba ngày sau khi Jia tới thăm, ông cô qua đời. Các quan chức địa phương lập tức thông báo với gia đình Jia rằng cô không được phép trở về làng dự tang lễ.
"Tôi cảm thấy như dân làng thiếu thông tin, còn chính quyền không giúp đỡ gì nhiều. Thay vào đó, họ công bố thông tin của tôi mà không nói với người dân rằng tôi không có bất kỳ triệu chứng nào", Jia cho biết, nói thêm rằng cô cảm thấy có lỗi khi không thể ở bên động viên bà trong thời khắc khó khăn nhất.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)