"Theo lệnh của tôi, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch sơ tán nhân viên chính phủ khỏi thủ đô Khartoum nhằm phản ứng với tình hình tại Sudan. Tôi biết ơn sự tận tụy của đội ngũ nhân viên sứ quán, cũng như kỹ năng tuyệt vời của các binh sĩ đã đưa họ đến nơi an toàn", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 23/4.
Ông chủ Nhà Trắng cũng gửi lời cảm ơn đến Djibouti, Ethiopia và Arab Saudi, nhấn mạnh những nước này "có vai trò thiết yếu với thành công của hoạt động sơ tán" toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ tại Sudan, quốc gia đang trải qua giao tranh khốc liệt giữa các phe phái suốt nhiều ngày qua.
Tướng Douglas Sims, giám đốc phụ trách tác chiến tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, mô tả đây là "chiến dịch nhanh gọn" được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Biden.
Ông Biden bắt đầu ra lệnh sơ tán nhân viên sứ quán khỏi Sudan sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra khuyến cáo, cho rằng giao tranh ở nước này sẽ không sớm chấm dứt. Trước đó, một đoàn xe của sứ quán Mỹ tại Khartoum đã bị tấn công.
Các cuộc đụng độ đã diễn ra ác liệt suốt một tuần giữa quân đội Sudan (SAF) với Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF), hai phe phái quân sự đối địch tại quốc gia châu Phi. Xung đột tới nay đã khiến hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương.
Lực lượng được huy động tham gia chiến dịch gồm trực thăng MH-47 thuộc Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 160, một trong những đơn vị trực thăng tinh nhuệ nhất của Mỹ, cùng hơn 100 lính đặc nhiệm SEAL Team 6 của hải quân.
Cuộc sơ tán bắt đầu từ chiều 22/4, khi hai trực thăng vận tải MH-47 Chinook cất cánh từ căn cứ Lemonnier ở Djibouti, tiếp dầu tại Ethiopia và bay thẳng đến Khartoum. Hành trình này dài khoảng 1.300 km, trong đó trực thăng phải bay với tốc độ gần 200 km/h ở độ cao nhỏ trong điều kiện trời tối.
Sau khi trực thăng đáp xuống Khartoum, lính đặc nhiệm Mỹ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn, triển khai sơ tán nhân viên ngoại giao và gia đình, cùng đơn vị thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán. Toàn bộ thời gian hiện diện của họ ở Khartoum kéo dài chưa đến một giờ.
Biên đội MH-47 đưa toàn bộ những người này trở về Djibouti theo tuyến bay trước đó, hoàn tất hành trình với tổng chiều dài gần 2.600 km. Tướng Sims nói rằng các trực thăng Mỹ không bị tấn công trong hành trình đến và đi khỏi Khartoum.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass cho hay khoảng 100 người đã được sơ tán khỏi đại sứ quán Mỹ ở Khartoum, trong đó có "một số nhà ngoại giao của các nước khác", nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Chiến dịch diễn ra tương đối trôi chảy, nhưng vẫn gặp sự cố trong quá trình tiến hành. "Một trực thăng gặp vấn đề với hệ thống tiếp dầu trên đường trở về, nhưng họ đã khắc phục được tình trạng và tiếp tục hành trình. Không có trực thăng nào bị rơi", tướng Sims cho hay.
Bộ tư lệnh châu Phi của Mỹ và tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã liên lạc với các phe phái đối địch ở Sudan trước và trong quá trình chiến dịch sơ tán diễn ra, nhằm đảm bảo tuyến đường an toàn cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ thực hiện nhiệm vụ.
RSF tuyên bố đã phối hợp với lực lượng Mỹ để hỗ trợ quá trình sơ tán, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Bass bác thông tin. "Họ chỉ phối hợp bằng cách không khai hỏa về phía binh sĩ Mỹ trong quá trình thực hiện chiến dịch. Tôi cho rằng điều này có lợi cho họ", ông nói.
Các quan chức Mỹ nói rằng tình hình liên tục xấu đi buộc chính phủ huy động quân đội để sơ tán nhân viên sứ quán, nhưng cảnh báo rằng khoảng 16.000 công dân Mỹ tại Sudan không nên trông chờ sự hỗ trợ tương tự.
"Quy trình tiêu chuẩn của chúng tôi không có nhiệm vụ sơ tán công dân Mỹ sống ở nước ngoài", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay.
Việc cử lực lượng đặc nhiệm thực hiện chiến dịch sơ tán nhân viên sứ quán cũng hiếm khi được Mỹ thực hiện. Thông thường, khi ra lệnh giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa sứ quán, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên rời đi bằng máy bay thương mại nếu có thể.
Khi Mỹ tạm thời đóng cửa đại sứ quán ở Kiev năm 2022 ngay trước khi Nga phát động chiến dịch, các nhân viên ngoại giao tại đây được yêu cầu trở về bằng máy bay dân dụng. Lần gần đây nhất Mỹ triển khai lực lượng quân sự để sơ tán nhân viên sứ quán là tại Afghanistan năm 2021, khi các chuyến bay thương mại không thể hoạt động bình thường do Taliban đang áp sát thủ đô Kabul.
Vũ Anh (Theo ABC News)