"Đây là thứ gia đình tôi cần nhất, hơn cả ôtô, hơn chuyện sửa sang nhà cửa, bởi nó liên quan đến vấn đề sinh tử", Kyrylo Barashkov, luật sư 43 tuổi, nói, chỉ tay về phía lối vào boong-ke trên con đường rợp bóng cây ở Kriukivschina, ngoại ô thủ đô Ukraine.
Mở cánh cửa dày sơn màu xanh, anh bước xuống 14 bậc cầu thang dẫn đến căn phòng có tường ốp gỗ sâu 5 mét dưới lòng đất. Căn hầm có thể chứa tối đa 15 người, có hai sofa, lò sưởi và toilet di động, đề phòng trường hợp phải trú ẩn lâu ngày.
Barashkov cũng lắp đặt hệ thống wifi, cùng ắc quy dự phòng công suất lớn. Trong trường hợp mất điện, hệ thống đèn vẫn được duy trì nhờ máy phát điện diesel.
Barashkov khẳng định boong-ke với tổng chi phí xây 20.000 USD này giúp gia đình anh an toàn trước "99% vụ không kích" nhắm vào Kiev, chủ yếu là bằng tên lửa hành trình và UAV.
"Để đổi lấy sự an toàn, sự an tâm về lý trí lẫn cảm xúc, tôi không cho đây là một số tiền lớn. Chúng tôi từng chứng kiến một vài vụ không kích ngay tại khu dân cư này", Barashkov nói, cho hay một vụ nổ từng xảy ra bên ngoài nhà hồi tháng 1.
Anh cho biết đã cung cấp cho hàng xóm mật mã để vào boong-ke. "Họ cảm thấy tốt hơn khi biết có một hầm trú ẩn gần đó, luôn sẵn sàng khi xảy ra các cuộc tập kích lớn".
Sự cẩn thận của luật sư 43 tuổi này trái ngược với tâm lý chủ quan của nhiều cư dân Kiev, những người đã mệt mỏi với nhiều đêm phải chạy xuống hầm trú ẩn hoặc ga tàu điện ngầm mỗi khi còi báo động không kích vang lên. Giờ đây, nhiều người chọn ở trong nhà, không tìm nơi trú ẩn ngay cả khi tên lửa rơi xuống.
"Suy nghĩ như vậy thật lạ lùng", Barashkov nói. "Chúng ta nên quan tâm đến trẻ em, phụ nữ và bản thân mình, bởi chúng ta phải sống sót qua tất cả những điều này".
Đối với anh, bảo vệ gia đình là nhiệm vụ rất quan trọng, khi vợ mới sinh con trai đầu lòng. Hai vợ chồng cũng thường trú ẩn trong boong-ke trong thời gian thai nghén. "Đến giờ, con trai tôi chưa phải xuống hầm trú ẩn lần nào, ơn Chúa".
Đức Trung (Theo AFP)