Hơn hai tháng sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, nhiều quốc gia đang dần dỡ lệnh phong tỏa và mở cửa lại. Tuy nhiên, Mỹ Latinh vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt khi khu vực này trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Colombia đã đình chỉ tất cả chuyến bay quốc tế đến ít nhất ngày 31/8, khiến các công dân ở nước ngoài không thể trở về bằng đường hàng không. Nước này cũng chặn những lối mở ở biên giới trên đất liền và trên sông với các nước láng giềng, trong đó có Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Carvallido cho hay cô và con gái Maria Jose đã chầu chực gần hai tuần ở sân bay quốc tế Guarulhos, ngoại ô Sao Paulo, thành phố tâm dịch của Brazil. Sân bay chứng kiến lượng người đi lại tăng vọt từ tuần trước, khi các hành khách tìm cách rời khỏi Brazil trước lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ.
"Trong tình hình này, chúng tôi muốn ở cạnh gia đình mình và con gái tôi cũng thế. Mọi thứ rất khó khăn", Carvallido vừa nói vừa lau nước mắt.
Carvallido, 24 tuổi, và những người khác ăn trưa bằng đồ hộp và đồ được quyên góp. Họ còn mang theo bếp để nấu ăn bên ngoài sân bay. Việc tắm rửa diễn ra trong nhà vệ sinh của sân bay với chiếc vòi nhỏ.
Carvallido và những người mắc kẹt ở đây đề nghị chính phủ Colombia thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Colombia cho hay không có chuyến bay mới nào dự kiến khởi hành từ Brazil cho đến tuần tới. Kể từ cuối tháng 4, đã có 3 chuyến bay đưa tổng cộng 346 công dân Colombia hồi hương.
Dù gọi là chuyến bay nhân đạo, họ phải trả 350 USD tiền vé và đó là số tiền mà Carvallido cũng như nhiều người khác mắc kẹt ở sân bay không có. Họ kêu gọi chính phủ tổ chức những chuyến bay miễn phí nhưng không có hồi đáp.
"Theo các quy định hiện nay, yêu cầu này là không thể", lãnh sự quán Colombia ở Sao Paulo cho hay trong một thông cáo.
Brazil hôm nay báo cáo mức tăng kỷ lục hơn 26.400 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 438.000. Số ca tử vong cũng tăng thêm 1.156, lên 26.754 ca.
Covid-19 ở Brazil trở nên nghiêm trọng khi nCoV tấn công các khu ổ chuột và những nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe hạn chế. Trong khi đó, phản ứng của chính quyền với đại dịch gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố đây chỉ là "cúm vặt" và kêu gọi người dân quay lại làm việc, khiến thống đốc các bang phải tự áp lệnh phong tỏa.
Anh Ngọc (Theo Reuters)