Năm 2011, Wesley Ng (Hong Kong) nảy ý tưởng startup khi lướt Instagram. Nhìn mọi người chia sẻ ảnh trực tuyến từ smartphone, anh nghĩ đến việc giúp họ đưa chúng lên ốp lưng điện thoại.
Đó là cơ duyên ra đời của Casetify, thương hiệu phụ kiện công nghệ do Wesley Ng và Ronald Yeung đồng sáng lập cách đây 12 năm, với số vốn 200.000 USD. "Tôi nghĩ chúng tôi là một trong những thương hiệu đầu tiên ra đời từ Instagram và phát triển từ đó", Wesley Ng, 42 tuổi, CEO công ty nói.
Đến nay, startup này đã bán hơn 15 triệu ốp điện thoại, doanh thu 300 triệu USD vào năm ngoái. Để biến Casetify thành một thương hiệu trị giá hàng triệu USD, ban đầu anh tận dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ng gửi tin nhắn cho bất kỳ ai mà anh ấy thấy có nhiều người theo dõi trên Instagram, hỏi xem họ có muốn in ảnh của mình lên ốp điện thoại.
"Chúng tôi tìm hiểu liệu có khiến những người này mua sản phẩm hay không, và nếu thích họ có thể sẽ chia sẻ nó với những người theo dõi", anh kể.
Theo anh, một phần thành công là do thời điểm. Khi ấy, việc tiếp thị bằng người có ảnh hưởng trên Instagram chưa ai áp dụng nên ít cạnh tranh và tiết kiệm chi phí.
Nhưng việc khởi nghiệp cũng không suôn sẻ. Wesley Ng học chuyên ngành đồ họa chuyển động nên không rành về sản xuất sản phẩm. Vì thế, anh gặp sai lầm khi mua chiếc máy in công nghiệp đầu tiên. Công ty mất khoảng 50.000 USD nhưng không dùng được.
"Chúng tôi vẫn giữ chiếc máy đó ở đây như một lời nhắc nhở. Chúng tôi học được rằng nên khiêm tốn, đi nhờ sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm sản xuất", anh nêu kinh nghiệm.
Ban đầu, Casetify chỉ sản xuất và bán trực tiếp đến khách hàng qua thương mại điện tử. Họ cho phép khách in ảnh lên ốp điện thoại rồi dần mở rộng sang bán các phụ kiện công nghệ. Họ tiếp thị bằng cách hợp tác với các nghệ sĩ toàn cầu, các nhóm nhạc K-pop như Blackpink và những công ty như Disney.
Với vai trò CEO, Wesley Ng học những nguyên tắc cơ bản của việc điều hành doanh nghiệp bằng cách quan sát cha mẹ điều hành nhà hàng của họ ở Hong Kong. Không được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, nên điều quan trọng nhất để nhà hàng tồn tại là phải có lợi nhuận.
Anh điều hành startup của mình với triết lý tương tự. Đó là không "đốt" tiền, tập trung nghĩ cách có lợi nhuận. "Với một số công ty, họ phải đốt tiền để phát triển, nhưng không phải tất cả đều vậy. Tôi không nghĩ rằng cứ phải đốt nhiều tiền để phát triển", anh nói.
Startup bán ốp lưng của Wesley Ng không gọi vốn suốt thập kỷ đầu thành lập. Anh xem đó là "may mắn" vì nếu không công ty phải chạy theo "những mục tiêu phi thực tế".
"Chúng tôi luôn làm mọi việc và hoạt động vì lợi ích công ty chứ không phải vì lợi ích của các cổ đông. Đó là hai việc khác nhau", anh nói. Quan điểm của nhà sáng lập này là không đầu tư quá mức để đổi lấy tăng trưởng không cần thiết.
Những năm gần đây, Casetify được quảng cáo trong các bài đăng của những người nổi tiếng như Kylie Jenner. Công ty cũng bán các thiết kế của Drake và Olivia Rodrigo, đồng thời vẫn duy trì quan hệ đối tác với các thương hiệu toàn cầu như Disney, NASA và Saint Laurent.
Nhưng sự cạnh tranh vẫn ngày càng gay gắt hơn. Trong một thị trường trực tuyến ngày càng phát triển, có thể khó nổi bật nếu không liên tục làm điều gì đó mới. Không chỉ kinh doanh bằng Instagram, họ mở rộng sang những mạng xã hội khác. Gần đây, công ty tung ra bộ sưu tập ốp có tên "As Seen on TikTok".
Casetify cũng đã mở rộng kinh doanh, không chỉ còn bán trực tuyến. Năm 2018, Nordstrom bắt đầu bán các sản phẩm Casetify trước khi công ty tự mở cửa hàng bán lẻ của riêng mình tại Hong Kong vào năm 2020.
Tháng 6/2021, công ty lần đầu tiên gọi vốn sau 10 năm hoạt động, nhận được số tiền theo tiết lộ là hàng chục triệu USD. "Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không cần gọi vốn. Nó giống như một khoản đầu tư chiến lược hơn", Ng nói.
Khi được hỏi về định giá của công ty, sau khi nhận vốn, họ có thể sớm thành "kỳ lân", tức công ty khởi nghiệp được định giá từ một tỷ USD trở lên.
Đến nay, Casetify có 25 cửa hàng bán trực tiếp, chủ yếu ở khắp châu Á và Australia. Ng cho biết việc mở rộng này là cơ hội để tiếp cận nhiều đối tượng hơn, giúp khách hàng trực tiếp xem chất lượng sản phẩm trước khi mua.
Casetify cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ tại Santa Clara, California vào năm ngoái. Họ đang thử nghiệm một mô hình gọi là "style labs" ở một số thành phố. Trong đó, một cửa hàng pop-up vừa được mở ở New York tháng trước. Tại các cửa hàng "style labs", khách hàng có thể tạo những chiếc ốp lưng theo thiết kế riêng họ trong vòng 30 phút.
"Nó mang đến sự hài lòng tức thì", Ng nói.
Phiên An (theo CNBC)