Sáng 10/9, tàu chở hàng và sà lan bị mắc kẹt dưới gầm cầu Vĩnh Phú, tại vị trí cột trụ thứ 3 tính từ TP Việt Trì đi tỉnh Vĩnh Phúc. Một phần sà lan chui vào gầm cầu, đầu chạm mép bêtông. Dòng chảy xiết của sông Lô khiến phương tiện này di chuyển liên tục, tăng nguy cơ gây hư hại cho cầu Vĩnh Phú.
Lo ngại nguy cơ chìm tàu, nhà chức trách tạm cấm cầu Vĩnh Phú nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời xử lý phương tiện đang mắc kẹt.
Nguyên nhân tàu và sà lan mắc kẹt được nhận định là mực nước sông Lô dâng cao, chảy xiết khiến dây níu hai phương tiện bị đứt và trôi về phía chân cầu.
Hiện nay công binh đã có mặt tại cầu Vĩnh Phú để khảo sát và đưa ra phương án giải quyết. Có hai phương án chính, gồm tháo dỡ một phần tàu, sau đó đánh chìm để giảm tải trọng và tạo điều kiện cho việc di dời; khoan, cắt và tháo dỡ, đánh chìm trôi tàu nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, tránh thiệt hại.
Sáng cùng ngày, Khu quản lý đường bộ 1 cũng cấm phương tiện lưu thông trên cầu Đoan Hùng cũ bắc qua sông Lô để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các phương tiện được phân luồng sang cầu Đoan Hùng mới nằm trên quốc lộ 2, bắc qua sông Chảy, thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Hai hôm nay, tỉnh Phú Thọ mưa lớn, nhiều nơi ngập. Khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu nối huyện Tam Nông và Lâm Thao bị sập khiến 10 ôtô, 2 xe máy và 13 người dân mất tích. 3 người đã được cứu sống. Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Sau vụ tai nạn, các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang cấm phương tiện qua 9 cầu vì lo ngại nước lũ chảy xiết dẫn tới nguy cơ sập cầu. Sáng nay, Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn lên cầu Chương Dương qua sông Hồng.
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.