11 giờ ngày 9/3, anh Dương Thành (30 tuổi, Hải Phòng) hồ hởi cầm trên tay căn cước công dân mới vừa giao đến tận nhà từ nhân viên bưu điện. “Không cần phải đến trụ sở công an làm thủ tục nhận thẻ, quy trình hôm đăng ký thẻ chip cũng đơn giản hơn rất nhiều so với trước. Chỉ mất 15-20 phút trình chứng minh nhân dân cũ, lăn tay, chụp ảnh, không cần nhiều giấy tờ”, anh Thành nhớ lại.

Biết lượng người đăng ký trong đợt đầu rất lớn, phải xếp hàng lâu chờ tới lượt, anh Thành vẫn chấp nhận vì nóng lòng có một chiếc thẻ “đa năng”, tiện khi đi làm thủ tục, giao dịch sau này. So với chứng minh nhân dân, căn cước công dân gắn chip tích hợp đủ các thông tin bảo hiểm, giấy phép lái xe, thay thế nhiều loại giấy tờ. Anh Thành là một trong hơn 15 triệu hồ sơ đã nộp xin cấp căn cước công dân gắn chip trên 63 tỉnh thành trên cả nước, tính đến đầu tháng 4. Tất cả các thông tin căn cước của công dân sẽ được lưu trữ, quản lý trên một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng bởi VNPT và đối tác, dự kiến đến 1/7, hệ thống này sẽ hoàn thiện đồng bộ trên toàn quốc, kết nối với khoảng 50 triệu căn cước công dân.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đóng góp quan trọng của Tập đoàn VNPT, một trong những doanh nghiệp số tiên phong, trong hành trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một “Việt Nam số”. Theo đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 10 năm tới, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trở thành quốc gia số được xác định là nội dung chiến lược.

Những sáng kiến số của VNPT trải dài trên nhiều lĩnh vực như Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, giáo dục, y tế…, không mang tính chất thời điểm, mà là một nhiệm vụ chiến lược đã được nghiên cứu, triển khai quyết liệt từ hơn một thập kỷ. Tập đoàn xác định mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam, là trung tâm dịch vụ số của châu Á.

Xây dựng Chính phủ điện tử

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế-xã hội số là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao tính minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiền đề cho một xã hội phát triển bền vững.

Theo sát chủ trương này, Tập đoàn VNPT đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cốt lõi xây dựng chính phủ số tại Việt Nam. Giải pháp Chính quyền điện tử của VNPT đã có mặt tại 61/63 tỉnh thành phố.

Cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây được coi là bước đột phá mạnh mẽ thay đổi tư duy giấy tờ, tạo lập nền tảng mới cho Chính phủ điện tử. Đại diện VNPT cho biết, đến nay đã có khoảng hơn 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính theo hình thức trực tuyến.

Sau thành tựu này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại đây, các dịch vụ công đổi giấy phép lái xe, nộp thuế điện tử, thông báo khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế… được thực hiện, theo dõi công khai, minh bạch. Các thủ tục hành chính rườm rà được cắt gọt. Bằng tài khoản trực tuyến, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng, phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Ra mắt cuối năm 2019, sau 8 tháng vận hành, cổng phát triển từ 8 lên đến hơn 2.100 dịch vụ công trực tuyến, ước tính chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội tới hơn 6.700 tỷ đồng mỗi năm.

Gần đây nhất, VNPT ra mắt hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống thay đổi hoàn toàn phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số. Điều này giúp lãnh đạo Chính phủ theo dõi, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương.

"Bộ não" của các địa phương

Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia từ cấp Chính quyền tới các Bộ ngành, địa phương, bên cạnh các giải pháp thông minh cho Chính phủ, VNPT còn nghiên cứu, triển khai các bộ máy điều hành số tại các tỉnh thành, địa phương.

Trung tâm điều hành, giám sát thông minh (IOC) của VNPT được ví như những bộ não số, tích hợp 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền, Giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch, giám sát camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội.

Theo đó, IOC thu thập các thông tin, số liệu, thể hiện trực quan, sinh động và đưa ra những dự báo, cảnh báo, giúp chính quyền có cái nhìn tổng quan, đưa ra quyết định theo thời gian thực. Bộ máy cũng kết nối người dân với chính quyền, tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Hiện nay, Trung tâm IOC đang được VNPT triển khai cho hơn 15 tỉnh trên toàn quốc, đã khai trương tại TP Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, TP Hà Giang, Tây Ninh, Phú Thọ, Trà Vinh, Bình Phước và hoàn thành triển khai tại Ninh Bình, Tiền Giang, KonTum...

Hệ sinh thái 4.0 toàn diện

VNPT đi đầu với những sản phẩm dịch vụ chủ lực trên các lĩnh vực viễn thông, chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường, an ninh thông tin… phủ sóng toàn quốc. Trên nền tảng những công nghệ như blockchain, IoT, AI, Big Data… những sản phẩm dịch vụ số toàn diện đã phục vụ đắc lực hoạt động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, thay đổi cuộc sống của người dân.

Hệ sinh thái chuyên ngành Y tế VNPT-HIS của VNPT đã được triển khai tới 7.278 cơ sở y tế các tuyến, tại 60/63 tỉnh, thành phố. Hay mạng giáo dục vnEdu cũng đã áp dụng tại hơn 12.000 trường với gần 4 triệu học sinh, tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, với giáo dục thông minh, nền tảng VnEdu 4.0 với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ do tập đoàn này phát triển đã bao phủ toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục, như quản lý thông tin nhà trường; quản lý dinh dưỡng; quản lý thu phí tích hợp hóa đơn điện tử, cổng thông tin học liệu, thi trực tuyến tùy biến, điểm danh điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; quản lý văn bằng chứng chỉ sử dụng công nghệ.

VnEdu đã được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố với hơn 29.000 cơ sở giáo dục, hơn 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên.

Trước đó, trong dịch Covid-19, VNPT miễn phí hệ thống VNPT E-Learning cho tất cả các trường học trên toàn quốc, giúp việc dạy và học không gián đoạn, với hơn 21.000 trường học, 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và với hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra.

Chuyển đổi số ngành y tế cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm trong tham vọng của VNPT. Quy trình hoạt động truyền thống của trạm y tế tại các địa phương nay được số hóa qua một phần mềm tích hợp các nghiệp vụ quản lý, liên thông kết nối với các hệ thống chuyên ngành như quyết toán bảo hiểm, phần mềm quản lý khám chữa bệnh tuyến trên…

Nhờ đó, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, như được nhắc lịch khám, kết quả khám, cập nhật thông tin sức khỏe… tiết kiệm được thời gian, chi phí; tránh ùn ứ, tắc nghẽn tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Gần nhất, hệ thống khai báo y tế NCOVI do VNPT triển khai thần tốc trong vòng 48 giờ, đã hỗ trợ đắc lực Chính phủ, địa phương… trong việc phát hiện, cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời.

2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Đại dịch Covid-19 với những tác động bất ngờ và mạnh mẽ trở thành chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi, đồng thời là minh chứng cho thấy “sức mạnh số” của nhiều doanh nghiệp Việt.

Hướng tới mục tiêu xây dựng một “Việt Nam số”, cộng đồng hơn 60.000 doanh nghiệp được coi là động lực chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số đóng vai trò dẫn dắt, là cánh chim đầu đàn kiến tạo hạ tầng, nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.

Nhìn lại thành tựu chuyển đổi số của tập đoàn, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT khẳng định: “Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu, và VNPT tin rằng, VNPT đang thực hiện vai trò dẫn dắt trong vấn đề chuyển đổi số chính quyền. Đối với kinh tế số, VNPT cũng sẽ phải bắt tay ngay vào thực hiện”.