Giữa tháng 7/2023, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rút Nga khỏi sáng kiến hành lang ngũ cốc qua Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán. Moskva quyết khôi phục phong tỏa toàn diện vận tải hàng hải Ukraine, tập kích hạ tầng cảng biển ở hai thành phố Odessa và Chernomorsk, đồng thời cảnh báo mọi tàu hàng tới Ukraine đều có thể bị coi là mục tiêu quân sự.
"Vào thời điểm đó, cả thế giới đã nghĩ rằng Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu của Ukraine và vô hiệu hóa cảng biển của đối phương. Ai cũng hiểu rằng trên Biển Đen chỉ có một cường quốc hải quân", Olya Korbut, chuyên gia Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), nhận định về lợi thế áp đảo của Nga trên vùng biển chiến lược.
Tuy nhiên, sau nửa năm, Kiev đã đảo ngược tình thế. Xuất khẩu lương thực Ukraine qua Biển Đen đạt 4,8 triệu tấn trong tháng 12/2023, trong khi mức đỉnh điểm của giai đoạn sáng kiến ngũ cốc là khoảng 4,2 triệu tấn, theo thống kê của công ty thương mại nông sản Spike Brokers tại Kiev. Trước khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine xuất khẩu trung bình mỗi tháng khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc qua Biển Đen.
Theo Korbut, Ukraine đã phá "vòng kim cô" của quân đội Nga bằng hai chiến lược táo bạo: Thiết lập hành lang hàng hải riêng và buộc hạm đội Biển Đen của Nga lùi sâu về hậu cứ.
Trong 6 quốc gia tiếp giáp Biển Đen, Ukraine sở hữu đường bờ biển dài thứ hai với 2.782 km trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, chỉ xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2/2022, một nửa sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Ukraine được chuyển qua hệ thống cảng biển, trong đó nông sản là mặt hàng trọng yếu.
Sau khi Nga phong tỏa các tuyến hàng hải của Ukraine trên Biển Đen, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước láng giềng tìm cách giải vây cho kinh tế Ukraine bằng các hành lang vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ, đường sắt. Nhưng phương án này không đạt hiệu quả như kỳ vọng vì tốn kém, hạ tầng đường sắt và đường bộ cũng không thể đáp ứng được năng lực xuất khẩu ngũ cốc của Kiev. Sức ép từ nông dân và nhóm chính trị tại các nước Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungary còn khiến hàng hóa Ukraine tắc nghẽn tại các cửa khẩu.
Khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và từ chối đàm phán, việc tự thiết lập hành lang vận tải qua vùng biển này trở thành lựa chọn duy nhất đối với Ukraine.
Hành lang vận tải biển mới của Ukraine tận dụng hạ tầng cảng nước này và Romania ở cửa sông Danube, men theo lãnh hải Romania và Bulgaria để đưa hàng hóa đến eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và vòng qua biển Aegean để đến biển Adriatic ở Nam Âu.
Sáng kiến này gián tiếp tận dụng chiếc ô an ninh của NATO để giảm rủi ro tàu hàng chở ngũ cốc bị hải quân Nga đánh chặn, do Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên NATO. Những vụ tập kích của Nga nhắm vào khu vực cửa sông Danube bị giới hạn ở cảng Ukraine. Kiev chỉ cần tính toán phương án bảo vệ tàu hàng đến khi chúng đi vào lãnh hải nước láng giềng.
Theo chuyên gia Korbut, sự hỗ trợ từ Romania là "chìa khóa thành công" cho hành lang ngũ cốc mới của Ukraine. Bất chấp hàng loạt cuộc tập kích nhắm vào cửa sông Danube và Odessa trong năm 2023, Ukraine vẫn phối hợp với Romania hoàn thành nhiều dự án cải tạo cảng, nạo vét lòng sông, tăng số lượng hoa tiêu và cải tiến cơ chế điều phối giao thông đường thủy.
Cảng Constanta ở Romania trong năm 2023 đạt sản lượng ngũ cốc xuất khẩu cao kỷ lục, trong đó 40% có xuất xứ Ukraine. Nước này dự kiến mở một cầu cảng dành riêng cho ngũ cốc Ukraine trong tháng 3. Hy Lạp và Croatia cũng góp sức đáng kể khi cho phép ngũ cốc Ukraine chuyển tiếp qua hệ thống cảng ở biển Adriatic.
Xuất khẩu của Ukraine qua cảng sông Danube tăng từ 14,5 triệu tấn hàng hóa trong giai đoạn tháng 2-12/2022 lên 29,4 triệu tấn từ tháng 1-11/2023. Trong 5 tháng cuối năm ngoái, sau khi Ukraine tuyên bố tự thiết lập hành lang vận tải qua Biển Đen, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đạt 8,6 triệu tấn, trong đó cao điểm là tháng 12/2023 với 5 triệu tấn.
Trong cả năm 2023, tổng cộng 57 triệu tấn hàng hóa các loại, bao gồm lương thực, đã được Ukraine xuất khẩu qua đường biển, ngang bằng năm 2022 nhưng chỉ tương đương 1/3 năm 2021. Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov tự tin nước này có thể thúc đẩy xuất khẩu lương thực qua hành lang Biển Đen lên mức 48 triệu tấn mỗi năm.
Trong giai đoạn đầu sau khi rút khỏi sáng kiến ngũ cốc trên Biển Đen, Nga liên tục tập kích các cảng ở Mykolaiv, Chornomorsk và Odessa của Ukraine. Hạ tầng cảng và kho hàng của Ukraine ven sông Danube cũng trở thành mục tiêu, trong đó có Reni, Izmail, Orlivka và Vylkove.
Theo thống kê từ Kiev, từ tháng 8-12/2023, khoảng 180 công trình hạ tầng cảng của Ukraine đã bị hư hại một phần hoặc phá hủy hoàn toàn bởi những đòn tập kích của Nga, khiến khoảng 300.000 tấn ngũ cốc bị thiêu rụi. Ukraine còn cáo buộc quân đội Nga nổ súng cảnh cáo tàu hàng Sukru Okan mang cờ Palau vào ngày 14/8/2023 khi tàu đi qua cửa sông Danube đến cảng Sulina của Romania, sau đó điều trực thăng Ka-29 đưa quân nhân đổ bộ lên tàu kiểm tra.
Trước nguy cơ tuyến hàng hải vừa mới thiết lập lại bị Nga bóp nghẹt "từ trong trứng nước", quân đội Ukraine nhanh chóng triển khai mũi nhọn thứ hai trong kế hoạch giải phóng xuất khẩu đường biển: tăng cường tập kích những mục tiêu quân sự Nga trên Biển Đen và bán đảo Crimea.
Ukraine đã tận dụng kho vũ khí đa dạng của mình để tạo ra lợi thế trong cuộc chiến không cân sức trên Biển Đen.
Họ sử dụng tên lửa Neptune, vốn phát triển trên nền tảng tên lửa diệt hạm cận âm 3M24 Uran ra đời từ thời Liên Xô, để ngăn tàu chiến Nga tiếp cận bờ biển phía nam. Kiev được tiếp thêm sức mạnh với tên lửa hành trình Storm Shadow do châu Âu viện trợ để tập kích những mục tiêu sâu trên bán đảo Crimea. Quân đội Ukraine cũng phát triển các mẫu xuồng tự sát và máy bay không người lái để tập kích cảng biển cùng tàu chiến Nga ở quân cảng Sevastopol.
Trong giai đoạn 2022-2023, Nga ghi nhận ít nhất 16 tàu chiến trúng tập kích của Ukraine, trong khi phía Kiev thông báo đánh trúng 24 mục tiêu Nga. Hệ quả là Hạm đội Biển Đen phải rút dần khỏi Crimea, di chuyển lực lượng xa hơn về phía đông.
Tận dụng bước lùi của hải quân Nga, quân đội Ukraine còn tái kiểm soát các giàn khoan dầu và khí đốt ngoài khơi Crimea vào tháng 9/2023. Tháng 12/2023, tàu đổ bộ Novocherkassk với lượng giãn nước 4.000 tấn bị đánh chìm ở Feodosia, phía đông nam Crimea.
Các vụ tập kích được Ukraine thực hiện tương tự chiến lược chống tiếp cận - chống xâm nhập khu vực, tạo ra một hành lang hẹp nhưng đủ cho vận chuyển hàng hóa thông suốt bằng đường biển. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Hạm đội Biển Đen bị đẩy lùi khỏi khu vực duyên hải Ukraine. Những thiệt hại liên tiếp buộc Nga nới lỏng "vòng kim cô" phong tỏa trên Biển Đen.
Theo Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev, phá vòng phong tỏa mà Nga áp đặt trên Biển Đen là giải pháp duy nhất để Ukraine cứu vãn nền nông nghiệp của mình cũng như góp phần giúp đất nước không bị sụp đổ về kinh tế.
Sau gần hai năm chiến sự, Ukraine trong năm 2023 ghi nhận thâm hụt ngân sách đến 43 tỷ USD, buộc họ phải tìm mọi giải pháp để tự đứng trên đôi chân của mình, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ tài chính, kinh tế từ phương Tây. Việc mở tuyến hàng hải mới trên Biển Đen trở thành "lựa chọn sống còn" của Ukraine.
"Những diễn biến thời gian qua cho thấy giới lãnh đạo tại Kiev ý thức rằng họ không thể dựa mãi vào viện trợ và cho vay từ nước ngoài. Ukraine phải tự kiếm ra tiền", Oleg Suslov, nhà phân tích tại Odessa, nhận định. "Điều khó khăn là Nga cũng hiểu rõ điều đó và sẽ không từ bỏ mục tiêu bóp nghẹt xuất khẩu của Ukraine bằng các cuộc tập kích hạ tầng cảng".
Thanh Danh (Theo CEPA, Al Jazeera)