Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/8 cho biết không quân nước này đã phá hủy một số máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa Nga bằng tiêm kích F-16 trong các cuộc tấn công gần đây của Moskva. Đây là lần đầu tiên Ukraine thông báo về kết quả thực chiến của F-16 kể từ khi Kiev tiếp nhận lô đầu tiên của dòng tiêm kích này.
Giới quan sát trước đó nhận định nhiệm vụ chính của tiêm kích F-16 ở Ukraine, ít nhất trong giai đoạn đầu, là tham gia đánh chặn tên lửa hành trình và UAV của Nga, do đây là phương pháp giúp phi công Ukraine tích lũy kinh nghiệm tác chiến với dòng máy bay này một cách an toàn.
Tiêm kích F-16 được đánh giá là có năng lực vượt trội so các dòng chiến đấu cơ thời Liên Xô trong biên chế không quân Ukraine, đặc biệt là trong nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, thậm chí hiệu quả hơn cả các hệ thống phòng không mặt đất trong vai trò này.
Tên lửa hành trình, UAV tự sát có diện tích phản xạ radar tương đối nhỏ và thường bay thấp, khiến chúng trở thành mục tiêu khó nhằn đối với các hệ thống phòng không mặt đất, kể cả các lá chắn hiện đại nhất. Các hệ thống này cũng gần như không thể phát hiện vật thể bay ở độ cao thấp dưới 50 mét, điều mà UAV thường lợi dụng để tập kích.
Một nhược điểm khác của các hệ thống phòng không mặt đất là tính cơ động. Ukraine là quốc gia rộng lớn, trong đó phần lãnh thổ Kiev kiểm soát kéo dài hơn 800 km từ bắc xuống nam và khoảng 1.100 km tính từ điểm cực tây đến tiền tuyến phía đông. Các tổ hợp Patriot hay IRIS-T khó có thể di chuyển nhanh chóng khắp đất nước để bảo vệ các "điểm mù", nơi không có hệ thống phòng không trực chiến, ngay cả khi đã phát hiện trước hướng di chuyển của tên lửa đối phương.
Trong khi đó, tiêm kích F-16 có khả năng cơ động và sở hữu tốc độ cao hơn nhiều, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng "đường chân trời radar" như các hệ thống phòng không. Khi đánh chặn tên lửa hành trình và UAV, tiêm kích F-16 sẽ bay phía trên các mục tiêu này, nên có điểm quan sát tốt hơn so với radar mặt đất.
Đây cũng là khía cạnh mà dòng chiến đấu cơ của Mỹ chiếm ưu thế so với các mẫu tiêm kích Liên Xô như MiG-29 và Su-27. Về mặt kỹ thuật, radar của hai chiến đấu cơ này có khả năng phát hiện các mục tiêu bay gần mặt đất, song chúng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện tên lửa hành trình trên thực tế.
Trong khi đó, radar AN/APG-66(V)2A trên tiêm kích F-16 của Ukraine được tích hợp một chế độ đặc biệt giúp phát hiện các vật thể bay thấp.
Vào những năm 1980, quân đội Mỹ đã chỉnh sửa radar AN/APG-66 nhằm chống lại tên lửa hành trình tốt hơn, qua đó tạo ra một biến thể đặc biệt có tên F-16 ADF. Đây là biến thể dành riêng cho lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ, nhằm chuẩn bị cho kịch bản bị Liên Xô tấn công.
Các tiêm kích F-16 mà Ukraine tiếp nhận đều đã được nâng cấp về hệ thống tác chiến điện tử, nhiều khả năng radar của chúng cũng đã được cải tiến, ít nhất là về phần mềm, để nâng cao năng lực phát hiện tên lửa hành trình, theo Defense News.
Về mặt vũ khí, tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, đều có khả năng đối phó tốt với tên lửa hành trình và UAV.
Trong đó, tên lửa AIM-120 AMRAAM với đầu dò radar chủ động được cho là hiệu quả hơn trong việc đánh chặn các UAV có diện tích phản xạ radar siêu nhỏ. Điều này đã được chứng minh qua những lần Arab Saudi sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM để phá hủy thành công UAV tự sát của đối phương trong những năm gần đây.
Tiêm kích F-16 cũng có thể khai hỏa pháo 6 nòng 20 mm để đánh chặn tên lửa hành trình và UAV, song không dễ để bắn trúng mục tiêu nhỏ như vậy. Các viên đạn bắn trượt có thể rơi xuống địa điểm không mong muốn và gây ra thiệt hại ngoài dự kiến.
Phi công trên tiêm kích F-16 còn được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ (JHMCS), cho phép hướng đường ngắm và cảm biến về phía mục tiêu bằng cách quay mũ, không cần phải thay đổi hướng bay của phi cơ. Điều này sẽ giúp tăng tính cơ động của máy bay trong việc đối phó với các mục tiêu bay thấp như UAV và tên lửa hành trình.
Dù vậy, tiêm kích F-16 Ukraine, ngay cả khi được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (ASEA) AN/APG-83 như trên các phiên bản F-16 đời mới hơn, cũng chỉ có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ, bay thấp trong bán kính vài chục km đổ lại.
Do đó, để có thể bảo vệ một vùng trời rộng lớn, Ukraine vẫn cần phải triển khai thêm khí tài có khả năng phát hiện tên lửa và UAV, hay ít nhất là phương tiện phóng quả đạn đó, để tiêm kích F-16 có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm, theo National Interest.
Ngoài ra, tiêm kích F-16 chỉ có thể ứng phó tên lửa hành trình và UAV, rất khó đánh chặn hiệu quả tên lửa đạn đạo, đặc biệt là trong pha giữa và pha cuối của quả đạn. Tên lửa hành trình và UAV có tốc độ bay chậm, trong khi tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ rất cao, đòi hỏi phải có các hệ thống phòng không mặt đất chuyên dụng để đánh chặn.
Quân đội Ukraine ngày 29/8 cho biết một tiêm kích F-16 của nước này đã bị rơi khi đang tham gia ứng phó cuộc tập kích bằng tên lửa, UAV quy mô lớn của Nga trước đó ba ngày. Kiev không công bố nguyên nhân cụ thể của sự việc, song một quan chức Mỹ giấu tên nói tiêm kích F-16 rơi không phải vì bị bắn hạ, mà có thể do lỗi phi công hoặc sự cố kỹ thuật.
Điều này cho thấy tuy F-16 là mẫu chiến đấu cơ rất uy lực, các yếu tố khác như năng lực của phi công hay chất lượng bảo dưỡng máy bay vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ thành công của nhiệm vụ.
Phạm Giang (Theo DE, War Zone, NI)