Lầu Năm Góc hôm 18/12 thông báo thành lập liên minh 10 nước gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha, nhằm ứng phó các vụ tập kích của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.
Liên minh này sẽ thực hiện Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG), trong đó một số quốc gia sẽ điều tàu chiến thực hiện các cuộc tuần tra chung, số khác hỗ trợ tình báo ở nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Lực lượng 10 nước được thành lập trong bối cảnh Houthi gần đây thường xuyên phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tập kích các tàu hàng mà nhóm này cho là có liên hệ với Israel tại Biển Đỏ, thậm chí nhắm vào cả tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải ở khu vực, để thể hiện sự ủng hộ với Hamas trong cuộc chiến với Israel ở Dải Gaza.
Lầu Năm Góc ngày 19/12 cho biết lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 vụ tập kích trên Biển Đỏ từ đầu cuộc xung đột, trong đó 10 tàu hàng đã bị nhắm mục tiêu, gây ảnh hưởng tới hơn 35 quốc gia có liên hệ với các tàu này.
Động thái của Houthi khiến giá bảo hiểm cho tàu buôn đi qua Biển Đỏ tăng vọt. Hàng loạt hãng vận tải lớn trên thế giới như MSC, CMA CGM, Hapag-Lloyd, Euronav và A.P Moller-Maersk cũng đã thông báo ngừng cho tàu đi qua khu vực này vì lý do an ninh, gây tác động tiêu cực đến hoạt động giao thương quốc tế. Nhiều hãng đã cho tàu di chuyển vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, làm tăng đáng kể thời gian hành trình và chi phí vận chuyển.
Một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết nhiệm vụ chính của liên minh 10 nước là hộ tống tàu hàng qua Biển Đỏ và bắn hạ các UAV, tên lửa tập kích chúng.
"Các cuộc tấn công liều lĩnh của Houthi là vấn đề quốc tế nghiêm trọng, đòi hỏi phải có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định khi công bố thành lập liên minh.
Đáp lại, nhóm Houthi cáo buộc đây là động thái "quân sự hóa" Biển Đỏ để phục vụ cho lợi ích của Israel, đồng thời khẳng định lực lượng này chỉ nhắm mục tiêu vào tàu hàng có liên hệ với Tel Aviv. Mohammed al-Bukhaiti, phát ngôn viên lực lượng Houthi, cũng khẳng định liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không thể ngăn nhóm tiếp tục hoạt động quân sự ở vùng biển.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định liên minh OPG có thể giúp giảm mối đe dọa từ lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, ít nhất là trong ngắn hạn.
"Trong vài tuần qua, chiến hạm USS Carney của Mỹ đã chứng minh được năng lực đánh chặn UAV Houthi một cách hiệu quả. Tàu hàng trên Biển Đỏ sẽ được bảo vệ tốt hơn nữa sau khi các nước khác trong liên minh điều thêm lực lượng tới hỗ trợ", Sidharth Kaushal, chuyên gia hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay.
Mỹ trước đó đã điều hai tàu khu trục USS Carney và USS Mason đến Biển Đỏ để làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải. Các chiến hạm này được trang bị nhiều khí tài hiện đại, như radar, tên lửa phòng không và vũ khí đánh chặn tầm gần, có thể bắn hạ UAV và tên lửa của Houthi.
Tàu Carney hôm 17/12 đã đánh chặn 14 UAV tự sát phóng từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, một trong những loạt UAV lớn nhất bị hạ trên Biển Đỏ trong hai tháng qua. Đến nay, các vụ tập kích của Houthi ở Biển Đỏ chưa gây ra thiệt hại cho tàu Mỹ.
Dù vậy, về lâu dài, liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp tế về hậu cần, đạn dược nếu lực lượng Houthi tiếp tục duy trì tập kích với tần suất lớn, theo Kaushal.
"Các hệ thống phóng thẳng đứng trên tàu chiến thường không thể nạp đạn ở trên biển, mà phải quay về cảng để tiếp thêm vũ khí. Điều này về lâu dài sẽ trở nên rất tốn thời gian và tiền bạc", chuyên gia này cho biết.
Theo Fabian Hintz, chuyên gia về tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại London, nhóm Houthi sở hữu kho vũ khí lớn và đa dạng, phần lớn được cho là do Iran cung cấp.
Nhóm có ít nhất 10 loại tên lửa diệt hạm, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm bắn 500 km và tên lửa hành trình tầm bắn 800 km, cùng nhiều UAV tầm xa mang đầu đạn nặng hàng chục kg, đủ sức tấn công thường xuyên với số lượng lớn.
Mohammed Abdelsalam, nhà đàm phán hàng đầu của Houthi, ngày 19/12 tuyên bố nhóm sẽ tăng cường tập kích Biển Đỏ, có thể sẽ tấn công khu vực này "12 giờ một lần". Điều này sẽ khiến các tàu chiến trong Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng nhanh chóng cạn kiệt vũ khí đánh chặn nếu không có giải pháp để bổ sung đạn dược kịp thời.
Hải quân Mỹ tháng 10 năm ngoái cho biết đang thử nghiệm phương pháp nạp tên lửa cho tàu chiến ở trên biển, song không rõ phương pháp này đã được ứng dụng trên thực tế hay chưa.
Một nguồn thạo tin cũng nhận định liên minh sẽ không dễ tìm cảng gần Biển Đỏ để tiếp liệu và nạp đạn, trong bối cảnh Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng không nhận được sự ủng hộ công khai của các nước trong khu vực. "Liên minh chống Houthi ở Biển Đỏ cũng sẽ gặp vấn đề về đạn được giống như Ukraine", nguồn tin này nói.
Trong số 10 nước thành viên của liên minh, chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Đông là Bahrain. Ai Cập và Arab Saudi, hai nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực, đều không tuyên bố tham gia, dù Cairo là thành viên của Nhóm Chuyên trách (CTF) 153, lực lượng phối hợp do Mỹ dẫn dắt chuyên hoạt động ở khu vực Biển Đỏ. Ai Cập từng đảm nhiệm vai trò chỉ huy CTF 153 trong 6 tháng.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thực tế đã có 19 nước ký thỏa thuận tham gia Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng, song chỉ có 10 quốc gia được nêu tên. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận một số thành viên của liên minh tham gia dưới hình thức ẩn danh, song không tiết lộ thông tin cụ thể.
Điều này cho thấy nhiều quốc gia Trung Đông muốn hoạt động giao thương tại Biển Đỏ được thông suốt trở lại, song vẫn lo ngại liên minh quân sự như Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng có thể khiến xung đột tại khu vực leo thang, nên từ chối tham gia hoặc không công khai tư cách thành viên, theo Global Times.
"Khu vực Trung Đông có tình hình địa chính trị rất phức tạp và chỉ một hành động nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn", tờ báo của Trung Quốc nhận định.
Iran chưa đưa ra bình luận sau khi Mỹ công bố thành lập Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng, song Tehran trước đó đã phản đối gay gắt ý tưởng về một liên minh quân sự chống Houthi ở Biển Đỏ. "Nếu Mỹ và đồng minh đưa ra quyết định phi lý như vậy, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani hôm 14/12 cảnh báo.
Tehran khẳng định không liên quan đến các cuộc tập kích của Houthi ở Biển Đỏ, song nước này là bên hậu thuẫn chính của nhóm vũ trang tại Yemen. Mỹ trước đó kiềm chế trả đũa các vụ tập kích tàu hàng của Houthi, do lo ngại Iran và các lực lượng dân quân thân Tehran như Hezbollah ở Lebanon sẽ mở các mặt trận mới để ủng hộ đồng minh, khiến xung đột ở khu vực lan rộng. Đây cũng là điều mà các quốc gia Trung Đông lo sợ.
Dù vậy, tình hình sắp tới có thể thay đổi, trong bối cảnh chiến lược phòng thủ bị động của Mỹ được đánh giá là "thiếu hiệu quả", không thể khiến Houthi ngừng các đòn tập kích vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Việc thành lập liên minh 10 nước được cho là động thái của Mỹ nhằm chuẩn bị cho phương án đáp trả cứng rắn nhắm vào Houthi, song song với việc tăng cường bảo vệ cho tàu hàng đi qua vùng biển.
"Xây dựng liên minh quốc tế nhằm đối phó với các đợt tập kích nhằm vào tàu hàng sẽ giúp các đồng minh chia sẻ trách nhiệm và chi phí với Mỹ, cũng như xây dựng mặt trận tập thể nhằm triển khai sức mạnh đối phó với Houthi. Nếu cần tấn công đáp trả nhóm vũ trang, hoạt động này sẽ do liên minh thực hiện hoặc hỗ trợ", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway của Drive nhận định.
Chuyên gia Kaushal cũng cho rằng nếu tình hình ở Biển Đỏ thời gian tới vẫn căng thẳng, Mỹ và các thành viên khác của liên minh có thể sẽ tung đòn tập kích nhắm vào hạ tầng quân sự của Houthi để trả đũa, như từng làm hồi năm 2016. Nhóm vũ trang khi đó đã phóng tên lửa hành trình vào tàu Mỹ và Washington phản ứng bằng cách khai hỏa tên lửa Tomahawk phá hủy trận địa radar của lực lượng này.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc mới đây đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower từ Vịnh Ba Tư tới vùng biển ngoài khơi Yemen, để hỗ trợ trong trường hợp Mỹ quyết định tấn công Houthi.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Global Times cho rằng leo thang xung đột với Houthi không phải là phương án hữu hiệu để ngăn lực lượng này tiến hành các cuộc tập kích vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Thay vào đó, Mỹ cần tập trung giải quyết cốt lõi của vấn đề, bắt đầu bằng việc ngừng ủng hộ chiến dịch của Israel tại Dải Gaza, lý do khiến Houthi tung ra các đòn tập kích tàu hàng.
"Để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đỏ, không có giải pháp nào tốt hơn là thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel", tờ báo nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo Time, Reuters, Global Times)