Trong cuộc tấn công hiệp đồng vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, lực lượng vũ trang Hamas đã phóng khoảng 5.000 quả rocket và phương tiện bay không người lái (UAV), các thành viên nhóm này cũng được trang bị vũ khí cá nhân và đạn dược đầy đủ để tập kích.
Cuộc tấn công được phát động từ Dải Gaza, vùng đất có diện tích 365 km vuông nằm kẹp giữa Địa Trung Hải, Israel và Ai Cập.
Tel Aviv và Cairo đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối với Dải Gaza sau khi Hamas kiểm soát vùng lãnh thổ từ năm 2007, khiến dải đất này gần như bị tách biệt khỏi thế phần còn lại của thế giới. Lệnh phong tỏa bị Israel thắt chặt hơn nữa sau cuộc tấn công của Hamas cuối tuần qua.
Điều này đặt ra câu hỏi là Hamas đã làm cách nào để tích trữ được lượng vũ khí khổng lồ cho chiến dịch như vậy, trong bối cảnh bị bao vây, phong tỏa từ nhiều năm nay.
Giới phân tích cho hay nguồn cung vũ khí chính của Hamas nhiều khả năng đến từ Iran, quốc gia đã nhiều lần công khai bày tỏ sự ủng hộ với nhóm vũ trang. Ấn phẩm thường niên World Factbook của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết Hamas "nhận được một số viện trợ quân sự từ Iran", trong khi nhiều quan chức Mỹ nói lực lượng này đã được Tehran "hỗ trợ trong thời gian dài".
Giới chuyên gia cho rằng vũ khí Iran được đưa tới Dải Gaza thông qua hệ thống đường hầm bí mật xuyên biên giới, hoặc chở bằng đường biển qua Địa Trung Hải. Một số được vận chuyển dưới dạng linh kiện, sau khi tới nơi mới lắp ráp lại thành vũ khí hoàn chỉnh.
"Hệ thống đường hầm của Hamas vẫn rất đồ sộ và phức tạp, dù thường xuyên bị Israel và Ai Cập không kích phá hoại," Bilal Saab, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, Mỹ, cho biết, thêm rằng Iran không chỉ cung cấp khí tài trực tiếp cho Hamas mà còn đào tạo lực lượng này cách chế tạo vũ khí.
Theo Charles Lister, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI), Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã huấn luyện cho Hamas cách sử dụng vũ khí hiện đại trong hơn hai thập kỷ.
"Hamas là một bộ phận trong mạng lưới khu vực của Iran. Việc thường xuyên huấn luyện cho Hamas là nỗ lực của Tehran nhằm chuyên nghiệp hóa các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực", Lister nhận định.
Ali Baraka, thủ lĩnh cấp cao của Hamas tại Lebanon, cho hay Hamas đã mất hai năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Israel, thêm rằng Iran đã cung cấp "tiền và vũ khí" cho lực lượng này, dù không nói Tehran có liên quan tới vụ tấn công Israel cuối tuần qua hay không.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hồi đầu tuần bác bỏ cáo buộc Iran tham gia trực tiếp vào kế hoạch tấn công Israel của Hamas, nhưng tuyên bố nước này sẽ "tiếp tục hỗ trợ Dải Gaza". Mỹ và Israel cũng cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Tehran dính líu trực tiếp đến vụ tấn công.
Một nguồn cung vũ khí khác cho Hamas có thể tới từ Afghanistan. Một số báo cáo cho biết lực lượng vũ trang này đang sử dụng khí tài do Taliban cung cấp, trong đó có vũ khí chế tạo bởi Mỹ.
Nhà Trắng trước đó thừa nhận một lượng lớn vũ khí do Washington sản xuất đã rơi vào tay Taliban sau khi quân đội nước này rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 9/10 cáo buộc Hamas đã sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ cho Ukraine để tấn công Israel, song Kiev bác bỏ điều này.
Ngoài nguồn súng đạn tiếp nhận từ bên ngoài, Hamas cũng có khả năng tự sản xuất vũ khí. Giới chuyên gia cho hay những kiến thức thu được từ Iran có thể đã được các kỹ sư Hamas sử dụng để nâng cao năng lực tự sản xuất vũ khí.
Thủ lĩnh cấp cao Baraka cho hay Hamas đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất vũ khí ngay tại Dải Gaza. "Chúng tôi có nhà máy tại chỗ để sản xuất mọi thứ, kể cả rocket có tầm bắn 10-250 km. Chúng tôi cũng có nhà máy sản xuất súng cối, súng AK và đạn", Baraka tuyên bố.
Dải Gaza không có ngành công nghiệp nặng nào có thể hỗ trợ sản xuất vũ khí. Thay vào đó, Hamas tận dụng những gì còn lại từ các công trình đổ nát do bị Israel không kích làm nguyên liệu để chế tạo khí tài.
"Khi cơ sở hạ tầng ở dải Gaza bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel, những thứ còn lại như kim loại, cốt thép, dây điện được đưa tới các xưởng sản xuất của Hamas để chế tạo thành ống phóng rocket hoặc thiết bị nổ", Ahmed Fouad Alkhatib, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông Washington ở Mỹ, nói.
Alkhatib cũng cho biết bom, tên lửa bị lép của Israel cũng sẽ được tháo dỡ để lấy thuốc nổ và các bộ phận khác. "Israel đã gián tiếp cung cấp cho Hamas nguồn nguyên vật liệu vốn bị giám sát chặt chẽ hoặc cấm hoàn toàn tại Dải Gaza", ông nhận định.
Hiện chưa rõ nguồn vũ khí này có đủ trang bị cho các thành viên Hamas nếu Israel mở chiến dịch tấn công lớn vào Dải Gaza hay không. Hamas tuyên bố họ đang có 40.000 chiến binh bám trụ ở Gaza và sẵn sàng chiến đấu chống lại Israel tới cùng.
Phạm Giang (Theo CNN, NDTV)