Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/2 thông qua luật để đối phó Covid-19. Những bệnh nhân cố tình vi phạm quy định cách ly phải đối mặt với án tù một năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.300 USD). Chính phủ cũng có thể hạn chế xuất khẩu khẩu trang và chất khử trùng trong trường hợp thiếu hụt trong nước.
Một bệnh nhân 78 tuổi tại Seoul được xác định dương tính nCoV hôm 8/3 nhưng không khai báo bà đã nhiều lần đến tâm dịch Daegu sau khi có triệu chứng. Bệnh nhân vài lần cung cấp thông tin giả về nơi lưu trú, khiến giới chức gặp khó khăn khi xác định lộ trình và những người từng tiếp xúc với bà.
Một cặp vợ chồng Trung Quốc đang bị xử lý hình sự ở Singapore theo luật Bệnh Truyền nhiễm. Người chồng Hu Jun từ Vũ Hán đến Singapore ngày 22/1 để thăm người vợ Shi Sha. Hu Jun dương tính với nCoV ngày 31/1. Anh bình phục và ra viện ngày 19/2.
Hu Jun ngày 28/2 bị truy tố vì cung cấp thông tin sai lệch cho các quan chức Bộ Y tế về hoạt động di chuyển và nơi ở ngày 22-29/1. Vợ anh cũng bị truy tối tội cản trở giới chức y tế và không tự cách ly sau khi chồng dương tính với nCoV. Cô được yêu cầu cách ly tại nhà vào ngày 1/2 nhưng không thực hiện mà đến một khách sạn. Mặc dù cặp vợ chồng khai báo không thành thật, Bộ Y tế Singapore vẫn xác định được những người họ đã tiếp xúc thông qua các cuộc điều tra sâu hơn.
Singapore ghi nhận hơn 170 ca nhiễm, hơn 90 người bình phục. Theo Luật Bệnh truyền nhiễm của Singapore, tất cả cư dân phải hợp tác với giới chức y tế. Bệnh nhân Covid-19 hoặc bệnh truyền nhiễm khác sẽ được phỏng vấn về lịch sử đi lại. Theo một bác sĩ ở Singapore, các câu hỏi có thể bao gồm: "Bạn đã làm gì? Bạn đã đi đâu? Bạn đã gặp ai?". Giới chức Singapore cũng có thể dùng các video giám sát để kiểm tra thông tin mà người bệnh cung cấp.
Hu Jun và Shi Sha sẽ hầu tòa vào ngày 20/3. Người vi phạm luật Luật Bệnh truyền nhiễm có thể bị bỏ tù tới 6 tháng và phạt tới 10.000 USD.
Bộ Y tế Cộng hòa Czech từ ngày 7/3 yêu cầu mọi cư dân trở về từ Italy phải liên lạc với bác sĩ và tự cách ly trong 14 ngày. Có 16.500 công dân Czech tại Italy. Czech ghi nhận hơn 60 ca nhiễm nCoV, hầu hết có nguồn gốc từ Italy. Người vi phạm quy định cách ly có thể bị phạt tới 130.000 USD.
Arab Saudi từ ngày 9/3 áp dụng hình phạt tiền tới 500.000 riyal (133.000 USD) với những người không tiết lộ thông tin về tình trạng sức khỏe và lộ trình di chuyển khi nhập cảnh vào nước này.
Arab Saudi ghi nhận hơn 20 ca nhiễm. Một số người đã không tiết lộ họ từng tới Iran khi về Arab Saudi thông qua các quốc gia Arab khác ở vùng Vịnh. Arab Saudi đã ra lệnh cấm công dân tới Iran, nơi ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm, hơn 600 người tử vong.
Luật Bệnh truyền nhiễm của Phần Lan quy định người đã tiếp xúc với bệnh nhân hoặc trong diện nghi nhiễm phải tuân thủ yêu cầu cách ly. "Người không tuân thủ quy định có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tối đa ba tháng theo bộ luật hình sự", Liisa Katajamäki, cố vấn cấp cao tại Bộ Y tế và Xã hội Phần Lan, nói.
Tại Việt Nam, điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm hoặc làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch sẽ bị phạt từ một đến hai triệu đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hơn, người nào biết mình mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch có thể bị xử lý hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015; mức phạt từ 1 đến 5 năm tù hoặc phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng.
Phương Vũ (Theo Nikkei/Straits Times)