Khi lãnh đạo các nền kinh tế toàn cầu tuần trước tụ họp ở Davos, Thụy Sĩ, quan chức Nga đã không góp mặt. Nga không được chào đón tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong khi đại diện của Ukraine như Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska phát biểu trong căn phòng chật cứng người tham dự.
Hình ảnh này mang tính biểu tượng rõ ràng. Cuộc chiến ở Ukraine suốt 11 tháng qua đã khiến Nga bị phương Tây quay lưng, với loạt lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu chưa từng có, nhằm cô lập nước này khỏi nền kinh tế toàn cầu và cắt nguồn thu của Moskva dành cho cuộc chiến.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện nay là liệu các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây có thực sự hiệu quả hay không, khi Nga tới nay chưa có dấu hiệu chùn bước.
Tổng thống Putin đầu tuần trước công bố bức tranh tươi sáng về kinh tế Nga dựa trên dữ liệu mới của chính phủ. "Động lực thực sự của nền kinh tế hóa ra tốt hơn nhiều dự báo của các chuyên gia", ông nói hôm 16/1.
Dẫn dữ liệu từ Bộ Phát triển Kinh tế, ông Putin nói GDP của Nga đã giảm từ tháng 1 đến tháng 11/2022, nhưng mức giảm chỉ khoảng 2,1%, trong khi một số chuyên gia của Nga lẫn nước ngoài đã dự đoán mức giảm 10-20%.
Theo Tổng thống Putin, các tính toán ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga đã giảm 2,5% trong cả năm 2022, tốt hơn đáng kể so với mức giảm 33% của Ukraine. "Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ và củng cố xu hướng tích cực này", ông nói.
Đối với nhiều người ngoài nước Nga, những con số này gây bất ngờ. Quy mô đòn trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga từ ngày 24/2 là chưa từng thấy đối với bất kỳ quốc gia nào, nhưng dữ liệu mà Nga công bố cho thấy hiệu quả của chúng ít hơn kỳ vọng. Ông Putin có thể không tham gia WEF ở Davos, nhưng Nga không hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Dù dữ liệu của Nga có thể còn một số sai sót, nhiều người sống ở Nga hoặc đến thăm Nga gần đây cho biết cuộc sống ở nước này vẫn diễn ra bình thường, ngay cả khi McDonald's không còn và được thay thế bằng thương hiệu địa phương.
Alexander Titov, giảng viên trường Queen’s University Belfast ở Bắc Ireland, cho rằng nền kinh tế Nga đang chứng kiến sự gián đoạn, nhưng nó nhẹ nhàng hơn cả những gì xảy ra hồi đầu đại dịch. "Không có sự thiếu hụt, thậm chí với cả những mặt hàng phương Tây như rượu whisky. Các kệ siêu thị luôn đầy đồ", ông viết.
Nhưng điều này không đồng nghĩa các biện pháp trừng phạt hoàn toàn không hiệu quả, theo Adam Taylor, nhà phân tích của Washington Post.
"Những biện pháp trừng phạt của phương Tây không nhằm khiến các chai rượu Johnnie Walker biến mất khỏi kệ hàng ở St. Petersburg. Chúng được tung ra nhằm cản trở cuộc chiến của Nga ở Ukraine", Taylor nhận xét.
Catherine Belton và Robyn Dixon, trong bài bình luận trên Washington Post cuối năm ngoái, cho biết các lệnh trừng phạt "làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu trang thiết bị quân sự và cản trở khả năng phát động tấn công, cũng như năng lực chế tạo tên lửa mới".
Taylor thừa nhận sức nặng của các biện pháp trừng phạt đã suy giảm khi Nga có nguồn doanh thu lớn từ xuất khẩu năng lượng. Nhưng khi ông Putin cố gắng sử dụng năng lượng như một vũ khí để gây áp lực và trừng phạt châu Âu, sức mạnh của chúng đã bị suy giảm. Mức trần mới với năng lượng Nga sẽ sớm hiệu lực và dự kiến cản trở xuất khẩu của Moskva hơn nữa.
"Nga vẫn là một cường quốc năng lượng, nhưng vai trò của họ đã thay đổi đáng kể. Nga sẽ có thị phần dầu khí nhỏ hơn, họ sẽ kiếm được ít lợi nhuận hơn và cũng mất một số đòn bẩy chính trị", Vladimir Milov, cựu thứ trưởng năng lượng Nga hiện sống ở nước ngoài, nói.
Điều này có nghĩa nguồn thu của Nga trong thời gian tới sẽ ít hơn, trong khi chi tiêu tăng vọt do cuộc chiến ở Ukraine. Moskva đã công bố thâm hụt ngân sách 47,3 tỷ USD trong năm 2022, tương đương khoảng 2,3% GDP, biến đây thành một trong những năm tài khóa tồi tệ nhất trong lịch sử Nga.
Mức thâm hụt này thấp hơn Mỹ, nhưng Nga không có loại tiền tệ được sử dụng toàn cầu như đồng đôla Mỹ. Do đó, họ không thể in thêm tiền mà không hứng chịu hậu quả. Các biện pháp trừng phạt của Nga với công dân Mỹ cho thấy Nga không có nhiều đòn bẩy trong nền kinh tế thế giới, ngoài sức mạnh từ dầu khí, theo Taylor.
"Nhìn về tương lai xa, mọi thứ không màu hồng với nền kinh tế Nga", Taylor cảnh báo.
Chuyên gia này thêm rằng ông Putin có thể đúng khi nói rằng nền kinh tế Nga trong năm 2022 không tồi tệ như dự đoán, nhưng ông sẽ sai nếu cho rằng xu hướng này tiếp tục trong năm tới.
"Quỹ đạo có thể đi theo chiều hướng khác. Các biện pháp trừng phạt có thể tác động mạnh mẽ hơn, doanh thu dầu khí sẽ giảm và thâm hụt sẽ lớn hơn, trong khi nguồn lực trên chiến trường bị dàn mỏng", Taylor cho hay. "Điều này xảy ra với tốc độ như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ kiên trì của phương Tây trong thực thi các lệnh trừng phạt".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)