Achmad Yurianto, quan chức Bộ Y tế Indonesia, cho biết nước này ghi nhận thêm 20 người chết do nCoV, đưa tổng số ca tử vong vì dịch bệnh trên cả nước lên 78. Yurianto nói thêm 35 trường hợp nhiễm bệnh đã hồi phục, 780 bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị, không có ca nào nguy kịch.
Indonesia hiện ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong do nCoV ở nước này là 8,7%, gần gấp đôi mức trung bình 4,4% toàn thế giới. Nhiều chuyên gia lo ngại hệ thống y tế Indonesia có nguy cơ "sụp đổ" do thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc đặc biệt.

Nhân viên y tế Indonesia hỗ trợ xét nghiệm nCoV hàng loạt tại sân vận động Patriot ở Bekasi, Tây Java hôm 25/3. Ảnh: AFP.
Thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 23/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần nhằm ứng phó sự lây lan của Covid-19. Chính quyền thành phố đóng cửa tất cả rạp chiếu phim, ngừng các hoạt động giải trí công cộng. Ngoài Jakarta, Đông Java cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19.
Tuy nhiên, Tổng thống Widodo từ chối áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, do lo ngại về tác động đối với các doanh nghiệp và người nghèo, trong đó có rất nhiều người bán hàng rong trên phố.
Covid-19 đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 470.000 người nhiễm, hơn 21.000 người chết. Tại Đông Nam Á, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Malaysia, với hơn 2.000 ca nhiễm, 23 trường hợp tử vong.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)