Chia sẻ với VnExpress chiều 24/5, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định SEA Games 31 đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn.
Lợi thế của chủ nhà là có thể đưa vào nội dung thi các môn truyền thống của mình, tuy nhiên theo ông Hùng, Việt Nam không làm như vậy. Thực hiện chỉ đạo tổ chức kỳ SEA Games trên tinh thần trong sáng, cao thượng, Việt Nam trong các lần họp, trình với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á về dự kiến số bộ môn, bộ huy chương, luôn tôn trọng và tập trung vào bộ môn thi đấu của Asiad, Olympic, hạn chế tối đa bộ môn nước chủ nhà có lợi thế như thông lệ các kỳ SEA Games. Vì thế các nước "tâm phục khẩu phục", thông qua điều lệ và đăng ký hưởng ứng.
Kết quả là trong 205 HCV Việt Nam đạt được, hơn 120 HCV thuộc các môn thể thao Olympic (riêng số này đã nhiều hơn tổng số HCV Thái Lan đạt được). "Số HCV Việt Nam đạt được phá sâu kỷ lục 194 HCV mà Indonesia lập năm 1997 là hoàn toàn khách quan. Đó là quá trình tích lũy, chuẩn bị về chất để có về lượng, chứ không phải là chuyển lượng thành chất", ông Hùng nói.
Có được kết quả đó, ngoài việc nỗ lực tập luyện và tinh thần quyết tâm, các vận động viên Việt Nam còn có lợi thế sân nhà. Khi thi đấu trong nước, vận động viên hiểu về địa hình địa vật, dễ dàng làm quen với điều kiện thời tiết, đồng thời gần gũi gia đình và nhận được sự động viên lớn. "Thi đấu mà có chồng con, bố mẹ đứng bên cạnh cổ vũ, mỗi vận động viên sẽ thấy ấm lòng và càng nỗ lực hơn, cố gắng đạt thành tích cao nhất", ông giải thích.
Chuẩn bị tổ chức đại hội trong bối cảnh cả nước và các quốc gia trong khu vực chưa kiểm soát được Covid, Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất vì điều kiện nguồn lực, thời gian có hạn. Nhiều địa phương vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoàn thành tiến độ cải tạo cơ sở vật chất.
"Số tiền chi cho SEA Games khá khiêm tốn, song chúng tôi đã làm có trọng tâm, trọng điểm, nên nhiều nơi đạt chuẩn quốc tế, ví dụ trường bắn, cụm sân quần vợt, nhà thi đấu bi sắt...", ông Hùng nói và cho biết các trưởng đoàn, quan khách, trọng tài khu vực và quốc tế đánh giá cao nỗ lực tổ chức của Việt Nam.
Trong thời gian diễn ra SEA Games 31, bạn bè quốc tế chứng kiến hình ảnh Việt Nam đã kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, một Việt Nam thân thiện với những khán đài dậy sóng khán giả. Hàng nghìn cổ động viên Nam Định kéo đến sân Thiên Trường cổ vũ cho các đội dù không có U23 Việt Nam thi đấu. Hơn 40.000 khán giả trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình trong đêm chung kết bóng đá nam cũng là thông điệp gửi gắm đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung rằng Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống đã an toàn trở lại.
"SEA Games không phải chỉ thể thao mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua gần 10.000 vận động viên, trọng tài đến từ các nước. Họ sẽ là người lan tỏa những điều tốt đẹp, giúp Việt Nam tăng lượng khách quốc tế trong thời gian tới", lãnh đạo ngành văn hóa thể thao nói.
Đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 31 cũng là điều Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tự hào. Lực lượng chức năng đã thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tại 12 địa phương tổ chức các môn thi đấu.
Đơn cử tại Hà Nội, cảnh sát giao thông đã có nhiều phương án phân luồng, đặc biệt tại ngã tư Lê Quang Đạo - Mễ Trì, một trong những điểm thường xuyên ùn tắc trong khung giờ cao điểm tại khu vực sân vận động Mỹ Đình. Phương án phân luồng ở một số tuyến đường phục vụ đón, tiễn đoàn thể thao các nước đến Việt Nam về các khách sạn cũng được thông báo trước để người dân và chủ các phương tiện có hướng di chuyển hợp lý.
Phòng Cảnh sát Giao thông công an Hà Nội cùng với Trung đoàn Cảnh sát Cơ động đã phối hợp với công an các quận nội thành triển khai các chốt, tuần tra tại những tuyến đường quan trọng, điểm công cộng tập trung đông người. Các lực lượng cũng tổ chức chống đua xe, lạng lách đánh võng; công an các huyện, thị xã ngoại thành chủ động tuần tra, ngăn chặn lợi dụng cổ vũ bóng đá để càn quấy, vi phạm pháp luật...
"Thành công của SEA Games 31 không chỉ thể hiện ở sự nỗ lực, cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam, sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực, mà còn là bài ca về tính trung thực, cao thượng, là minh chứng cho một tương lai phát triển tốt đẹp của thể thao khu vực", ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó trả lời báo chí, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, khẳng định Việt Nam đã thi đấu sòng phẳng, không có chuyện đưa các môn thế mạnh vào, loại các môn thế mạnh của quốc gia khác. "Thành tích là của vận động viên, không phải của lãnh đạo sắp xếp. Không thể có chuyện họ xứng đáng giành huy chương vàng mà lại bị tác động để chỉ huy chương bạc. Làm thể thao, chúng tôi không thể làm thế được", ông Phấn nói.
Sau 17 ngày tranh tài, Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 đã khép lại vào tối 23/5. Ban tổ chức đã trao 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 huy chương vàng, 522 huy chương bạc và 712 huy chương đồng; với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 huy chương vàng, phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.