- Theo ông, điều gì là ấn tượng nhất tại SEA Games 31?
- Trước khi SEA Games 31 diễn ra, ai cũng nghĩ sau đại dịch Covid-19 thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn, cả mặt tổ chức, chuyên môn cũng như sự ủng hộ của người dân. Nhiều người hỏi tôi rằng Covid-19 như vậy mà tổ chức thì liệu có thành công không? Người hâm mộ có đến xem được không? Nhưng đúng như dự báo, SEA Games 31 đã mở cửa cho người dân vào xem, khi dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát.
Ấn tượng nhất ở SEA Games năm nay là sự ủng hộ của người dân. Các nhà thi đấu, sân vận động đều đầy ắp khán giả. Nhiều nhà thi đấu thậm chí không thể cho thêm người vào xem vì quá tải. Trên sân Thiên Trường (Nam Định), có trận đấu phải đóng cửa sớm, giống Mỹ Đình, bởi người dân đến sân quá đông dù đó chỉ là trận đấu giữa các quốc gia khác, không có Việt Nam. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa điểm tổ chức phải tạo điều kiện cho người dân vào xem. Nếu hết chỗ thì ngồi bậc thềm. Các địa phương cũng không bán vé. Chúng tôi vô cùng bất ngờ vì người dân đến sân rất nhiều. Thể thao đã đi vào cuộc sống và sinh hoạt của tất cả người dân Việt Nam.
- Đoàn thể thao Việt Nam đề ra chỉ tiêu 140 HC vàng, nhưng thực tế giành 205 HC vàng, nhiều hơn đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 113 HC vàng và phá sâu kỷ lục 194 HC vàng mà Indonesia lập năm 1997. Vì sao Việt Nam vượt chỉ tiêu nhiều như vậy?
- SEA Games 31 được tổ chức với 40 môn, gồm 523 nội dung. Theo nhận định ban đầu của ban tổ chức, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra còn có hai quốc gia mạnh ở một số môn Olympic nữa là Malaysia và Singapore. Vì vậy, việc giành tới 205 HC vàng gây bất ngờ.
Thực tế, chúng tôi đã rà soát kỹ lực lượng, đánh giá có thể giành từ 140 đến 185 HC vàng. Tôi phát biểu chỉ tiêu 140 HC vàng vì xác suất an toàn. Bởi với chừng đó HC vàng, Việt Nam đã có thể nhất toàn đoàn, tệ lắm là thứ hai. Nhưng bất ngờ là khi vào giải, một số VĐV toả sáng. Thêm nữa, nhiều VĐV của các môn SEA Games trước không có trong nội dung tranh tài thì lần này được góp mặt, thi đấu xuất sắc và giành thành tích tốt. Ví dụ như SEA Games 30 ở Philippines, chúng tôi trao đổi mãi với chủ nhà nhưng boxing chỉ có vài nội dung. Vovinam được đưa vào nhưng vỏn vẹn bốn nội dung. Lần này thì khác, tất cả VĐV của Việt Nam đều được tranh tài.
Trưởng đoàn của các quốc gia nói do Covid-19, VĐV của họ có sự ngắt quãng. Chúng ta thì không như thế, VĐV được đầu tư suốt hai năm qua, chỉ là không được tập huấn thi đấu ở nước ngoài.
- Tại SEA Games, thường có tình trạng chủ nhà đưa các môn thế mạnh vào thi đấu, gạt sở trường của các quốc gia khác, nhằm chiếm vị trí nhất toàn đoàn. Vậy ở SEA Games 31, tình trạng này thế nào?
- Việt Nam lần đầu tổ chức SEA Games vào năm 2003 giành 158 HC vàng, năm nay là 205 HC vàng. Nhưng lần này chúng ta thi đấu sòng phẳng, không có chuyện đưa các môn thế mạnh vào, loại các môn thế mạnh của các quốc gia khác. Lợi thế của Việt Nam khi thi đấu trên sân nhà chỉ là khán giả. Rất nhiều người hâm mộ tới xem và cổ vũ cho các VĐV, thậm chí bố mẹ, gia đình từ xa xôi cũng tới. Nhờ đó, các VĐV Việt Nam thi đấu tốt hơn.
Có nhiều người hỏi tôi vì sao Việt Nam giành nhiều HC vàng thế? Sao không nhường các quốc gia khác vài cái? Giành nhiều thế rồi ai chơi cùng? Rồi Campuchia là chủ nhà SEA Games 32 mà Việt Nam để họ giành được ít HC vàng thì liệu họ có vui không? Tôi xin khẳng định rằng thành tích là của VĐV, không phải của lãnh đạo sắp xếp. Các VĐV cứ thi đấu hết mình và giành huy chương nếu có thể. Không thể có chuyện họ xứng đáng giành HC vàng mà lại bị tác động để chỉ HC bạc. Làm thể thao, chúng tôi không thể làm thế được.
Không có bất kỳ trưởng đoàn nào bức xúc trong tất cả các cuộc họp. Họ đều đánh giá Việt Nam thành công về tổ chức và chuyên môn. Duy nhất một lần Indonesia phàn nàn về trọng tài trong trận đấu pencak silat gặp Malaysia. Tôi nói với họ rằng trọng tài, quan chức mời đến đều là quốc tế, không phải của Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về màn thể hiện của nhóm VĐV Việt Nam ở các môn Olympic?
- Các VĐV này thi đấu tốt, cơ bản đạt 80% yêu cầu. Điền kinh là điển hình. Họ được giao chỉ tiêu giành 11 HC vàng. Nhưng tôi đã trao đổi riêng, nói đánh giá phải giành được từ 19 đến 21 HC vàng. Lãnh đạo bộ môn này cười nói "Sếp giao thế khó quá, sợ không đạt được". Nhưng rồi họ giành 22 tấm HC vàng và đứng đầu về môn này. Judo cũng gây bất ngờ khi giành tới chín HC vàng.
- Vậy môn nào của Việt Nam được đầu tư trọng điểm nhưng không thành công?
- Bắn cung được đưa vào chiến lược nhưng không đạt được HC vàng nào. Hôm qua 22/5, tôi đã yêu cầu bắn cung tập trung và thảo luận, tìm ra lý do tại sao như vậy. Chúng tôi đầu tư cho bắn cung để hướng tới đấu trường Olympic. Họ được kỳ vọng đoạt một số HC vàng lần này nhưng không được. Phải tìm bằng được nguyên nhân thì mới có giải pháp thực hiện cải thiện.
- Việt Nam thành công như vậy ở SEA Games, nhưng liệu khi ra sân chơi Asian Games có thể giành bao nhiêu HC vàng?
- Trong kế hoạch được xây dựng từ trước, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cho một nhóm khoảng 30 VĐV, để lấy hiện tại và chuẩn bị cho tương lai là Olympic 2024. Nhưng Trung Quốc đã hoãn Asiad, chúng tôi cũng chưa biết thời gian và địa điểm tổ chức bù ở đâu.
Hiện tại kiếm VĐV có thể đi Olympic rất khó khăn. Nguyễn Huy Hoàng (bơi) được nhắm tới cho Asiad nhưng đạt được HC vàng Olympic là quá khó khăn. Cậu ấy từng đoạt HC vàng ở Olympic trẻ nhưng lên Olympic cho người lớn lại rất khác. Các môn đối kháng, như võ thuật, ra sân chơi Asiad cũng rất khó lấy HC vàng, Olympic càng không có cửa. Vật của Việt Nam mạnh như thế, lấy vàng ở SEA Games dễ dàng, nhưng ra Asiad không là gì, ra Olympic càng không. Nhìn chung, Việt Nam hoàn toàn có thể lấy được 10 HC vàng Asiad nếu đầu tư tốt. Tuy nhiên, nguồn lực Chính phủ dành cho thể thao còn hạn chế.
Lâm Thoả