-
7h00
Mekong Startup lần hai hút nhiều sáng kiến nông nghiệp
Diễn đàn Mekong Startup lần II năm 2024 với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển" diễn ra 15-16/11 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp.
Sáng 16/11 là phiên toàn thể "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Các chuyên gia sẽ trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh đồng bằng sông Cửu Long.
Sự kiện đón nhiều lãnh đạo từ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Khoa học - Công nghệ... Cùng đó là lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng hàng trăm diễn giả, đại diện doanh nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.
Trong ngày đầu 15/11, chương trình giới thiệu các mô hình, sản phẩm, công nghệ giảm phát thải, chuyển đổi xanh lĩnh vực đặc thù tại đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến là chung kết "Sáng kiến Mekong 2024" - cuộc thi tôn vinh những đơn vị đã hình thành năng lực chuyển đổi và loạt mô hình chuyển đổi gắn yếu tố đổi mới sáng tạo. Buổi chiều 13h30-17h là ba tọa đàm "Kết nối - Vươn xa" - gắn kết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm ở ĐBSCL với loạt startup, SMEs, tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyên gia, đoàn viên, thanh niên...
Tọa đàm một có chủ đề "Các mô hình Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL", ông Guenther Reinhard Meyer - Quản lý dự án VN-ADAPT, tổ chức SNV Việt Nam - trình bày tham luận "Cơ hội, thách thức hiện hữu trong phát triển nông nghiệp xanh tại ĐBSCL và không gian cho các mô hình đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh".
Tọa đàm hai với chủ đề "Sáng kiến Du lịch xanh Mekong", Tiến sĩ Dương Đức Minh - Viện phó Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP HCM - nêu quan điểm trong tham luận "Cơ hội, thách thức hiện hữu trong phát triển du lịch xanh tại ĐBSCL và 'không gian' cho các đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh". Tọa đàm ba dành cho đoàn viên, thanh niên với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0".
-
7h15
Kinh tế xanh - động lực mới cho ĐBSCL
Sáng 16/11, tại hội trường chính diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Các chuyên gia sẽ trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ĐBSCL.
Sự kiện có sự tham dự của ôngHuỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp; ôngPhạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp...
Buổi thảo luậnđược kỳ vọng là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công lẫn tư nhân; kết nối, hợp tác trong nước, quốc tế; thúc đẩy, gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với mô hình kinh doanh truyền thống của vùng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp và kinh tế ĐBSCL.
Bên ngoài sự kiện là không gian triển lãm với hàng trăm gian hàng (booth) để doanh nghiệp địa phương, nhà tài trợ giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
-
7h30
Các dấu ấn của Mekong Startup
Với vị trí là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, ĐBSCL có hoạt động kinh tế phong phú, cộng đồng doanh nghiệp phát triển, phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ với những dấu ấn rõ nét. Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đứng đầu cả nước và là sản phẩm xuất khẩu chủ lực quốc gia, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp.
Chính vì thế, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh là vô cùng cấp bách, đặc biệt với việc xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế toàn vùng. Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL nhằm thảo luận, chia sẻ các giải pháp góp phần giải quyết bài toán đó.
Sau Mekong Startup lần một năm 2022, nhiều hoạt động đã được thực hiện gắn với các cam kết đưa ra tại diễn đàn. Điển hình như Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được ban hành và thực hiện thí điểm, các địa phương trong khu vực cũng triển khai các kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh... Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát triển xanh.
Tiếp nối những thành tựu từ Mekong Startup lần 1, Mekong Startup được triển khai, hiện thực hóa những cam kết của Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL trong định hướng phát triển bền vững. Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh trong khu vực ĐBSCL thực hiện mô hình phát thải thấp. Nhiều mô hình phát triển xanh đã được triển khai trên toàn tỉnh.
-
8h30
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao mô hình dùng AI bảo vệ rừng
Trước khi bước vào phiên hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cùng Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cơ quan ban ngành tham quan các gian hàng triển lãm.
Bộ trưởng đánh giá các ý tưởng có nhiều tính thực tiễn, điển hình như mô hình ứng dụng AI để bảo vệ rừng. "Ý tưởng hay", ông nhận xét, thêm rằng nếu được phát triển bài bản sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho khu vực. Điểm đặc biệt, mô hình phát triển bởi nhóm học sinh, giáo viên tại Hồng Ngự. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng khích lệ các em học sinh, gợi ý về việc mang mô hình này đến các cuộc thi quốc gia, quốc tế.
Ý tưởng ứng dụng AI, Big data để nhập liệu các yếu tố về cấu phần đất, quản lý giống cây trồng, theo dõi điều kiện thời tiết, biến động khí hậu, các yếu tố biến thiên để phòng cháy rừng cũng nhận đánh giá cao.
Đến gian hàng khác, ông Huỳnh Thành Đạt trải nghiệm giày gắn chip NFT để quản lý trực tiếp về bước chạy, nhịp tim... Bộ trưởng nhận xét đây cũng là ý tưởng hay, mang tinh thần đổi mới sáng tạo từ Run together (Cần Thơ).
Các gian hàng khác trưng bày những sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Đồng Tháp như khăn, ống hút làm từ sen, củ sen sấy, công nghệ sấy lạnh... Một số trái cây như bưởi da xanh, xoài An Giang trồng bằng mô hình kiến vàng, thể hiện tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp. Đoàn tham quan bày tỏ sự quan tâm đến những gian hàng sản phẩm chế biến từ nông sản như nấm đông trùng hạ thảo khô, cà phê dừa, bánh tráng nước cốt dừa. Ở mỗi quầy, các đại biểu đều gửi lời động viên về tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của các đơn vị.
-
8h45
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Kinh tế xanh là trụ đỡ cho toàn vùng
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup 2024, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đây là diễn đàn thường niên hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công - tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố và tạo dấu ấn riêng cho vùng.
Nhắc lại Diễn đàn Mekong Startup 2022 với chủ đề Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", ông Trần Thanh Nam cho rằng sự kiện đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
"Đến nay, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đem lại nhiều giá trị giúp nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Minh chứng cho bước ngoặt này, ông liệt kê các mô hình sinh thái đã được triển khai thành công, hiệu quả ở các địa phương như: mô hình tôm lúa ở Cà Mau; trồng lúa chất lượng cao với đề án một triệu ha lúa gắn với phát thải xanh ở 12 tỉnh ĐBSCL... Song song đó là sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2025, do chính phủ phát động.
Theo ông Nam, ĐBSCL hiện đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Sự thay đổi này đã làm thay đổi xu thế tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Thứ trưởng khẳng định: "Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là chiến lược được ưu tiên hàng đầu".
Theo đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin... ở ĐBSCL sẽ là cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân khu vực. Những dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái, logistics... cũng góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển trong tương lai.
Diễn đàn lần hai với chủ đề "Kinh tế xanh - động lực mới cho phát triển" 2024 được tổ chức với quy mô đổi mới, hướng đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là lời giải cho những định hướng kinh tế đặc thù, tối ưu hợp tác nguồn lực các bên.
Ông Nam cho biết trước thềm diễn đàn, ban tổ chức đã triển khai nhiều nhóm hoạt động trọng tâm, hỗ trợ phát huy vai trò, vị trí, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu đón đầu xu thế phát triển của thế giới. Ông tin và kỳ vọng rằng diễn đàn sẽ giúp tạo bước ngoặt quan trọng giúp Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL cùng xây dựng nền tảng hợp tác, đối thoại công tư, sáng tạo đổi mới.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi lời cám ơn đến các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước vì đã luôn đồng hành cùng diễn đàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển bền vững.
-
9h00
Nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ tạo nền tảng chuyển đổi xanh
Chương trình bước vào phần đề xuất sáng kiến, giải pháp phát triển Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL. Mở đầu là phần trình bày của ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123, Chủ dự án "Nâng cao giá trị trái tắc, trái bưởi và trái mãng cầu xiêm" - Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024.
Công ty là nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm trái cây sấy dẻo như tắc sấy dẻo, mãng cầu sấy dẻo, vỏ bưởi sấy dẻo, gừng sấy dẻo... cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Với vai trò là chủ doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng phát triển kinh doanh, còn phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giảm tác động khí hậu và nâng cao sức khỏe con người. Tuy nhiên, để thực hiện xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi phải hiểu biết nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ mà đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, rất cần sự tư vấn và hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các quỹ đầu tư.
Từ đó, ông nêu ba kiến nghị để thúc đẩy nông nghiệp, khởi nghiệp xanh.
Thứ nhất là cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Ông Viễn cho biết doanh nghiệp đã nghĩ tới việc tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam/thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ, đầu và vỏ tôm chiết xuất ra các chất rất giá trị cho công nghiệp dược phẩm... Tuy vậy, vẫn là những mô hình nhỏ, lẻ, các doanh nghiệp còn hoạt động đơn độc. Rất cần sự quyết tâm và ủng hộ lớn của các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan để hai chữ "tuần hoàn" có kết quả cụ thể theo từng năm, theo từng tỉnh, từng loại hình cây, con... trở thành xu hướng mới bứt phá cho ngành nông nghiệp ĐBSCL.
Thứ hai, chú trọng hơn trong đầu tư các hạ tầng mềm đặc biệt ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp. Theo đó, việc đầu tư hạ tầng cứng như điện đường trường trạm là vấn đề thiết yếu lâu nay nhưng bối cảnh chuyển đổi xanh kết hợp chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc sử dụng các thiết bị và công nghệ để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng của đất, giúp quản lý hiệu quả hơn lượng nước và phân bón và nhiều mô hình ứng dụng khác là điều rất cần các cấp quan tâm để có phân bổ đầu tư hợp lý. Giá trị của việc đầu tư này không chỉ giúp ích cho quá trình quản trị của nhà nước mà còn cho DN chúng tôi những dự báo, khuyến nghị canh tác, nuôi trồng phù hợp.
Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Thách thức đặt ra là chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không phải điều dễ dàng, nhất là khi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu ngày càng khắt khe.
"Chúng ta không thể chuyển đổi lớn nếu không có cùng nhận thức, không có hiểu biết đủ", ông Viễn nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp và cũng tốn kém đầu tư, nhưng thực tế, rất nhiều mô hình đã được thí điểm, thử nghiệm, vận hành ở các nước khác, vùng khác, doanh nghiệp khác... Việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin lẫn nhau hết sức cần thiết trong bối cảnh này.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, doanh nghiệp cũng đề nghị một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước để hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh có nhiều cơ hội.
-
9h10
Muốn thúc đẩy sáng kiến xanh cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Tiếp lời ông Viễn, bà Cao Thị Cẩm Nhung, người sáng lập thương hiệu Lemit foods, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Thực phẩm sáng tạo (Hậu Giang), nêu những thách thức và kiến nghị thúc đẩy nông nghiệp xanh.
Bà Nhung cho biết dự án mà bà phát triển đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đặc biệt là trái mít. Việc chế biến mít thành các sản phẩm thay thế thịt tạo ra giá trị cho nông sản, góp phần giải quyết tình trạng dư thừa mít, ổn định thu nhập cho người nông dân.
Theo bà Nhung, dự án này đã đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh mới cho nông nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm thịt từ mít cho thấy nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc sản xuất nông sản thô, còn có thể phát triển thành những ngành công nghiệp chế biến hiện đại, mang lại giá trị cao.
"Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh như Lemitfoods và góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía", bà Nhung nói.
Theo đó, bà đề xuất các giải pháp. Đầu tiên về khía cạnh chính sách, trong các vòng tọa đàm trước thềm Diễn đàn chính thức, nhiều ý kiến đề cập tới các ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh. Đây là những nội dung cần thiết trong giai đoạn đầu cần thúc đẩy chuyển đổi. Bà Nhung mong muốn cơ chế hỗ trợ hình thành các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp hay Trung tâm trợ giúp khởi nghiệp xanh để giúp doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi xanh. Bên cạnh đó, rất cần xây dựng khung pháp lý hay tiêu chuẩn rõ ràng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Ở khía cạnh hỗ trợ tiếp cận vốn, hiện các ngân hàng còn chưa thực sự phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, cho vay xanh nên muốn đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo gắn với kinh tế xanh thì rất cần đẩy mạnh các dòng tín dụng xanh. Kiến nghị được nêu ra là các cấp chính quyền chuyển đổi một phần các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa thành các quỹ đầu tư chuyên biệt dành cho các dự án khởi nghiệp xanh, thu hút thêm các quỹ đầu tư uy tín khác của quốc tế và trong nước.
Đối với bài toán nâng cao nhận thức cần triển khai hoạt động nâng cao nhận thức duy trì thường xuyên, định kỳ . Các cơ quan trung ương, chính quyền có thể tạo ra các chương trình khuyến khích các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng sản phẩm xanh tương tự như chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" .
"Có như thế, nhận thức mới lan tỏa nhanh và hiệu quả để tạo ra thị trường cho các dòng sản phẩm mới", bà Nhung nhấn mạnh.
Về xây dựng cộng đồng khởi nghiệp xanh, ý tưởng hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong và các Nhóm công tác xanh là sáng kiến thiết thực trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay. Có con người đồng lòng và quyết tâm, việc dù khó rồi cũng sẽ có cơ hội đi tới đích. Bà Nhung nêu kiến nghị về cách vận hành các nhóm công tác này phải mới, phải hiệu quả thiết thực, mong các cấp lãnh đạo cho phép gắn kết mạng lưới này vào các bài toán lớn quốc gia, các đề án quan trọng về Đề án một triệu ha lúa, đề án chống biến đổi khí hậu hay nhiều đề án, dự án khác để doanh nghiệp có thể lớn lên cùng các mục tiêu quốc gia và cấp vùng.
"Tôi kỳ vọng cộng đồng khởi nghiệp ĐBSCL sẽ ngày càng phát triển và có cơ hội vươn mình thành các thương hiệu nông sản xanh của Việt Nam trên bản đồ thế giới", bà Nhung nói.
-
9h20
Bến Tre xúc tiến mô hình du lịch bền vững
Nối tiếp bà Cao Thị Cẩm Nhung từ Lemit Foods là phần giới thiệu mô hình du lịch cộng đồng tác động thấp, hướng đến phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu của ông Võ Văn Phong - Giám đốc điều hành Công ty Du lịch C2T.
Mở đầu bài thuyết trình, ông Phong nêu rõ vấn đề cấp bách thế giới đang đối mặt là biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông nghiệp, vườn cây ăn trái, cây dừa... Ngoài ra, hạn mặn, sạt lở bờ sông nghiêm trọng cũng gây giảm năng suất, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch.
Theo ông, sản phẩm du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL có nhiều sự tương đồng. Đơn cử như ở Bến Tre, quảng bá du lịch gắn với văn hóa, hình ảnh cây dừa, tài nguyên bản địa để tạo sự khác biệt. Trong đó, lãnh đạo tỉnh nhận thấy xu hướng phát triển bền vững đang được quan tâm, đẩy mạnh. Vì vậy những năm gần đây, C2T đã tập trung phát triển mô hình du lịch tác động thấp, hướng đến Net Zero tour.
"Mô hình mới mang đến cho du khách trải nghiệm độc đáo, kết hợp khám phá văn hóa, thiên nhiên và bảo vệ môi trường", ông Phong cho biết.
Cụ thể, các hoạt động chính trong mô hình mới bao gồm: di chuyển bằng phương tiện giao thông thân thiện môi trường như xe đạp, thuyền đi theo con nước; thưởng thức ẩm thực địa phương, sử dụng nguyên liệu hữu cơ, hạn chế 80% bao bì nhựa; tham gia hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây, dọn dẹp rác ven sông; tính toán, bù trừ khí thải carbon phát sinh trong quá trình tour...
Sau thời gian áp dụng thử nghiệm, tỉnh Bến Tre ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Mô hình mới nhận được sự quan tâm, ủng hộ của du khách, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho địa phương, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Giám đốc C2T thể hiện kỳ vọng đưa Bến Tre thành chuẩn mực tiên phong ở Việt Nam về du lịch bền vững, có trách nhiệm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phúc lợi cộng đồng, bảo tồn môi trường và hành động vì khí hậu. Đồng thời, tạo dựng tour du lịch trung hòa carbon ở Bến Tre cũng giúp ủng hộ tiêu dùng, sản xuất có trách nhiệm, tích cực chống biến đổi khí hậu, bảo tồn văn hóa, giá trị cộng đồng địa phương.
-
9h23
Song song đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch bền vững phát triển tại ĐBSCL, ông Võ Văn Phong đề xuất một số giải pháp cụ thể, hiệu quả mà tỉnh Bến Tre đã, đang và sẽ áp dụng.
Thứ nhất, ông Phong kêu gọi hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch xanh, nâng cao ý thức cộng đồng như đường đi bộ, điểm dừng chân xe đạp, trạm sạc xe điện... Theo Giám đốc C2T, hiện thực hóa xu hướng này cần có thiết kế đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và từng hộ dân liên quan. Đối với hộ dân trên các địa bàn, ông Phong nhấn mạnh cần kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, vệ sinh môi trường, an toàn, an ninh cho du khách.
Tiếp đến, ông Phong khuyến nghị tổ chức đào tạo nguồn nhân lực xanh, gia tăng hiểu biết, kỹ năng, thái độ tương thích với các yêu cầu chuyển đổi xanh. Từ đó, không chỉ chuyển đổi ngành du lịch mà còn tạo nhân lực chất lượng cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn.
Cuối cùng là sự hỗ trợ phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, ông Phong cho rằng cần chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch phát triển sản phẩm mới, sáng tạo theo hướng bền vững, xanh hóa.
Đồng thời, ông cũng đề xuất hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp có cùng xu hướng kinh doanh, quảng bá các tour, sản phẩm du lịch mới như đang làm cho các sản phẩm OCOP của từng tỉnh, là cách góp phần tạo nhận diện cho xu hướng du lịch và kinh tế xanh.
Ông Võ Văn Phong mong muốn chính quyền triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn vay xanh cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch bền vững, tạo điều kiện phát triển hiệu quả.
"Việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng giúp doanh nghiệp trong ngành học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận các nguồn vốn xanh dễ dàng hơn", ông Phong kết luận.
-
09h30
Mô hình hội quán thúc đẩy 'cùng làm du lịch xanh'
Ông Trần Thanh Hùng chủ điểm homestay, nhà hàng, bến tàu khách du lịch Hoa & Ếch, chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch TP. Sa Đéc Đồng Tháp chia sẻ đến về những hoạt động cũng như những kiến nghị để thúc đẩy các hoạt động du lịch xanh tại địa phương.
Theo ông, xu hướng hiện nay của đại đa số khách du lịch là yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm khám phá và tôn trọng nét văn hóa lịch sử của từng điểm đến đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng.
"Tôi tự tin là chúng ta có rất nhiều chất liệu để chinh phục các nhóm du khách này" ông Hùng nói. Ông cũng bổ sung, các thành viên Hội quán đã có rất nhiều thiết kế để đem tới cho du khách những tour du lịch xanh: dùng xe điện cho đường bộ, tàu gỗ kết hợp sử dụng điện mặt trời cho đường thủy, sử dụng các sản phẩm có bao bì từ giấy, ống hút làm từ gạo, hạn chế dần các sản phẩm bằng nhựa... Những hoạt động này giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực bảo vệ đa dạng sinh học sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Hùng cho biết, những nỗ lực này mới là những bước chân đầu tiên, còn cần rất nhiều nỗ lực của cả một cộng đồng làm du lịch ĐBSCL thì mới có thể tạo lập và định hình thực sự xu hướng du lịch xanh, bền vững cho ĐBSCL.
Để phát triển du lịch xanh, ông Hùng cũng đưa ra một số kiến nghị. Đầu tiên, cần sự hợp tác của các bên, từ Bộ, ngành, trung ương, cấp địa phương, doanh nghiệp, cơ sở du lịch và cộng đồng dân cư. Tất cả cùng chung tay xây dựng kịch bản cụ thể cho quá trình thực thi, trong đó phân chia phần việc cụ thể, trách nhiệm rõ ràng của từng bên; nêu rõ nguồn lực cần thu hút để vận hành các sáng kiến, đồng thời phải tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi, trọng tâm trọng điểm trong toàn xã hội.
Thứ hai, ông mong muốn có các chính sách tạo đòn bẩy về ưu đãi thuế, vốn vay, kết nối thị trường... để tạo đà cho các doanh nghiệp và hộ dân đi đầu, chứng minh giá trị của du lịch xanh thì từ đó sẽ thu hút nhiều hơn cộng đồng cùng tham gia.
Ông cũng cho biết rất ủng hộ sáng kiến của Diễn đàn năm nay về việc hình thành Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong cũng như Nhóm công tác Du lịch xanh. Ông đề xuất: "Năm đầu tiên, nhóm công tác Du lịch xanh sẽ làm điểm, chúng tôi đăng ký làm cho Đồng Tháp và có thể doanh nghiệp các tỉnh khác sẽ tiến hành song song ở tỉnh nào quyết tâm cao, xây dựng cho bằng được các tour du lịch 2 ngày, 3 ngày... Các dịch vụ ăn ở đi lại, vui chơi đúng tinh thần xanh, bền vững. Có mục tiêu rõ ràng, thì hoạt động của nhóm mới hiệu quả", ông Hùng nói.
Hiện Hội Quán này có 40 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực khu điểm tham quan du lịch, dịch vụ lưu trú homestay, khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng đặc sản Đồng Tháp và các sản phẩm Ocop, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lữ hành nội địa. Trên địa bàn thành phố Sa Đéc có 17 cơ sở thành viên Hội quán. Trong đó, 6 khu điểm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, 6 cơ sở được công nhận đạt tiêu chí du lịch cộng đồng Ocop 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, một điểm 4 sao vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là điểm du lịch cộng đồng Việt Nam "Happy Land Hùng Thy". Năm 2024 có thêm hai đơn vị đăng ký tiêu chí Ocop 3 sao về du lịch cộng đồng, trong đó hiện có 4 đơn vị đã tham gia lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời áp mái và lưới sử dụng trên 50% sản lượng điện tiêu thụ của cơ sở.