Sáng 16/11, tại hội trường chính diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Các chuyên gia trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ĐBSCL. Ở năm thứ hai tổ chức, chương trình hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp.
Mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp trong nền kinh tế xanh
Chăm chú lắng nghe các sáng kiến từ doanh nghiệp và cá nhân trong suốt nhiều tiếng chương trình, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là những điểm sáng trong tiến trình hướng đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, Mạng lưới Chuyển đổi Xanh Mekong vừa ra mắt cũng được kỳ vọng thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực. Bộ trưởng thể hiện tự tâm đắc với ý tưởng hình thành mạng lưới chuyển đổi xanh của đơn vị tổ chức. Mong có nhiều dự án cho sự phát triển xanh của khu vực và cả nước.
Trong thời gian tới, để các ý tưởng có cơ hội hiện thực hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương, bộ, ngành cần tích cực nghiên cứu, mạnh dạn tham mưu, thử nghiệm hiệu quả hơn. Gắn cơ chế với các đề án, chương trình quốc gia cụ thể. Mỗi địa phương nên tập trung nhận diện, tháo gỡ vướng mắc trong khởi nghiệp, kinh tế xanh theo từng tỉnh, thành và cả vùng ĐBSCL.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, cải thiện nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Địa phương tận dụng tiềm năng sẵn có để nâng cao năng suất, cạnh tranh cho nền kinh tế, kỳ vọng tăng trưởng GDP trên 10%, từ năm 2026.
Quá trình phát triển tăng liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực, huy động ngân sách cho khoa học, đổi mới sáng tạo, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Ông cho biết thời gian tới sẽ có thêm luật mới về khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, trong đó đưa ra yêu cầu tôn trọng tính đặc thù của hoạt động khoa học, chấp nhận rủi ro, độ trễ, khoán toàn diện đến sản phẩm cuối. Cơ chế thương mại hóa dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn, hoạt động thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp.
"Mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để Việt Nam bắt kịp, vượt lên tiến trình đổi mới sáng tạo thế giới", Bộ trưởng nhấn mạnh trong tràng pháo tay hưởng ứng.
Trước đó, ở phần phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết diễn đàn đóng vai trò mở rộng kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đem lại nhiều giá trị giúp nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Theo ông Nam, sự phát triển của khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin... miền Tây là cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân khu vực. Những dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái, logistics... cũng góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển trong tương lai.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ xanh hóa
Tham gia diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ tâm tư trong quá trình sản xuất kinh doanh bền vững, đồng thời đưa ra kiến nghị tháo gỡ khó khăn để ĐBSCL vươn mình chuyển đổi xanh.
Ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123 cho rằng xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi phải hiểu biết nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, cần sự tư vấn và hỗ trợ từ chính quyền và các quỹ đầu tư.
Ông đưa ra ba kiến nghị. Thứ nhất là cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Chẳng hạn tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam, thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ. Thứ hai, chú trọng hơn trong đầu tư các hạ tầng mềm đặc biệt ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp.
Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Thách thức đặt ra là chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không phải điều dễ dàng, nhất là khi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu ngày càng khắt khe.
"Chúng ta không thể chuyển đổi lớn nếu không có cùng nhận thức, không có hiểu biết đủ", ông Viễn nhấn mạnh.
Bà Cao Thị Cẩm Nhung, người sáng lập thương hiệu Lemit foods, đề cập đến yếu tố chính sách thúc đẩy. Bà kiến nghị có các ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh. Đây là những nội dung cần thiết trong giai đoạn đầu cần thúc đẩy chuyển đổi.
Bà cũng mong chính quyền chuyển đổi một phần các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành các quỹ đầu tư chuyên biệt dành cho các dự án khởi nghiệp xanh, thu hút thêm các quỹ đầu tư uy tín khác của quốc tế và trong nước. Về xây dựng cộng đồng khởi nghiệp xanh, ý tưởng hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong và các Nhóm công tác xanh là sáng kiến thiết thực trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay.
Cùng ý kiến, Nguyễn Trung Tính, đại diện Công ty TNHH SX-TM Alpha Amin, đơn vị phát triển dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành Thủy sản", cho biết trong quá trình làm kinh tế xanh đội ngũ gặp không ít thách thức, từ thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm quản trị, marketing cho đến vấn đề vốn đầu tư. Do đó, ông kỳ vọng tương lai ĐBSCL sẽ hình thành nhiều trung tâm hỗ trở khởi nghiệp xanh.
Trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh. Đồng thời, đây cũng có thể là nơi thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và nhà đầu tư để hợp tác phát triển theo định hướng xanh, bền vững.
Thứ hai, các doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường nên được hưởng các ưu đãi về thuế trong giai đoạn đất nước ta đang thúc đẩy mục tiêu này.
Hợp lực củng cố nguồn lực, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng xanh
Song hành cùng các sáng kiến từ phía doanh nghiệp, tổ chức ĐBSCL, đại diện tỉnh Đồng Tháp, đơn vị tổ chức diễn đàn Mekong Startup 2024, đề xuất thành lập "Mạng lưới Thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long tham gia phát triển xanh và bền vững".
Ông Huỳnh Minh Thức - Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định mạng lưới sẽ là nguồn lực kết nối, thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp trong khu vực tham gia xây dựng kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững. Đoàn thanh niên, đoàn viên có thể tham gia các buổi đào tạo, tập huấn, bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp.
Ở khía cạnh quốc tế, ông Peter Johnson - chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cho rằng những xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn nguyên liệu giúp tạo cơ hội đổi mới trong nông nghiệp xanh. Theo đó, ông đưa ra những khuyến nghị về kết hợp nguồn lực công - tư hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh khu vực ĐBSCL.
Góp phần cụ thể hóa các khuyến nghị trên, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality, chuyên gia đổi mới sáng tạo của Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) đưa các đề xuất kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo cho mục tiêu phát triển du lịch xanh khu vực này. Chuyên gia gợi ý một số mô hình du lịch cộng đồng, gắn với các tiêu chí bền vững như: du lịch nông nghiệp, sinh thái farmstay và kỹ năng sinh tồn chống biến đổi khí hậu.
Nối tiếp những gợi ý về nâng cao nguồn lực chuyển đổi nông nghiệp xanh, ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, Tập đoàn VinaCapital, nêu góc nhìn, khẩu vị rủi ro từ quỹ đầu tư về các dự án xanh. Ông cho biết quỹ VinaCarbon sẽ đồng hành cùng chính phủ, hướng tới mục tiêu NetZero.
Trong đó, ĐBSCL giữ vai trò quan trọng khi chịu nhiều tác động ừ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên với những lợi thế sẵn có từ năng lượng gió, mặt trời, phân bón hữu cơ, lúa gạo... ông Vũ Chí Công cho rằng có thể tập trung cho các dự án lớn, thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy startup hiện thực hóa ước mơ. Ông cũng kiến nghị nên phát hành quy định về chứng chỉ carbon. Điển hình như mô hình than sinh học, phân hữu cơ, thị trường rất được quan tâm nhưng thiếu chính sách.
Tóm tắt phiên thảo luận, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết sau mỗi lần tổ chức diễn đàn, bà phát hiện ra các bộ, ban, ngành, tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những sáng kiến tiềm năng. Nhiều kiến nghị liên quan cơ chế, chính sách, bộ, ngành địa phương đã được đề ra. Theo đó, bà Thủy kỳ vọng có thể nhận được sự ủng hộ, thúc đẩy để đưa những tâm tư, nguyện vọng này "đến đích".
"Những mô hình, thiết kế trong khuôn khổ diễn đàn có thể cùng tham gia công tác, khuyến khích tinh thần nhận thí điểm. Dù ý tưởng đó chưa rõ ràng nhưng vẫn có sự đồng hành của các tổ chức, chuyên gia", bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói thêm
Với Giáo sư Phan Văn Trường, ông khuyên mỗi đơn vị cần chủ động tìm hiểu nhu cầu cụ thể thay vì chỉ tìm hiểu xem nhu cầu chung của thị trường quốc tế là gì,. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước có thể đưa ra những sản phẩm, dịch vụ cụ thể, đúng với nhu cầu của khách hàng quốc tế.
"Thay vì đơn thuần là bán gạo thì chúng ta nên nhìn xem chúng ta có những giống gạo gì, chất lượng ra sao. Bán sầu riêng thì có những giống sầu riêng gì... có đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế không", Giáo sư Phan Văn Trường nêu ví dụ.
Sau những phiên thảo luận sôi nổi, cởi mở nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, diễn đàn Mekong Startup công bố kết quả và trao giải Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024.
Khép lại phiên toàn thể diễn đàn Mekong Startup 2024 là nghi thức ra mắt Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong. Đây là sáng kiến hợp tác từ hai khối công - tư, nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tại khu vực ĐBSCL. Mạng lưới hoạt động theo cơ chế xây dựng kế hoạch hành động định kỳ, tổ chức các buổi họp hàng quý hoặc 6 tháng, xuất bản tin chuyên đề và tổ chức các hoạt động đặc thù khác.
Diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Mekong Startup lần hai có chuỗi hoạt động kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, tổ chức bởi Tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo VnExpress. Chương trình có sự cố vấn chuyên môn của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Các hoạt động chính diễn ra trong hai ngày 15-16/11 với nhiều sự kiện: chung kết Tìm kiếm sáng kiến chuyển đổi xanh Mekong 2024; tọa đàm Kết nối - vươn xa, phiên toàn thể Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển...
Diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần một tổ chức cách đây hai năm tại Đồng Tháp, thu hút hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành.
Bảo Trân - Hoài Phương
Xem diễn biến chính