Lần đầu tiên trong mùa hè năm nay một phần xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội), bị cắt điện dù địa bàn này không trong danh sách tạm dừng cung cấp ngày 1/6 của điện lực thành phố.
Ban đầu, người phụ nữ gần 70 tuổi nghĩ chỉ cắt điện chục phút để sửa chữa, nhưng qua trưa vẫn không có. Nồi cơm đang sôi dở, chưa cạn nước đã ngưng hoạt động buộc gia đình bà Lan ăn tạm mì gói.
Sau bữa trưa, bà cố ru cháu trai 3 tuổi ngủ để quên nóng nhưng bất thành. Thấy cháu liên tục quấy khóc, bà đành bế cậu bé ra hồ nước ở đầu thôn. "Chẳng ai muốn ra ngoài lúc nắng gắt nhất thế này nhưng ngồi trong nhà không chịu nổi ", bà nói.
Bất ngờ bị cắt điện lúc 10h sáng khiến gia đình anh Đoàn Thái, 35 tuổi, ở xã Tiền Yên, không kịp tìm chỗ cho ba cậu con trai từ 2 đến 5 tuổi, đi tránh nóng.
Khi thấy ngoài trời lên đến 40 độ, ông bố trẻ dự định đổ nước ra sàn nhà, sân, để làm mát nhưng nhớ ra đã mất nước từ tuần trước, gia đình đang đi xin từng xô nước của hàng xóm.
"Giữa hôm nắng nóng cao điểm thì cắt điện, cắt nước. Người lớn còn cố chịu chứ các cháu nhỏ vất vả quá", anh thở dài. Anh Thái từng dò hỏi một số người quen trong huyện để gửi con nhưng nhận ra khắp nơi đều bị cắt điện. Cuối cùng, anh đành phải lấy khăn ướt lau người kết hợp với quạt bằng tay để lũ trẻ dễ chịu hơn.
Tình trạng mất điện trong những ngày nóng làm đảo lộn cuộc sống người dân ở nhiều quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Tính riêng ngày 1/6, theo thông báo của Tổng công ty điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), thành phố có 46 điểm cắt điện tại 15 quận, huyện, tùy từng điểm sẽ cắt 1-8 tiếng. Trong tuần qua, thành phố đã thực hiện cắt điện tại 166 điểm.
Tuy nhiên, nhiều khu vực nằm ngoài danh sách như phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), huyện Chương Mỹ, Thanh Oai cũng bị cắt điện từ sáng đến tối, khiến người dân không kịp trở tay. Trong thông báo gửi đến người dân, Công ty điện lực Chương Mỹ cho biết do nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến, từ 10h14 ngày 1/6 hệ thống điện miền Bắc bị thiếu nguồn. Để đảm bảo an toàn hệ thống, Điều động hệ thống điện miền Bắc đã phải ngừng cấp điện khẩn cấp một số khách hàng được cấp từ trạm biến áp 110 kV Xuân Mai và một phần từ trạm biến áp 110 kV Phú Nghĩa.
Vợ chồng chị Hoàng Anh ở quận Hà Đông là ví dụ. Nhiều lần rà soát để chắc chắn ngày 1/6 không mất điện, người phụ nữ 32 tuổi mời bạn bè đến nhà chơi. Nhưng đầu buổi sáng, chị được người nhà báo tin cả khu bị cắt điện. Lo mất điện đến đêm như một số lần trước, hai vợ chồng đành hẹn bạn ra ngoài ăn. "Tại sao cứ nhằm đúng ngày nắng nóng cao điểm để cắt điện?", Hoàng Anh nói.
Thắc mắc của chị giống suy nghĩ của nhiều người khác dù từ nhiều năm nay EVN Hà Nội khẳng định không có chuyện cắt điện luân phiên, đặc biệt không cắt điện trong những ngày nắng nóng trên 36 độ C, trừ trường hợp bị đe dọa an toàn điện.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc cắt điện trong những ngày nắng nóng là điều bất khả kháng không chỉ của Hà Nội mà của hầu hết các tỉnh, thành bởi nguồn cung thiếu nhưng nhu cầu tăng đột biến. Thống kê của EVN Hà Nội cho thấy, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 (tính đến 18/5) hơn 68 tỷ kWh, tăng 10,7% so với tháng 4. Hệ thống điện miền Bắc được dự báo thiếu khoảng 1.600-4.900 MW.
Nhu cầu tiêu thụ điện tại TP HCM cũng tăng vọt. EVN TP HCM cho biết trong 20 ngày đầu tháng 5, sản lượng điện bình quân đạt gần 95 triệu kWh mỗi ngày, mức tiêu thụ cao nhất của thành phố từ trước đến nay.
Được thông báo kế hoạch cắt điện nếu có qua số điện thoại hoặc app của khách hàng, nhưng nhiều người dân TP HCM cho biết thi thoảng vẫn bị mất điện không rõ lý do.
Chị Mai Thương, 30 tuổi, ở quận 3 (TP HCM) kể sáng 16/5 bất ngờ tỉnh giấc sớm do mất điện. Thấy con trai hai tuổi quấy khóc, lưng ướt đẫm mồ hôi, chị Thương đành nổ máy ôtô, bật máy lạnh cho con ngủ tiếp.
Chờ mãi không có điện, ngồi lâu trong xe ngột ngạt, chị đành đưa con ra quán cà phê tránh nóng. "Đây cũng là giải pháp tình thế bởi hàng quán ồn ào, đông đúc mà ngồi lâu lại ngại. Sau đợt này tôi tính mua quạt, đèn tích điện, đề phòng những lúc cắt điện đột ngột", chị Thương kể.
Theo cơ quan khí tượng quốc gia, dự báo nắng nóng sẽ tập trung trong tháng 6-8 với nhiều mức nhiệt kỷ lục mới có thể xuất hiện. Để tránh tình trạng quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, Tổng Công ty điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết; hạn chế dùng đồ điện có công suất lớn vào khung giờ cao điểm (từ 11h30 đến 14h30 và từ 20h đến 22h); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng lúc để tránh quá tải lưới điện, đề phòng nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Để tránh việc cắt điện làm đảo lộn cuộc sống, chuyên gia Ngô Trí Long khuyên mọi người nên triệt để tuân thủ các khuyến cáo của EVN. Khi biết có lịch cắt điện, người dân cần tính toán phương án di tản đến nơi mát nếu gia đình có người già, trẻ nhỏ hoặc người đau ốm; lên phương án tích trữ, bảo quản thức ăn trong thùng giữ nhiệt khi tủ lạnh ngừng hoạt động.
Về phía điện lực, ông Long nhấn mạnh cần kịp thời thông báo lịch cắt điện chính xác nhất cho người dân. Cố gắng trong điều kiện phụ tải lớn cần nghiên cứu cụ thể và phân chia các khu vực cắt linh hoạt để đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chính quyền các cấp, tổ dân phố cũng cần thông báo lịch cắt điện rộng rãi trên loa và đến từng nhà để kịp thời ứng phó.
"Tình trạng cắt điện là bất khả kháng nên người dân nên chia sẻ những khó khăn với ngành điện để cùng vượt qua giai đoạn này", chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Đến 20h ngày 1/6, người dân tại xã Tiền Yên đã được cấp điện trở lại. "Nếu được thông báo trước thời gian dừng cấp điện chúng tôi có thể chủ động tìm phương án tránh nắng nóng phù hợp. Cứ kiểu 'đánh du kích' như hiện nay thì không biết đường nào mà lần. Chống chọi với nắng nóng đã đủ mệt mỏi rồi", bà Lan nói.
Quỳnh Nguyễn
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.