Bác sĩ Lê Duy Lạc, Phó Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Covid-19 Thủ Đức (đặt tại Bệnh viện TP Thủ Đức), ngày 20/8 cho biết bệnh nhân trước đó điều trị Covid-19 tại Bệnh viện quận Bình Tân.
Ngày 18/8 (ngày thứ 4 mắc Covid-19), bệnh nhân lên cơn đau ngực dữ dội, nhịp tim chậm còn 45 lần/ phút (trung bình 60-100 lần/phút), huyết áp tụt còn 80/50, đo ECG (điện tâm đồ), xét nghiệm máu chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi hội chẩn liên viện, người đàn ông được chuyển tới Bệnh viện Covid-19 Thủ Đức.
Lúc này, bệnh nhân đã suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu (SpO2) còn 85%, phải thở oxy và dùng thuốc vận mạch, giữ không cho nhịp tim và huyết áp tụt sâu thêm. Bệnh nhân được đưa ngay đến phòng can thiệp DSA (chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền) đặt máy tạo nhịp, ổn định nhịp tim. Hình ảnh chụp mạch vành xác định người đàn ông bị tắc hoàn toàn động mạch vành bên phải.
Ê kíp can thiệp tim mạch đã tiến hành hút ra nhiều máu đông trong lòng mạch vành và đặt một stent tái thông hoàn toàn mạch máu cho người bệnh. Cuộc phẫu thuật cấp cứu thành công.
Hiện, bệnh nhân đã hồi phục nhịp tim, không đau ngực và không cần oxy trợ thở. Thời gian tới bệnh nhân sẽ kết hợp điều trị Covid-19 và theo dõi tim mạch.
Theo bác sĩ Lạc, đây là trường hợp rất đặc biệt, bệnh nhân vốn đã giảm oxy do tổn thương phổi, lại xuất hiện nhồi máu cơ tim cấp làm tụt huyết áp và nhịp tim chậm. Nếu hai bệnh viện không phối hợp điều phối và xử lý tình huống nhanh chóng, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao. Bên cạnh đó, quá trình can thiệp mạch vành cho bệnh nhân này cần tiến hành nhanh, tận dụng thời gian vàng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn chống nhiễm khuẩn và hạn chế lây nhiễm Covid-19 cho nhân viên y tế.
Giữa tháng 7/2021, Bệnh viện TP Thủ Đức áp dụng mô hình "tách đôi", chuyển đổi công năng toà nhà 7 lầu thành nơi tiếp nhận người bệnh Covid-19. Khu vực điều trị Covid-19 có lối đi riêng, tách biệt hẳn nên không ảnh hưởng hoạt động khám chữa các bệnh khác. Bệnh viện có quy mô 300 giường, điều trị cho các F0 có bệnh lý nền, bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch.
Thư Anh