Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, trong bộ quân phục, đã theo dõi khoảng 4.000 binh sĩ duyệt binh và các máy bay, trực thăng bay qua trên bầu trời, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi nước này tìm "các giải pháp thay thế" để kỷ niệm sự kiện.
Belarus là quốc gia thuộc Liên Xô cũ duy nhất vẫn tổ chức duyệt binh dù đã ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm nCoV, trong đó 121 ca tử vong. Nước này không áp đặt các biện pháp cách ly và bị chỉ trích khi tiếp tục tổ chức các trận bóng đá trong những tuần đầu khi dịch bệnh bùng phát.
Nước láng giềng Nga đã hủy lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng vì lo ngại nguy cơ nCoV lây lan. Tuy nhiên, ông Lukashenko, người lãnh đạo Belarus từ năm 1994, cho rằng "ngay cả ý nghĩ thay đổi truyền thống thôi cũng không chấp nhận được". Ông bác bỏ sự nghiêm trọng và những lo ngại liên quan đến đại dịch.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy khán giả cũng như các cựu binh già ngồi san sát nhau trên những hàng ghế, nhiều người không đeo khẩu trang. Theo hãng thông tấn Belta, ban tổ chức đã chuẩn bị chỗ ngồi cho 11.000 người.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức lễ kỷ niệm, vì đôi mắt của những người lính Xô Viết này, những người đã hy sinh cho tự do của chúng tôi, đang dõi nhìn", ông Lukashenko nói.
Các con cháu của Tổng thống Belarus đều vắng mặt, trong khi Nikolai, con trai ông và được đồn đoán là người kế nhiệm tiềm năng, đứng bên cạnh cha.
Belarus là một trong những lãnh thổ Xô Viết đầu tiên bị Đức xâm chiếm vào ngày 22/6/1941 và bị chiếm đóng cho đến tháng 8/1944, dù phần lớn đã nằm dưới sự kiểm soát của phong trào kháng chiến mạnh mẽ của Liên Xô. Quốc gia này đã hứng chịu nhiều thiệt hại to lớn, với hàng trăm nghìn người Do Thái bị sát hại trong cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã.
Quốc gia Trung Á Turkmenistan là nước còn lại thuộc Liên Xô cũ cho biết sẽ kỷ niệm Ngày Chiến thắng bằng lễ duyệt binh, nhưng chưa báo cáo ca nhiễm nCoV nào.
Anh Ngọc (Theo AFP)