Trả lời
Rụng tóc ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể do chế độ ăn uống thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị stress... Một số bệnh lý như nhiễm nấm da đầu (thường gặp ở trẻ ra mồ hôi nhiều hay không gội đầu thường xuyên), bệnh lý tuyến giáp (thường do suy giáp) cũng gây nên rụng tóc. Một số trẻ còn tự bứt tóc do có vấn đề về tâm lý.
Ngoài ra, một số trẻ có thói quen thường ngày như lấy tay xoắn tóc, cột tóc quá chặt hoặc sấy khô tóc với nhiệt độ cao cũng làm tóc dễ rụng. Rụng tóc cũng có thể xảy ra khi tóc và da đầu trẻ tiếp xúc với hóa chất hay hơi nóng khi nhuộm, duỗi hay uốn tóc.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay, nếu gia đình chưa thể đưa trẻ đi khám được thì có thể áp dụng một số cách giúp hạn chế việc rụng tóc cho bé. Theo đó, phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng đủ chất (bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể qua các bữa ăn), cho trẻ ngủ đủ giấc để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên cần chú ý nếu dư vitamin A cũng có thể gây rụng tóc. Không dùng chung lược chải đầu hoặc nón với người khác, tránh cột tóc quá chặt để giảm gãy rụng. Bé cần thường xuyên gội đầu và làm khô tóc trước khi đi ngủ. Nếu sấy tóc, nên sấy với nhiệt độ thấp.
Riêng biểu hiện bé hay bị bầm da khi va chạm dù nhẹ, gia đình không phải lo lắng vì bé đã được làm xét nghiệm để loại trừ bệnh về máu - là nguyên nhân quan trọng gây chảy máu bất thường và cần phải được thăm khám, điều trị kịp thời.
Một số trẻ cũng có thể dễ bị bầm da nếu có da mỏng, mạch máu dưới da nhỏ, yếu, dễ tổn thương hoặc thiếu vitamin C - thành phần giúp thành mạch máu vững chắc. Khi bé nhận được chế độ dinh dưỡng đủ chất, tình trạng rụng tóc và bầm da của bé sẽ được cải thiện.
Khi điều kiện cho phép, bạn nên cho bé đến bệnh viện để bác sĩ khám, làm xét nghiệm nếu cần và có hướng tư vấn, điều trị thích hợp.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa
Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM