Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động 10-50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức cao nhất là 46%.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của quyết định này đến thị trường bất động sản. Nhưng trước mắt, ông nói động thái này đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như khả năng tác động đến dòng vốn FDI vào thị trường này.
Bởi nếu các tập đoàn đa quốc gia giảm hoặc hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và giá thuê khu công nghiệp có thể giảm khiến tồn kho tăng và các khu công nghiệp mới cũng bị trì hoãn. "Điều này kéo theo các khu vực đang phát triển bất động sản công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Long An, Bình Dương... sẽ bị tác động", ông lo ngại.
Đồng tình, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc khối đầu tư DKRA Group, cho rằng mọi diễn biến của thị trường bất động sản sẽ có sự thay đổi lớn sau quyết định áp thuế 46% của Mỹ. Theo đó, lĩnh vực bất động sản hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và nhà ở đều sẽ khó khăn khi thuế đối ứng được thực thi (9/4).
Ông Thắng cho biết thời gian qua, không ít doanh nghiệp Việt đẩy mạnh đầu tư nhiều khu công nghiệp với các chi phí đầu tư cao, với kỳ vọng thu hút dòng vốn FDI. Với chính sách thuế mới, không loại trừ khả năng dòng vốn FDI sẽ đảo chiều, quay đầu cập bến các quốc gia khác. Việt Nam có thể rơi vào tình trạng "tổ xây xong không đón được đại bàng".
Bên cạnh đó, thanh khoản bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại, bán lẻ, văn phòng, nghỉ dưỡng... trong ngắn hạn có thể cùng chịu tác động sụt giảm thanh khoản từ tâm lý đầu tư thận trọng, dòng tiền phòng thủ và thu nhập từ người mua nhà bị ảnh hưởng. Các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, bất động sản lưu trú du lịch, cho thuê và mua bán nhà cho người nước ngoài cũng giảm khi nhóm lao động chuyên gia từ khối doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê - mua bất động sản Việt Nam.

Thị trường bất động sản Việt Nam dự báo chịu tác động từ thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh: Quỳnh Trần
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng cho rằng trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp FDI, Mỹ vẫn là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu. Những chính sách thuế quan này sẽ có tác động lớn đến sự dịch chuyển dòng vốn, tâm lý nhà đầu tư và cả các kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Nếu mức thuế 46% này được thực thi, Việt Nam có thể bị giảm sức hút đầu tư, kéo theo mọi loại hình bất động sản cùng nhau liên đới.
Một thực tế là thị trường bất động sản Việt Nam chỉ mới phục hồi sau một đợt khó khăn kéo dài 2 năm qua. Thị trường này hiện vẫn rất nhạy cảm và yếu ớt với các biến động lớn về chính sách, kinh tế chung. Nhà đầu tư còn duy trì tâm lý thận trong với kênh này, nếu bồi thêm một áp lực mới lớn hơn, đà phục hồi thanh khoản chắc chắn sẽ bị cắt đứt, khả năng xấu nhất lại rơi vào trầm lắng trong ngắn hạn.
Dự báo kịch bản thị trường bất động sản sau khi thuế đối ứng được áp dụng, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, phân tích sẽ có ba kịch bản có thể xuất hiện với thị trường này khi Mỹ áp thuế đối ứng. Kịch bản xấu nhất là Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 46%, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ "nguội lạnh". Khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động trực tiếp, buộc phải tạm hoãn các kế hoạch triển khai dự án mới, tập trung vào khai thác sản phẩm hiện có để tránh rủi ro, cung - cầu bất động sản cùng nhau chững lại.
Với kịch bản Việt Nam đàm phán được mức thuế mới, vào khoản trên dưới 20%, thị trường vẫn có khó khăn nhưng ở mức dễ thở hơn, tâm lý "căng như dây đàn" của nhà đầu tư được giải toả phần nào, kéo theo nguồn cung và nhu cầu giảm nhưng chỉ ở mức vừa phải. Ngắn hạn thị trường vẫn sẽ trầm lắng nhưng hồi phục nhanh chóng khi chính phủ tìm kiếm các giải pháp cân đối về lâu dài.
Còn với kịch bản khả quan, Mỹ chấp nhận mức thuế dưới 15%, bất động sản gần như sẽ được "miễn nhiễm".
Dù là kịch bản nào, theo ông Tuấn, doanh nghiệp bất động sản vẫn cần chuẩn bị các kế hoạch ứng phó. Ngay cả khi áp dụng mức thuế 20%, thị trường cũng không tránh được cú sốc và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bị giảm đi so với các nước trong khu vực. Vì vậy để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, doanh nghiệp bất động sản cần sớm tối ưu tài chính, cơ cấu lại dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và cân đối các phân khúc, loại hình đầu tư. Lúc này các chủ đầu tư bất động sản cần tập trung vào phát triển sản phẩm ở thực, loại hình ít tác động bởi xu hướng dòng tiền đầu tư.
Tâm lý lo lắng từ thuế quan 46% có thể khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái phòng thủ và quan sát tạm thời, mức độ nghiêm trọng ra sao sẽ phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam và diễn biến chính sách thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Dù vậy, theo giới chuyên môn, bất động sản vẫn là kênh giữ tiền hàng đầu được người Việt ưa chuộng. Trong dài hạn, dòng tiền cũng sẽ trở lại với thị trường này. Dù vậy trong ngắn hạn, nhà đầu tư và cả doanh nghiệp bất động sản vẫn cần có chiến lượt thích ứng linh hoạt và chuẩn bị ứng phó với mọi thay đổi của chu kỳ mới.
Phương Uyên