Với mong muốn tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp, sản phẩm xuất sắc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và vùng sâu, xa, miền núi, VnExpress tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên, tuổi dưới 40.
Đây là năm thứ 2 cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) được tổ chức, kỳ vọng khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho việc phát triển, ứng dụng các sáng kiến phục vụ đời sống.
Cuộc thi với 4 giai đoạn: Vòng nhận hồ sơ, sơ loại, chung kết và lễ trao giải. Các dự án được tham gia ở các lĩnh vực bao gồm: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Vòng nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 2/3/2023.
Năm nay, tổng giá trị giải thưởng được nâng lên 300 triệu đồng cho các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba, khuyến khích. Trong đó, cuộc thi có thêm hạng mục thu hút các sáng kiến áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Mùa 1 cuộc thi Sáng kiến Khoa học đã chứng kiến sự thành công và phát triển của các dự án được trao giải. PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học bách khoa (Đại học quốc gia TP HCM), trưởng nhóm nghiên cứu Sản phẩm Deep Signature, cho biết, sau khi nhận giải, nhóm được hàng chục công ty sản xuất liên hệ để tìm hiểu giải pháp, thảo luận hợp tác, và đưa các đề bài thực tế thị trường nhằm hoàn thiện hơn nữa sáng chế của Deep Signature. Sản phẩm của nhóm ứng dụng công nghệ blockchain vào giải pháp chống hàng giả. "Nhóm nhận được lời mời của Đại học Leipzig trong khuôn khổ giải thưởng International Innovator Award 2022 tài trợ một chuyến đi sang CHLB Đức trong năm 2023 để giới thiệu và quảng bá thuật toán blockchain Deep Signature trong xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Đức", PGS Quân chia sẻ.
Ông cho biết, từ trao đổi thực tế với các doanh nghiệp sản xuất, Deep Signature đã hoàn thiện bộ công cụ cho phép bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân có thể tạo và tự in hàng ngàn mã chống hàng giả cho sản phẩm của mình với chi phí rẻ hơn nhiều lần những giải pháp hiện nay trên thị trường.
TS Hồ Thị Oanh, Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu đoạt giải Nhất mùa 1 với giải pháp chiết tách thành công lycopen từ gấc, ghi nhận cuộc thi Sáng kiến Khoa học của VnExpress là niềm khích lệ lớn đối với những nhà khoa học trẻ giống như cô. Cuộc thi đã giúp nhóm đạt nhiều thành công về mặt truyền thông. "Nhóm liên tiếp nhận được lời mời, kết nối từ các doanh nghiệp, đơn vị phát triển mỹ phẩm, cuộc thi đã giúp giải pháp của Viện được nhiều người biết đến", TS Oanh cho biết.
Trong 7 sáng kiến được trao thưởng, giải đặc biệt 100 triệu đồng thuộc về công nghệ vệ tinh được nhóm tác giả Đồng Quang Hồng (Khánh Hòa) ứng dụng trong thiết bị phao dò cá. Sản phẩm được nhóm tác giả nghiên cứu với mục đích hỗ trợ ngư dân tăng năng suất đánh bắt cá, giảm bớt chi phí đi lại khi sử dụng chà truyền thống.
Anh Đồng Quang Hồng đánh giá cao về chuyên môn của Ban giám khảo lẫn cách thức tổ chức chuyên nghiệp tại lễ trao giải. Anh Hồng chia sẻ sau cuộc thi họ chưa có nhiều đơn hàng mới do các nguyên nhân khách quan từ thực tế như giá xăng dầu tăng, có thời điểm người dân hạn chế đi biển. Song anh cho biết nhóm tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hơn sản phẩm và đợi thời gian tới để triển khai. "Chúng tôi sẽ cố gắng để thương mại sản phẩm tốt hơn nữa và rất mong nếu có ý tưởng, sản phẩm mới nào chắc chắn sẽ tham gia tiếp", anh cho hay.
Những người yêu khoa học, các nhà nghiên cứu có thể gửi hồ sơ về ý tưởng, sản phẩm tại đây.
Yêu cầu giải pháp/sản phẩm dự thi được mô tả bằng văn bản và video (giới thiệu công trình), trong đó có tính mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế và khả năng áp dụng thực tế. Tác giả được giải sẽ nhận phần thưởng là tiền mặt và các lợi ích khác như cơ hội được truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.
Như Quỳnh